Theo Quyết định, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng làm Trưởng Ban chỉ đạo. Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) Nguyễn Thành Phúc làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có 07 uỷ viên thường trực gồm các ông: Trần Duy Ninh, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương; Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hoá; Bùi Hoàng Phương, Chánh Văn phòng Bộ TT&TT; Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam; Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia; Ngô Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin; Hồ Sỹ Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin.
Ban chỉ đạo cũng có 22 uỷ viên là lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Bộ TT&TT trở thành Bộ đi đầu về CĐS và an toàn, an ninh mạng.
Ban chỉ đạo cũng có các nhiệm vụ:
- Tham gia ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến chính phủ điện tử (CPĐT), CĐS và bảo đảm an toàn, an ninh mạng Bộ TT&TT.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển CPĐT, CĐS và bảo đảm an toàn, an ninh mạng Bộ TT&TT.
- Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả việc triển khai CPĐT, CĐS và bảo đảm an toàn, an ninh mạng Bộ TT&TT.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Uỷ ban quốc gia về CPĐT; Ban chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia.
- Sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng CPĐT, CĐS và bảo đảm an toàn, an ninh mạng Bộ TT&TT và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan.
Ban Chỉ đạo có quy chế hoạt động do Trưởng Ban Quyết định, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Ban Chỉ đạo thành lập Tổ giúp việc do Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin là Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ giúp việc do Trưởng Ban chỉ đạo phân công. Trong trường hợp cần thiết, Tổ giúp việc được huy động các chuyên gia tư vấn để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trung tâm Thông tin là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, giúp Ban chỉ đạo điều phối công tác xây dựng, phát triển Bộ TT&TT điện tử, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban chỉ đạo.
Trước đó, Bộ TT&TT đã ban hành, phê duyệt Kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ. Kế hoạch nhấn mạnh mục tiêu: "Thực hiện đầy đủ, thành công các nhiệm vụ, giải pháp giao cho Bộ TT&TT tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, Kế hoạch gồm 05 danh mục dự án (Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng - dịch vụ, ATTT), 06 nhóm nhiệm vụ (Tổ chức, tuyên truyền, duy trì - vận hành hệ thống thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, số hóa, tổng kết - đánh giá).
Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh cụ thể 27 nhiệm vụ trọng tâm giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ cần tích cực triển khai trong năm 2021 như: Duy trì, vận hành, nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu dùng chung của Bộ; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; phát triển môi trường cộng tác MyMinistry của Bộ TT&TT; xây dựng Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng phục vụ CPĐT…
Cụ thể, Bộ TT&TT quyết tâm chỉ đạo toàn ngành TT&TT thực hiện hiệu quả các mục tiêu tổng quát, trong đó đổi mới, tiên phong trong việc: Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây (Cloud First); phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ CNTT sẵn có.
Đồng thời, sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong các hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công thuận tiện theo phương thức số (dịch vụ số), mang lại giá trị gia tăng cho người dân.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đẩy mạnh việc cung cấp dữ liệu mở, hoàn thiện kho dữ liệu số đáp ứng các yêu cầu về kết nối, truy cập, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trong, ngoài bộ và cơ sở dữ liệu quốc gia.