Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện để phát triển ĐTTM bền vững

Ngọc Diệp| 16/06/2022 17:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những vấn đề quan trọng của tiến trình phát triển bền vững đô thị.

Phát triển đô thị bền vững: động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chiều ngày 16/6/2022, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Hội thảo chuyên đề 2 được tổ chức với chủ đề "CĐS và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với BĐKH trong tiến trình phát triển đô thị bền vững".

Hội thảo có sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Xây dựng; bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Thomas Lê, Thành viên Ban điều hành Liên minh hợp tác công - tư phát triển đô thị thông minh (ĐTTM); ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT.

Hội thảo quy tụ sự tham gia của khoảng 150 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu chính cùng hơn 350 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: "Hội thảo có ý nghĩa quan trọng với mục đích là tạo diễn đàn để trao đổi giữa các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, các tổ chức, DN và cá nhân, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cung cấp thêm thông tin phục vụ cho thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị đã nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện để phát triển ĐTTM bền vững - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Tại Việt Nam, sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm qua, đô thị hóa và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng dịch vụ. Nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, các tuyến vành đai tại các đô thị lớn, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng và nâng cấp, góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Giao thông công cộng được quan tâm phát triển, hệ thống giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang dần được hình thành.

Nhiều nhà máy cung cấp nước công suất lớn đang được đầu tư xây dựng. Hầu hết các đô thị xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Hạ tầng chiếu sáng, cây xanh được cải thiện. Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao thương mại, dịch vụ,... tại các đô thị đã được quan tâm đầu tư.

Hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiến tiến tại khu vực ASEAN. Internet băng thông rộng phủ 100% tại các xã.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Phong, đánh giá khách quan cho thấy đến nay hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng; chưa đa dạng phương thức kết nối vùng và đảm bảo thích ứng với biến đối khí hậu, nước biển dâng; có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn. Tỷ lệ đất dành cho giao thông ở mức thấp, các tuyến đường sắt đô thị bị chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng hệ thống vận tải công cộng vận hành hiệu quả chỉ đạt 16 - 20% so với quy định của giao thông đường bộ.

An ninh an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục của nguồn nước chưa được bảo đảm, nhiều nơi người dân đô thị còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, xâm ngập mặn có xu thế gia tăng. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn hạn chế, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước đô thị. Tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại đô thị chỉ khoảng 13%. Phần lớn các nhà máy nước xử lý thải đang hoạt động dưới công suất 50%, tình trạng ngập úng đô thị còn thường xuyên xảy ra.

Xử lý chất thải rắn chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Nhiều bãi chôn lấp không đảm bảo vệ sinh gây ô nhiễm môi tường. Hạ tầng chiếu sáng đô thị tại các đô thị trung bình và nhỏ chất lượng chưa cao. Tỷ lệ cây xanh đô thị tại Việt Nam chỉ bằng 1/5 thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước có đô thị phát triển. Đồng thời chưa tận dụng tốt địa hình địa lý để phát triển giao thông; liên kết đô thị và nội vùng đô thị còn yếu. Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, văn hóa vườn hoa, cây xanh,... còn thiếu, chỉ tiêu thấp so với nhu cầu đặt ra.

CĐS đồng bộ, toàn diện để phát triển ĐTTM bền vững

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững của Việt Nam trong thời gian tới, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra mục tiêu "kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại", đồng thời có riêng 1 nhóm nhiệm vụ về "phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với BĐKH" với nhiều định hướng giải pháp cụ thể. 

Đó là xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số; đầu tư tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị; xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; Cấu trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội.

Nghị quyết số 06 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ "đẩy nhanh CĐS trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển ĐTTM".

Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện để phát triển ĐTTM bền vững - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng: Đẩy mạnh CĐS và triển khai ĐTTM để cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, DN dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số.

Chia sẻ kinh nghiệm CĐS của địa phương gắn với yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết thành phố đã đẩy mạnh CĐS và triển khai ĐTTM để cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, DN dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số. Quá trình CĐS kế thừa từ triển khai Chính quyền điện tử, ĐTTM lấy dữ liệu là trung tâm.

Về hạ tầng số, Đà Nẵng đã xây dựng được trung tâm dữ liệu Tier III, xây dựng mạng WiFi công cộng miễn phí cho người dân với 430 trạm, mạng MAN tới các xã, phường. Ngoài hạ tầng 3G, 4G, 5G, thành phố còn triển khai mạng LoRa phục vụ giám sát như quản lý xe cứu thương, thùng rác,..

Về dữ liệu số, Đà Nẵng đã phát triển được 560 CSDL chuyên ngành để đưa ra các ứng dụng, dịch vụ thông minh dựa trên dữ liệu. Ví dụ, với việc đưa ứng dụng quản lý xe buýt công cộng vào hoạt động, người dân Đà Nẵng chỉ cần gửi 1 tin nhắn đến tổng đài để biết được lịch trình xe buýt cần sử dụng, giảm thiểu thời gian chờ đợi và chủ động lập kế hoạch di chuyển. Ngoài ra, người dân có thể khai thác dữ liệu này trên kho dữ liệu dùng chung và cổng dữ liệu mở của thành phố.

Tại hội thảo, các nội dung về hạ tầng số cho đô thị tương lai; giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị; xây dựng xã hội carbon thấp và thông minh; định hướng xây dựng dự án phát triển đô thị bền vững, thông minh và đáng sống; phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại liên kết, thích ứng với BĐKH,... cũng được các diễn giả trao đổi, chia sẻ.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, DN, hiệp hội trao đổi, thảo luận quan điểm chuyên sâu, độc lập, đa chiều, mang tính xây dựng của mình về những vấn đề đã và đang được đặt ra đối với quá trình ĐTTM bền vững gắn liền với CĐS. Qua đó góp phần đưa Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống đồng thời gắn với công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
    Với dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.
  • HONOR mở bán X8b tại Thế Giới Di Động
    Thế Giới Di Động (TGDĐ) và HONOR Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh, mở bán đặc quyền HONOR X8b với mức giá 7,69 triệu đồng.
  • Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"
    Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức ra mắt mini app BR-VT Smart trên Zalo
    Từ dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giải đáp thắc mắc cho đến các tiện ích như hiến kế phát triển tỉnh, lịch tiếp công dân, thông tin quy hoạch, thông tin đất đai... đều được tích hợp trong mini app “BR-VT Smart” trên Zalo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Số vốn đầu tư cho startup Việt năm 2023 giảm 17%
    Theo báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động trên toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện để phát triển ĐTTM bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO