Bến Tre thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy Chuyển đổi số

Hoàng Linh| 19/01/2021 09:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Tỉnh uỷ Bến Tre vừa ban hành Quyết định số 90/QĐ-TU về việc thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bến Tre.

Theo Quyết định, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bến Tre có 40 thành viên là đại diện các Sở, Ban ngành của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng chí Phó Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban. Đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn hoá, xã hội làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Đồng chí Giám đốc Sở TT&TT làm thành viên thường trực.

Ban Chỉ đạo CĐS của tỉnh có nhiệm vụ giúp Ban thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030; rà soát, kiến nghị Trung ương ban hành thể chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới, nội dung số.

Ban chỉ đạo cũng có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo CĐS ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ, thành lập Tổ thư ký, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo.

Quyết định cũng giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo.

Được biết tháng 10/2020, tỉnh Bến Tre đã phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh…

Kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 5%; Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về CNTT. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi cho biết Bến Tre đã cung cấp 100% TTHC phù hợp lên thành DVCTT mức độ 4 và là địa phương đầu tiên trên cả nước đạt kết quả này, tạo dấu mốc quan trọng, lan tỏa tinh thần CĐS.

Hiện tại, toàn bộ các DVCTT được 17 đơn vị cấp tỉnh; 09 cấp huyện, thành phố và 157 xã, phường, thị trấn cung cấp phục vụ người dân và DN. Theo số liệu thống kê, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết từ 01/01/2020 - 31/12/2020 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công là 78.496 hồ sơ.

Bến Tre lập Ban chỉ đạo thúc đẩy Chuyển đổi số - Ảnh 1.

Bến Tre đã cung cấp 100% TTHC phù hợp lên thành DVCTT mức độ 4 và là địa phương đầu tiên trên cả nước đạt kết quả này, tạo dấu mốc quan trọng, lan tỏa tinh thần CĐS. (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

CĐS trong các lĩnh vực ưu tiên

"Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã nêu rõ các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp. Theo đó, tình hình triển khai CĐS ở Bến Tre trong các lĩnh vực như sau:

Lĩnh vực y tế:

Sở Y tế Bến Tre đã triển khai kết nối phần mềm VNPT-HIS cho 154 cơ sở y tế (trong đó có 03 bệnh viện tuyến 2; 01 Trung tâm y tế Thành Phố; 09 phòng khám đa khoa; 141 trạm y tế xã, phường) và hệ thống đã được kết nối liên thông với cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và cổng giám định Bảo hiểm y tế Quốc gia.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã phối hợp với VNPT Bến Tre và các đơn vị có liên quan triển khai hệ thống phần mềm VNPT-Pharmacy cho 106 nhà thuốc và 1.357 quầy thuốc trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời thực hiện liên thông dữ liệu cho tất cả các nhà thuốc lên Cổng dược quốc gia theo đúng chuẩn của Quyết định 777/QĐ-QLD ngày 27/11/2018 của Cục Quản lý dược (đạt tỷ lệ 100% theo đúng lộ trình của Sở Y tế và Bộ Y tế).

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

Bến Tre hiện đã có 100% trường THCS, THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thực hiện sổ điểm điện tử (sử dụng phần mềm vnEdu); học bạ điện tử đang được nhiều trường áp dụng ở lớp đầu cấp và tiếp tục thực hiện khi học sinh chuyển lên lớp trên.

87% các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, 30% trường THCS, Tiểu học ứng dụng xếp thời khóa biểu trên phần mềm hỗ trợ; 58% các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, 48% các trường THCS, Tiểu học triển khai thực hiện phần mềm quản lý thư viện, thiết bị, tài sản; 80% các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, 97% các trường THCS, Tiểu học, Mầm non triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục trên phần mềm trực tuyến.

Trong thời gian học sinh nghỉ học do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các trường học đã duy trì việc liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh; thường xuyên nhắc nhở và hướng dẫn học sinh ôn tập kiến thức, thực hiện việc giao bài tập và hướng dẫn học sinh tự học ở nhà và tổ chức các hình thức tự học qua các hình thức ứng dụng CNTT phù hợp tình hình thực tế đơn vị, trường học. Bước đầu 1.450 bài giảng e-Learning đã được tuyển chọn.

Hệ thống học tập trực tuyến VNPT LMS ghi nhận được 91,20% trường học tổ chức khá tốt dạy học trực tuyến với 24.816 khóa học, 1.578 bài kiểm tra đánh giá, 32.558 câu hỏi trắc nghiệm, 3.432 tài liệu với hơn 26.424 lượt giáo viên, 373.588 lượt học sinh tham gia dạy và học trực tuyến.

Lĩnh vực du lịch:

Ngành du lịch Bến Tre đang phát triển theo xu hướng du lịch thông minh, từng bước đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre đã chủ động triển khai một số ứng dụng CNTT vào ngành du lịch như: trang thông tin điện tử chuyên về du lịch đã và đang hoàn thiện nhằm thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách; xây dựng những ứng dụng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Lĩnh vực nông nghiệp:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Viettel Bến Tre thống nhất đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử voso.vn; lựa chọn 03 xã để triển khai thí điểm: nội dung thực hiện là tập huấn cho người dân biết cách đưa sản phẩm đặc sản nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử voso.vn và một số sàn giao dịch điện tử khác như Shopee, Lazada,… để quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước nhằm nâng cao doanh số bán hàng cho người dân.

Sở đã đề xuất xây dựng phần mềm quản lý chăn nuôi và bản đồ GIS quản lý dịch bệnh trên gia súc, phần mềm GIS quản lý hiện trạng rừng phòng hộ và đặc dụng, phần mềm quản lý dịch hại trên cây ăn trái chủ lực tại huyện Chợ Lách và Châu Thành.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT)

Sở TN&MT đã triển khai thu thập, quản lý, sắp xếp, biên mục, số hóa dữ liệu TN&MT năm 2020 và cập nhật lên hệ thống lưu trữ phục vụ cho quản lý, khai thác và sử dụng; xây dựng hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động; phát triển, vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ, DN và người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện dự án thông qua việc hoàn thiện CSDL đất đai.

Lĩnh vực năng lượng:

Bến Tre đã triển khai giao dịch điện theo phương thức điện tử như: dịch vụ cung cấp điện mới; dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện; dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Trong năm 2020, các hồ sơ thực hiện theo phương thức điện tử đạt khoảng 60%.

Bến Tre lập Ban chỉ đạo thúc đẩy Chuyển đổi số - Ảnh 2.

Cán bộ, công chức Kho bạc nhà nước Bến Tre xử lý hồ sơ thanh toán qua mạng (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Ngoài ra, ngành điện còn áp dụng các hình thức sử dụng công tơ điện tử đo đếm từ xa và triển khai dịch vụ ngưng thu tiền điện tại nhà, nhằm từng bước thực hiện theo chủ trương Chính phủ tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phía và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Kết quả triển khai đến tháng 10/2020, tỉ lệ thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian đạt tỉ lệ 79,39%. Tuy nhiên, tỉ lệ thanh toán qua ngân hàng chỉ đạt 8,82%. Đối với thanh toán qua tổ chức trung gian thì người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt để thanh toán tại các điểm thu hộ, số còn lại thanh toán qua các ứng dụng ví điện tử.

Lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT):

Tỉnh Bến Tre phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT, Bộ Công Thương xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực tỉnh Bến Tre cho 10 DN sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tỉnh đã phối hợp Công ty CP công nghệ IM Group hỗ trợ 27 DN, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh xây dựng website TMĐT; Phối hợp Công ty Đông Nam xây dựng clip, trailer giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Bến Tre quảng bá trên môi trường trực tuyến; Phối hợp Công ty Nhonho xây dựng chiến lược thương hiệu DN và bộ tiêu chí nhận diện thương hiệu, xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm thực phẩm OCOP và sản phẩm OCOP khác ngoài thực phẩm.

Lĩnh vực giao thông vận tải và logistics:

Tỉnh Bến Tre đã khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý chuyên ngành do Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; sử dụng phần mềm nhập dữ liệu hồ sơ đào tạo mô tô, ô tô, tàu sông; phần mềm quản lý giáo viên dạy thực hành lái xe toàn quốc của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bến Tre thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy Chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO