Biển Đông - Luận bàn của các học giả trên thế giới

Thu Hiền| 01/10/2020 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ sách "Biển Đông - Luận bàn của các học giả trên thế giới" lựa chọn những công trình nghiên cứu của các học giả trên thế giới đã được trình bày trong các Hội thảo khoa học ở Việt Nam và thế giới, đã đăng tải trên nhiều loại hình ấn phẩm trong và ngoài nước, đặc biệt là chuyên trang Nghiên cứu Biển Đông.

Ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước ở Biển Đông

Biển Đông (East Sea) là một biển rìa lục địa nằm ở phía Tây Thái Bình Dương. Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippin, biển San Hô và biển Ả Rập. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Philippin, Inđônêxia, Brunây, Malaisia, Singapore, Thái Lan và Cămpuchia.

Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật biển, khoáng sản, du lịch và đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Các tuyến đường biển chiến lược nói trên là yết hầu giao lưu hàng hóa của nhiều nước trên thế giới.

Các đảo và quần đảo trong Biển Đông có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới. Nó có vị trí chiến lược, có thể dùng để kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại Biển Đông và dùng cho mục đích quân sự.

Các nhà chiến lược trên thế giới đều cho rằng: Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả châu Á - Thái Bình Dương và các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

Biển Đông - Luận bàn của các học giả trên thế giới - Ảnh 1.

Cuốn sách tuyển chọn những công trình nghiên cứu của các học giả trên thế giới

Biển Đông đang có nhiều tác động lớn đến quá trình thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới

Bước vào thế kỷ XXI, cùng với sự dịch chuyển của trung tâm kinh tế và chính trị thế giới sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương kéo theo các vấn đề khác cùng lúc nảy sinh như: sự quật khởi về kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc, sự cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới và đồng minh diễn ra ở khu vực này làm cho châu Á - Thái Bình Dương trở thành một trong những điểm nút quan trọng nhất của chính sách thế giới - nơi lợi ích nền tảng của nhiều quốc gia khác trên thế giới xung đột với nhau.

Minh chứng cho điều này là tình hình Biển Đông liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc với các quốc gia ven biển về chủ quyền trên toàn bộ hoặc một phần các quần đảo và các vùng nước trên biển ngày càng nóng lên. Các sự kiện tranh chấp ở khu vực này diễn ra theo kiểu "hành động - phản ứng; lại hành động - lại phản ứng", làm cho mức độ căng thẳng trên Biển Đông tăng lên.

Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trở nên phức tạp; đặt ra nhiều vấn đề cho khu vực và thế giới: Vai trò trọng tâm của ASEAN trong việc hình thành một cấu trúc an ninh và quan hệ quốc tế mới trong khu vực Đông Nam Á; thúc đẩy chiến lược "xoay trục" của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời kỳ Tổng thống Mỹ B. Obama và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời Tổng thống Mỹ D. Trump; tạo sự chú trọng sâu hơn để Ấn Độ đẩy mạnh "chủ trương hướng Đông" thành "Hành động hướng Đông" tạo nên sự quan tâm sát thực hơn của Nhật Bản và Úc về khu vực này cũng như gia tăng sự điều chỉnh chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Nga và nhiều nước trên thế giới.

Những điều đó kiểm nghiệm Trung Quốc thực thi chiến lược "trỗi dậy hòa bình" có thực sự vì hòa bình không, Mỹ có duy trì được ưu thế của mình ở khu vực này không, và ASEAN có thể duy trì được sự thống nhất khi đẩy mạnh chiến lược đoàn kết xây dựng "lòng tin chiến lược" hay không?...

Tất cả những điều trên đã và đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với khu vực có lợi ích chiến lược sống còn không chỉ đối với các quốc gia liên quan mà đối với cả thế giới. Quả thực, sự căng thẳng trên Biển Đông đang có nhiều tác động lớn đến quá trình thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới.

Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới về Biển Đông

Biển Đông và những gì đã và đang diễn ra ở Biển Đông đã được các nhà khoa học trong khu vực và trên toàn thế giới chú tâm nghiên cứu, những năm tháng gần đây đã được giới truyền thông trên thế giới tạo dựng nhiều chuyên mục cung cấp thông tin đa chiều.

Trừ một số ít ngoại lệ, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đều có quan điểm khá cân bằng và khách quan khi phân tích, minh giải thực trạng Biển Đông, những tranh chấp trên Biển Đông, nguyên nhân và đặc điểm của các chu kỳ tranh chấp, những giải pháp trong tranh chấp, những vấn đề về Luật Biển, những nỗ lực để duy trì an ninh, ổn định, hòa bình trên Biển Đông v.v... và nhiều vấn đề khác có liên quan.

Nhìn chung, giới học giả trên thế giới đã đi sâu luận giải đa chiều về Biển Đông, mục đích của các công trình nghiên cứu này là hướng đến một sự thực, đảm bảo công lý, góp phần đánh thức nhận thức đúng đắn của loài người, thức tỉnh lương tri nhân loại về Biển Đông.

Biển Đông trong tư duy, nhận thức, ý chí, tình cảm, tinh thần của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã khởi nguồn, thấm sâu từ hàng nghìn năm trước. Bởi vì Biển Đông là cửa nhà của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Chủ đề này rất lớn, sẽ và cần phải được bàn trong nhiều công trình khác. Trong bộ sách "Biển Đông - Luận bàn của các học giả trên thế giới" chỉ tập trung lựa chọn những công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài viết về Biển Đông để chuyển đến bạn đọc một thông điệp rằng, cần nhận thức mới hơn, cởi mở nhưng sâu sắc hơn về vai trò, tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực và thế giới, nói rộng hơn là đối với hành tinh chúng ta để tất cả các nước trên thế giới có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ nó theo Luật Biển quốc tế và những vấn đề về an ninh môi trường.

Bộ sách "Biển Đông - Luận bàn của các học giả trên thế giới" gồm 2 phần, lựa chọn những công trình nghiên cứu của các học giả trên thế giới đã được trình bày trong các Hội thảo khoa học ở Việt Nam và trên thế giới, đã đăng tải trên nhiều loại hình ấn phẩm trong và ngoài nước, đặc biệt là chuyên trang Nghiên cứu Biển Đông.

Phần 1: Địa chính trị Biển Đông, nghĩa vụ, lợi ích và chiến lược của các nước liên quan tập trung vào các vấn đề lớn sau: Vấn đề Biển Đông: Nhìn từ góc độ chính trị khu vực; Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông và các tuyến giao thông trên biển; Tầm quan trọng chiến lược của tuyến thông thương Biển Đông và ý nghĩa đối với khu vực; Lợi ích của Nhật Bản ở Biển Đông; Lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông; Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược; Nga và vấn đề Biển Đông: Đi tìm một cách tiếp cận giải quyết vấn đề; Indonesia với vấn đề Biển Đông; Đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược tại Biển Đông; Vai trò ngày càng tăng của liên minh Châu Âu ở Biển Đông.

Phần 2: Biển Đông: Những vấn đề và giải pháp có những nội dung sau: Ba tranh chấp và ba mục tiêu của Trung Quốc đối với Biển Đông; Trung Quốc hiện đại hóa hải quân và Mỹ tái cân bằng sang Châu Á: Hệ lụy đối với sự ổn định trên Biển Đông; Tiêu điểm Biển Đông trong quan hệ Trung Quốc- ASEAN: Một chính sách ngoại giao theo hướng có hiệu quả; Nhận diện mục đích, chiến lược và hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông; Trung Quốc toan tính gì tại bãi Tư Chính…

Bộ sách với nội dung được lựa chọn, tổ chức thẩm định, biên dịch, giới thiệu những công trình nghiên cứu tiêu biểu xoay quanh hai nội dung chính trên để phục vụ các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học và đông đảo bạn đọc quan tâm đến vấn đề này - vấn đề chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước, vấn đề an nguy của quốc gia dân tộc.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Biển Đông - Luận bàn của các học giả trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO