Chuyển đổi số tại các bệnh viện hậu đại dịch

24/01/2022 17:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Tin tức về tình trạng thiếu hụt giường bệnh, cơ sở vật chất, áp lực đối với các nhân viên y tế trong giai đoạn đại dịch đã trở thành chủ đề nóng trong năm 2021.

Thêm vào đó, thủ tục rườm rà, giấy tờ chồng chất trước, trong và sau khi nhập viện vẫn là một thử thách gây ra vô số bất tiện cho cả bệnh nhân và các nhân viên y tế. Nhu cầu về các giải pháp hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân, tạo ra sự tinh gọn trong khâu thủ tục, nâng cao an toàn và trải nghiệm của bệnh nhân cũng như các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng cấp thiết.

Chuyển đổi số tại các bệnh viện hậu đại dịch  - Ảnh 1.

Quá trình số hóa, dùng công nghệ kỹ thuật hiện đại thay thế sản phẩm lỗi thời hoàn toàn có thể cải thiện hiệu suất, độ hiệu quả và sự tiện lợi trong quá trình khám chữa bệnh.

Theo khảo sát về trải nghiệm của bệnh nhân trong thời gian điều trị nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn TP. HCM do Bộ Y tế thực hiện năm 2020, có khoảng 40% bệnh nhân không hài lòng về thủ tục nhập viện kéo dài, 20% bệnh nhân có mong muốn rút ngắn thời gian chờ đợi trước khi khám và 20% muốn được hỗ trợ nhiều hơn tại bệnh viện. Đáng chú ý, thời gian chờ đợi đôi khi có thể lên đến nửa ngày, kèm theo nguy cơ lây lan bệnh trong giai đoạn đỉnh dịch.

Giải pháp cốt lõi để giải quyết thực trạng trên nằm ở việc tận dụng công nghệ. Quá trình số hóa, dùng công nghệ kỹ thuật hiện đại thay thế sản phẩm lỗi thời hoàn toàn có thể cải thiện hiệu suất, độ hiệu quả và sự tiện lợi trong quá trình khám chữa bệnh. Điều này cũng giúp sàng lọc sai sót trong công tác y tế, giảm thiểu rủi ro cho các y bác sĩ, những người tiếp xúc đầu tiên và thường xuyên với các bệnh nhân. 

Trong công tác chuyển đổi số (CĐS) của ngành chăm sóc sức khỏe (CSSK), việc rút ngắn quy trình thông qua các thủ tục như đặt lịch khám bệnh, theo dõi hồ sơ bệnh án, tham khảo triệu chứng bệnh và cập nhật chính sách bảo hiểm qua ứng dụng hoặc trang web nên được ưu tiên thực thi trước khi bệnh nhân trực tiếp đến các cơ sở thăm khám và chữa bệnh. 

Ở bước này, các ứng dụng công nghệ không chỉ cắt giảm thời gian chờ đợi ở mức hiệu quả mà còn hỗ trợ tăng tính chính xác cho các báo cáo y tế, tạo giá trị trải nghiệm cho bệnh nhân và chất lượng khám chữa bệnh.

CĐS trong hệ thống Y tế Việt Nam

Ngành Y tế liên tục có những bước tiến tạo ra những khoảng trống để ứng dụng những tiến bộ và đổi mới công nghệ. Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, công nghệ và CĐS đã đem đến những lợi ích đáng kể. Hiện nay, đã có nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử để quản lý trường dữ liệu của bệnh nhân, bao gồm các chỉ số sức khỏe, môi trường sống, tiền sử bệnh án, thông tin về gia đình, và các dữ liệu khác. Những thông tin này có thể được tổng hợp từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế khác nhau và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu toàn quốc, tạo ra quy trình điều trị có hệ thống và hiệu quả.

Đầu năm 2021, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu thực hiện quá trình CĐS quốc gia đến năm 2025, từng bước thiết lập hệ thống thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, tạo cầu nối giữa các chuyên gia và nhân viên y tế thuộc mạng lưới y tế quốc gia Việt Nam, triển khai khám bệnh, đăng ký cũng như tư vấn từ xa tại tất cả các cơ sở y tế.

Những dự án tiêu biểu trong quá trình CĐS của ngành CSSK

Trong năm 2020, Intel đã đóng góp cho tiến trình CĐS cho ngành Y tế Việt Nam thông qua việc hợp tác với Lạc Việt, thúc đẩy hệ thống đăng ký đầu cuối dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mỹ Phước nơi sở hữu 500 giường bệnh ở tỉnh Bình Dương. 

Dự án áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu đám mây, điện toán biên và IoT mở ra giải pháp và trải nghiệm tự phục vụ (self-service). Với hệ thống CSSK kết hợp công nghệ số của Intel, bệnh nhân có thể truy cập vào lịch trình của bác sĩ và dễ dàng lựa chọn khoảng thời gian khám bệnh phù hợp. 

Quá trình đăng ký tự động đồng bộ hóa với hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian chờ đợi đáng kể vì không phải trải qua thủ tục kéo dài. Tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân mỗi ngày, bệnh viện Mỹ Phước với ứng dụng công nghệ này đã thiết lập thành công quy trình làm việc hiệu quả hơn trước, giảm bớt gánh nặng và tăng độ chính xác đáng kể cho đội ngũ y bác sĩ.

Vào tháng 10/2021, Intel ký kết hợp tác với Tập đoàn Advantech và Công ty CP nền tảng công nghệ Dones nhằm triển khai giải pháp iWard (Intelligent Ward) để phát triển một trong những iHospitals (Bệnh viện thông minh) đầu tiên tại Việt Nam. iWard bao gồm các gói giải pháp công nghệ cao cung cấp các chức năng đa dạng, hỗ trợ các cấp y tế chăm sóc bệnh nhân, thực hiện yêu cầu, quản lý thuốc và lập lịch trình nhằm hợp lý hóa quy trình làm việc, loại bỏ quy trình dựa trên giấy tờ, giảm lỗi dữ liệu, cải tiến hiệu quả giao tiếp và tối ưu hóa hoạt động.

Hệ thống bao gồm: Trung tâm Y tá/Điều dưỡng (Nursing Control Station) giúp hỗ trợ bệnh nhân trong thời gian điều trị nội trú, kết nối CNTT giữa nhân viên y tế và bệnh nhân để tập trung hóa kế hoạch điều trị, xây dựng hồ sơ bệnh án dựa trên thông tin cập nhật và lịch sử bệnh án một cách khoa học, với độ chính xác cao; Thiết bị cung cấp thông tin cho bệnh nhân (Patient Terminal) được trang bị trong phòng bệnh nội trú với khả năng tích hợp một số tính năng hữu ích như giải trí, tra cứu các thông tin điều trị (đội ngũ điều trị, lịch trình điều trị, thời gian đi buồng, chi phí điều trị); và RTLS (A Real-time Location Solution) giải pháp hỗ trợ theo dõi vị trí theo thời gian thực, kiểm soát nhận và trả phòng tự động, định vị vị trí của người bệnh, nhất là đối với người già, trẻ em và sơ sinh. 

Thông qua giải pháp iWard, bệnh nhân được chăm sóc chu đáo và toàn diện, có thể tra cứu thông tin tiền sử bệnh án một cách minh bạch và hạn chế tối đa sai sót về thông tin hay chi phí điều trị.

Lợi ích của 5G, AI và IoT trong ngành Y tế

Cơ sở hạ tầng trong thời đại CĐS bao gồm băng thông rộng, công nghệ 5G, IoT, AI, dữ liệu lớn (big data), an ninh mạng, nhận dạng số và thanh toán số. Tất cả những khía cạnh này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình CĐS và cải thiện hệ thống y tế của Việt Nam.

Khi nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu số hóa với sự hỗ trợ của các giải pháp hạ tầng IoT, các giải pháp được triển khai tại Bệnh viện Mỹ Phước và Bệnh viện Hồng Ngọc là những ví dụ thiết thực và khởi đầu về tiềm năng của công nghệ cho ngành Y tế quốc gia. 

Chúng ta đang sống trong thập kỷ số hóa, nơi ngày càng có nhiều dữ liệu được thu thập và phân tích trên không gian mạng cũng như trong các thiết bị có thể tạo ra nhiều lợi ích và giá trị cho bất kỳ đối tượng nào trong quá trình khám chữa bệnh. 

Tóm lại, công nghệ, ứng dụng công nghệ và CĐS có khả năng cung cấp các giải pháp y tế chất lượng ở độ chính xác cao, cho phép bổ sung các dịch vụ cải tiến với mức chi phí thấp, ngay cả khi đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số tại các bệnh viện hậu đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO