Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên - 6 bài học thực tiễn

31/12/2021 09:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Các chủ trương, chính sách về thúc đẩy CĐS quốc gia đã được xác định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định đẩy mạnh CĐS quốc gia là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và thực hiện CĐS quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Nắm bắt thời cơ, xu thế CĐS sẽ tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số; đồng thời xác định CĐS phải đi nhanh, đi trước, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đề ra mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 15 và đến năm 2030 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS lấy ngày 31/12 là ngày CĐS của tỉnh Thái Nguyên.

Thực tiễn triển khai

Nghị quyết về CĐS ra đời đã mở ra hướng đi mới, tạo nên sức sống mới, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và có tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tỉnh đã và đang tập trung hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử để đảm bảo cơ sở vững chắc khi chuyển đổi sang chính quyền số.

Đến nay, Thái Nguyên đã cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) đủ điều kiện cấp độ 4 trên Cổng DVC của tỉnh (hoàn thành từ tháng 5/2021, vượt 07 tháng so với kế hoạch); Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã gửi, nhận gần 1,9 triệu văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 7,5 tỷ đồng so với gửi, nhận qua đường bưu điện); hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng phòng họp trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; 09/09 huyện, thị xã, thành phố; 178/178 xã, phường, thị trấn và phục vụ gần 200 cuộc họp của lãnh đạo và các cơ quan trên địa bàn tỉnh, trong đó, có những cuộc họp có sự tham gia của 192 điểm cầu trên toàn tỉnh; đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC), trong đó Ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021, đến này đã có gần 200.000 lượt cài đặt. 

C-Thái Nguyên chính là cầu nối giữa Chính quyền và người dân, là kênh thông tin ưa thích của người dân gửi các thông tin phản ánh hiện trường tới Chính quyền. Đó cũng là chỉ dấu về một Chính quyền vì dân phục vụ và cũng cho thấy người dân gần Chính quyền hơn, tham gia vào hoạt động của Chính quyền.

Kết quả xếp hạng của Bộ TT&TT, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12 toàn quốc về CĐS, trong đó chính quyền số đứng thứ 03... Những kết quả này đã dẫn dắt, thúc đẩy CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trong tỉnh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động ứng dụng CNTT, công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được thay đổi. 

Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, thực hiện gửi văn bản đi, đến qua hệ thống văn bản điện tử được thường xuyên, trở thành công cụ thiết yếu trong hoạt động quản lý và điều hành công việc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan nhà nước (CQNN) được thông suốt từ tỉnh đến huyện và từng bước tới cấp xã; DVC trực tuyến mức độ 3, 4 và hệ thống một cửa điện tử từ tỉnh đến cấp xã từng bước hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Hoạt động của CQNN được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát. Chi phí về thời gian, công sức, của cải vật chất cho cả CQNN lẫn tổ chức, người dân được tiết kiệm đáng kể.

Trước diễn biến hết sức phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai giải pháp tiếp nhận hồ sơ trực tuyến hỗ trợ công dân Thái Nguyên đang tạm trú tại 22 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ qua website hotrocongdan.thainguyen. gov.vn và ứng dụng C-Thái Nguyên. Trong thời gian triển khai Chương trình, đã tiếp nhận và hỗ trợ xử lý cho 7.554 hồ sơ với 11.657 nhân khẩu tương ứng với số kinh phí 23.314.000.000 đồng. Đặc biệt, Chương trình đã hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và phục vụ trực tuyến toàn trình.

Đối với phát triển kinh tế số, tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định bổ sung Khu CNTT tập trung Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung Quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 tiếp tục là bước tiến chiến lược trong CĐS của tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số. Từ mảnh đất này, những sản phẩm công nghệ số sẽ được ra đời, nơi kỳ vọng sẽ tạo nên “thung lũng silicon” tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. 

Tính đến hết tháng 11, tính trên 02 sàn TMĐT là Postmart và Vỏ sò, cả tỉnh đã có hơn 76.700 hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) được tài khoản người mua; hơn 2.600 hộ SXNN đã được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng và các kỹ năng về quy trình đóng gói - kết nối - giao vận trên sàn TMĐT; hơn 2.100 gian hàng được mở với trên 3.300 sản phẩm được cung cấp; hơn 2.100 hộ SXNN được trang bị tài khoản thanh toán; cùng với đó, các sàn TMĐT cũng chú trọng xác minh thông tin để gán nhãn thương hiệu cho các sản phẩm, gian hàng, qua đó góp phần bảo vệ thương hiệu và tăng cường quản lý chất lượng của các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Cùng với ứng dụng C-Thái Nguyên, nền tảng xã hội số Thái Nguyên - ID chính là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng và phát triển trụ cột Xã hội số của tỉnh, với mục tiêu tạo ra không gian số an toàn, thuận tiện giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Hướng đến đối tượng là người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên - ID giúp người lao động thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dễ dàng hơn; cung cấp các thông tin hữu ích về nhà ở, việc làm và là cầu nối giao tiếp hiệu quả giữa người lao động với các đơn vị tuyển dụng trên địa bàn.

Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ tới cuộc sống, công việc, học tập, lao động của tất cả người dân trong nước và thế giới. Trong khi đó, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, lượng công nhân lao động đông nên việc khống chế dịch cần có những giải pháp hiệu quả. Và một trong những giải pháp được áp dụng trong phòng, chống dịch COVID-19 là triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nền tảng, giải pháp công nghệ số như: Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần PC-Covid, Nền tảng quản lý tiêm chủng, Nền tảng khai báo y tế điện tử bằng mã QR, Bản đồ dịch tễ COVID-19, hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa... để quản lý, truy vết, tuyên truyền, giám sát dịch bệnh, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch để đảm bảo sức khỏe Nhân dân, vừa phát triển kinh -tế xã hội. 

Hoạt động CĐS luôn được gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo lập niềm tin trên không gian mạng. Các chính sách, hoạt động quản lý, triển khai và đào tạo, tập huấn, diễn tập về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin luôn được chú trọng triển khai. Với vai trò là hạ tầng quan trọng, Trung tâm Dữ liệu tập trung của tỉnh được trang bị các giải pháp giám sát, quản lý vận hành để đảm bảo an toàn cho các hệ thống dùng chung của tỉnh. Tính từ đầu năm tới nay, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng (SoC) của tỉnh và hệ thống giám sát bảo vệ Trung tâm Dữ liệu tập trung của tỉnh đã ghi nhận 146.740.524 lượt dò quét vào hệ thống; ngăn chặn 20.136 cuộc tấn công; chặn lọc 269.702 thư rác và xử lý 3.591 thư chứa mã độc, virus.

Vào cuối tháng 12, Thái Nguyên tổ chức sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Chuyển đổi số và Kỷ niệm một năm Ngày CĐS 31-12, đồng thời ra mắt ứng dụng Sổ tay Đảng viên và chính thức khai trương mạng di động 5G. Với mạng di động 5G là bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông CNTT, mở ra cuộc cách mạng mới trong kỷ nguyên số. Mạng 5G đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên, như một lời cam kết của tỉnh về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết về CĐS.

6 bài học từ thực tiễn

Qua thực tiễn triển khai các hoạt động CĐS tại tỉnh Thái Nguyên, một số bài học thực tiễn được rút ra như sau:

Một là, quyết tâm chính trị và vai trò của người đứng đầu là một nhân tố hết sức quan trọng quyết định đế thành công của Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên. Nghị quyết số 01-NQ/TU cho thấy sự thống nhất, đoàn kết của Đảng bộ tỉnh và nhân dân về mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh. Với sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung đẩy mạnh CĐS toàn diện, tạo đà đẩy nhanh tiến trình thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh.

Hai là, hoạt động chuyển đổi số cần lấy người dân làm trung tâm. Vai trò trung tâm của người dân được hiểu theo cả 02 phía, người dân vừa là đối tượng phục vụ, đồng thời, vừa là chủ thể tham gia các hoạt động của CQNN.

Ba là, sau khi Nghị quyết số 01-NQ/TU được ban hành, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Kế hoạch số 80/ KH-UBND triển khai với 37 nhiệm vụ và nhiều giải pháp toàn diện. Kế hoạch số 80/KH-UBND cùng các chính sách kịp thời khác đã tạo môi trường thể chế thuận lợi, làm động lực cho các hoạt động CĐS sâu, rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Bốn là, các nền tảng số mà đặc biệt là các nền tảng dùng chung trong CQNN như các nền tảng truyền hình trực tuyến, quản lý văn bản và điều hành, cổng DVC trực tuyến, ... đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Qua đó cho thấy việc phát triển nền tảng số chính là giải pháp đột phá để thúc đẩy các hoạt động CĐS.

Năm là, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để CĐS. CĐS cần được gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Có thực hiện tốt bảo đảm an toàn, an ninh thông tin thì mới xây dựng được niềm tin khi chuyển hoạt động lên môi trường số, về một không gian số an toàn.

Sáu là, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, sự tham gia của toàn dân chính là yếu tố đảm bảo sự thành công của hoạt động CĐS, của Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên trong thời gian vừa qua.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên - 6 bài học thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO