Trở thành thành phố thông minh vào năm 2030
Thực hiện Nghị quyết 05 ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn, trong đó có nội dung ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh (ĐTTM), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu: Đến năm 2018, Bắc Ninh sẽ xây dựng thành công chính quyền điện tử (CQĐT), đồng thời từng bước phấn đấu đưa tỉnh trở thành thành phố thông minh vào năm 2030.
Để có thể tiến tới chính quyền thông minh, Bắc Ninh cần trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Chuyển đổi từ mô hình chính quyền truyền thống hiện nay sang mô hình CQĐT bằng cách ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn; Giai đoạn 2: Từ mô hình CQĐT sang chính quyền mở (chính quyền kiến tạo); Giai đoạn 3: Từ mô hình chính quyền mở sang chính quyền thông minh.
Theo đó, song song với việc xây dựng thành công CQĐT, Đề án mô hình thành phố thông minh được Bắc Ninh triển khai từ năm 2017. Bắc Ninh lựa chọn, xây dựng mô hình thành phố thông minh với 6 lĩnh vực cốt lõi (nền kinh tế thông minh, cư dân thông minh, quản trị thông minh, dịch chuyển thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh) thông qua mục tiêu xây dựng và lộ trình triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn đến 2030.
Đến nay, Bắc Ninh đã triển khai được các dự án hợp phần chính của Đề án, trong đó, trung tâm dữ liệu thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh là dự án nền tảng đầu tiên. Trung tâm điều hành thành phố thông minh được coi như là "bộ não số" của tỉnh Bắc Ninh, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, cùng với các phần mềm sẽ được đầu tư thêm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh Bắc Ninh trên mọi lĩnh vực đời sống về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Trung tâm này có gần 1.100 chỉ số thống kê ở tất cả các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, giao thông, lao động thương binh và xã hội, tài chính, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, khoa học công nghệ, hành chính công… Từ trung tâm này, giai đoạn 1 kết nối với 300 camera trong TP. Bắc Ninh và tiến tới là kết nối toàn bộ camera toàn tỉnh; có 30 trạm quan trắc khí và nước; 328.135 điểm trên bản đồ GIS; 30 hệ thống phần mềm và ứng dụng trên Mobile…
Trung tâm điều hành gồm 17 hợp phần cho phép thống nhất về mặt thông tin, dữ liệu giúp lãnh đạo các cấp nắm bắt mọi luồng dư luận, thông tin để kịp thời đưa ra các ứng xử phù hợp. Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng di động từ trung tâm, người dân, doanh nghiệp (DN) cũng có thể thông báo với các ngành chức năng những vấn đề cấp thiết cần giải quyết, khắc phục hoặc đề đạt kiến nghị đến chính quyền các cấp.
Với những tính năng ưu việt đó, Dự án Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh được đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng vật lý cho trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ, kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật. Việc thực hiện dự án đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống CNTT tập trung, giúp giảm thiểu các chi phí quản trị, bảo trì, vận hành hệ thống trung tâm dữ liệu, cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho toàn hệ thống CNTT.
Xây dựng thành phố thông minh cần có trọng tâm, trọng điểm
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh khẳng định, xây dựng và phát triển thành phố thông minh là một quá trình vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm nên cần có trọng tâm, trọng điểm và bước đi phù hợp. Trên cơ sở phân tích các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kết luận trong giai đoạn đầu, mô hình thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm gồm: Hạ tầng CNTT, y tế, giáo dục, an ninh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thiện một số nhiệm vụ về xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh như: Dự án trung tâm dữ liệu thành phố thông minh; Dự án triển khai mạng WAN nội tỉnh; Thí điểm hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai lắp đặt 3.200 camera giám sát trên phạm vi toàn tỉnh.
Sở TT&TT đã phối hợp vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh với các chức năng chính như: Theo dõi, giám sát các tình huống khẩn cấp cần ứng phó liên tục (tình hình dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn); Hệ thống tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của các ngành phục vụ công tác điều hành, ra quyết định; Hệ thống thông báo, trao đổi thông tin nội bộ; Theo dõi tình hình xử lý văn bản của các cơ quan, đơn vị; Thông báo lịch làm việc; Hệ thống hỗ trợ họp không giấy tờ; Xem và tra cứu camera, các hệ thống cảm biến khác; Theo dõi tình hình thực hiện giải quyết ý kiến người dân; Theo dõi báo chí và mạng xã hội; Theo dõi tình hình giải quyết thủ tục hành chính tại các Trung tâm hành chính công.
"Trong thời gian tới, ngành sẽ sớm triển khai các dự án hợp phần thuộc các lĩnh vực khác như Trung tâm điều hành giáo dục và đào tạo, Trung tâm điều hành tài nguyên và môi trường, Trung tâm điều hành và hệ thống thu thập thông tin cảnh báo sớm,...", ông Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm.