Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm

PV| 23/04/2021 10:35
Theo dõi ICTVietnam trên

An toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển đất nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống. Nhằm tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh ATTP, mới đây báo Điện tử Đảng cộng sản đã tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm”.

Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Những năm qua, ATTP luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ban hành Luật, Chỉ thị, Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề này. Ngày 19/1/2017, Ban Bí thư đã ra Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới nêu rõ: Bảo đảm ATTP là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là của người đứng đầu; là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở các cấp. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, từng hộ gia đình, người dân cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ này...

Đến nay, sau hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị 08, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ATTP đã chuyển biến tích cực. Công tác quản lý Nhà nước và bảo đảm ATTP có tiến bộ, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.

Công tác bảo đảm ATTP đã bước sang giai đoạn mới khi những năm vừa qua, chúng ta đã phát triển mạnh mẽ các mô hình, phương thức sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm sạch theo VietGAP, nông sản hữu cơ, an toàn theo chuỗi. Nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về ATTP còn có phần hạn chế. Trong đó, phải kể đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân thay đổi, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe "online" vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Điều đáng báo động là mặc dù dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng cảnh báo, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội. Trong khi đó, phần lớn vụ việc vi phạm ATTP chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, nên chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta…

Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm - Ảnh 2.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP sẽ tăng cường kiểm tra tại các tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn ngành Y tế đã kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.

Ngành Nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông, lâm, thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hóa trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.

Trong năm 2020, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.094 người mắc và 30 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số ca mắc so với năm trước. Đặc biệt, số vụ ngộ độc thực phẩm độc hại ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ và tại gia đình gia tăng.

Trong quý I/2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số người mắc so với cùng kỳ năm trước.

Những con số trên cho thấy, tình trạng mất ATTP, ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, tiếp tục là vấn đề bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn sinh mạng của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững đất nước.

Tại buổi giao lưu, khách mời cũng đã tập trung trao đổi vào những nội dung quan trọng: Vai trò của cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP; công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, địa phương có đường biên giới, cửa khẩu… nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn; hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP; bảo vệ quyền cơ bản của con người được tiếp cận thực phẩm an toàn…

Nhằm mục tiêu nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn… từ ngày 15/4 - 15/5/2021 trên phạm vi toàn quốc, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, bao gồm: Điện Biên, Lai Châu, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nam Định, Thái Bình. Bên cạnh 6 đoàn liên ngành Trung ương, các bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao đơn vị chức năng kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố, nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động vì ATTP.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO