Công nghệ giúp giải quyết những bài toàn lâu dài cho các ngành, lĩnh vực

Hoàng Linh| 11/12/2021 16:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Công nghệ tạo ra cơ hội cho sự thay đổi, tạo ra cơ hội cho chúng ta giải quyết những bài toán lâu dài của loài người".

Với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế", Diễn đàn quốc gia Doanh nghiệp (DN) công nghệ số 2021 đã diễn ra ngày 11/12/2021. Các diễn giả đã tập trung bàn về các giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời phân tích nhu cầu chuyển đổi số (CĐS) trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng...

Sự lớn mạnh của các ngành đi cùng hành trình CĐS

Trong phiên sáng 11/12 với nội dung CĐS trong các ngành, lĩnh vực, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã chia sẻ về sự lớn mạnh của ngành điện Việt Nam trong khu vực đi cùng hành trình CĐS.

Công nghệ giúp giải quyết những bài toàn lâu dài cho các ngành, lĩnh vực - Ảnh 1.

Phó Tổng giám đốc EVN: sự lớn mạnh của ngành điện Việt Nam trong khu vực đi cùng hành trình CĐS.

Theo ông Lâm, tính đến 30/11, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất đặt đứng đầu ASEAN, vượt qua Indonesia với 76.000 MW. Hệ thống truyền tải đường dây 500 kV, 220 KV cũng đứng đầu ASEAN. Sản lượng điện thương phẩm 10 tháng đầu năm đạt 187 tỷ đồng.

Đặc biệt, ông Lâm cho biết: "Thành tựu lớn của ngành điện là đã đưa điện tới 99% hộ dân nông thôn và 99,5% hộ dân trên toàn quốc. Chỉ số tín nhiệm DN của Tập đoàn EVN theo xếp hạng của Fitch Ratings đạt mức BB+ với triển vọng ổn định, ngang bằng với chỉ số tín nhiệm quốc gia. Về tiếp cận điện năng, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đứng thứ 27 trên 190 nền kinh tế của thế giới, tăng thứ hạng so với các năm trước".

Phó Tổng Giám đốc Võ Quang Lâm đưa ra kịch bản sau dịch với mức tăng trưởng dự đoán 8,2% một năm, với CĐS, số hóa là một trong những động lực tăng trưởng.

Đại diện EVN chia sẻ về những ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển hệ thống điện với dẫn chứng, 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện đã được số hóa. Cho đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp tới 12/13 đảo. Với 19 triệu công-tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN.

Từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. Từ năm 2019, EVN đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối xong với Cổng Dịch vụ công quốc gia. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt. EVN có riêng ứng dụng chăm sóc khách hàng để người dùng có thể tự tra cứu tiền điện, sản lượng điện.

EVN cũng ứng dụng AI trong chăm sóc khách hàng. Theo đó, các cuộc gọi đến trung tâm khách hàng có đến 1/3 được trả lời bằng chatbot. Hiện hệ thống giám sát điều khiển của EVN có đến 96,45% các trạm 110 kV là không người trực, với trạm 220 kV là 75%, với 63 trung tâm điều khiển từ xa.

Đặc biệt, với năng lượng tái tạo, ngành điện đã ứng dụng công nghệ điều khiển tự động điện mặt trời mái nhà, trang trại, ứng dụng blockchain, AI trong mua bán điện trực tiếp, phân tích độ ổn định.

"EVN mong muốn tạo thành hạ tầng, năng lượng chung để các DN cùng kết nối, cung cấp trải nghiệm khách hàng, nhân viên", đại diện EVN chia sẻ.

Ông Lâm cũng cho biết: CĐS của EVN là từ áp lực của khách hàng, thị trường. Chúng tôi mong muốn thoát khỏi một định kiến từ lâu đối với ngành điện, năng lượng là tạo một sân chơi bình đẳng, trong đó tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào. Chúng tôi đánh giá cao trong vòng 2 - 3 năm vừa qua, Chính phủ có những chính sách tích cực và quá trình này được thay đổi rất là nhiều và EVN rất vinh dự đứng trong quá trình đó để thúc đẩy việc chuyển đổi nhanh hơn. Vấn đề của chúng tôi là cần các đối tác đặt những đề bài, giải bài toán năng lượng của EVN và giúp chúng tôi giải những bài toán đó.

Công nghệ giúp giải quyết những bài toàn lâu dài cho các ngành, lĩnh vực - Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số

Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển như "vũ bão" song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)... Điều này thể hiện rõ ràng qua các hoạt động dịch chuyển của du khách, từ bước đặt phòng, vé tàu xe đến đánh giá dịch vụ đều thực hiện trên ứng dụng di động.

Trong bối cảnh COVID-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội. Ngành du lịch trên toàn thế giới đã chịu tổng thiệt hại đến 2,4 nghìn tỷ USD.

Trước tình hình thế giới như vậy, ông Phúc cho biết du lịch Việt Nam cũng được khuyến khích tiếp tục triển khai đề án CĐS. Trước khi COVID-19 bùng phát, ngành đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu như hệ thống khách sạn 3 - 5 sao, hướng dẫn viên du lịch nội địa - quốc tế, lữ hành. Tiếp theo là nền tảng kết nối liên thông các cơ quan quản lý địa phương và DN; cơ quan nhà nước nhận thông tin, báo cáo thông qua các đơn vị cơ sở; thiết lập ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch. Và cuối cùng là hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Đến nay, nhiều địa phương đã đưa điểm đến của mình lên các nền tảng số như Hà Nội có hệ thống du lịch Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đà Nẵng có ứng dụng Da Nang Toursism, Huế có chương trình tham quan Hoàng Thành thực tế ảo... Đồng thời các DN đều đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo...

Cơ hội cho các DN công nghệ số

Tại tọa đàm phiên sáng của Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết các tập đoàn lớn có rất nhiều bài toán lớn, nỗi đau lớn và tìm kiếm mỏi mắt nhiều sản phẩm thương mại rồi nhưng cũng chưa giải quyết được và đây chính là cơ hội cho các DN công nghệ số Việt Nam.

Công nghệ giúp giải quyết những bài toàn lâu dài cho các ngành, lĩnh vực - Ảnh 3.

Các DN số Việt Nam sẵn sàng giải bài toán, "nỗi đau" của các tổ chức Việt Nam

Thứ trưởng cho biết: Bộ TT&TT mong các tập đoàn lớn như EVN tìm kiếm các bài toán lâu nay mà chưa giải quyết được cũng như chưa tìm được sản phẩm thương mại nước ngoài nào giải quyết được cùng với Bộ TT&TT đặt bài toán cho các DN công nghệ số của Việt Nam và sẵn sàng tiên phong ký hợp tác với DN đáp ứng.

Trước trao đổi của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, ông Võ Quang Lâm cho biết trong các đối tác công nghệ EVN đã làm việc với IOT Link bởi "nỗi đau" của chúng tôi cũng chính là "nỗi đau" về bản đồ số.

"Bản đồ Google sử dụng ở Việt Nam là bản đồ được cập nhật chậm. Khi chúng tôi đưa tài sản của EVN lên bản đồ số để hỗ trợ người dân cũng như cán bộ công nhân viên nhằm kiểm định được tài sản và mong muốn những dịch vụ như của IOT Link ứng dụng nhiều hơn trong EVN", ông Lâm cho biết.

Cũng theo ông Lâm, EVN có đến hơn hàng ngàn nhà máy điện khắp đất nước nên để quản lý trực tuyến được các nhà máy điện này thì cần có tọa độ chính xác nhằm giám sát được sự thay đổi theo thời gian thực. EVN kỳ vọng các giải pháp số để quản lý dịch vụ của ngành điện tốt hơn.

Trước mong muốn của EVN và nhiều DN, tổ chức về bản đổ số, ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch IOT Link cho biết công ty đã trải qua 6 năm để xây dựng bản đồ số Map4D. "IOT sử dụng dữ liệu mở, đáp ứng 60% dữ liệu cần thiết trong bản đồ quốc gia. Đội ngũ của IOT liên tục cập nhật dữ liệu. Ứng dụng bản đồ số của IOT Link có khả năng quản lý hạ tầng của một địa phương đặt trên các nền tảng khác nhau, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch, xây dựng, xây dựng thành phố thông minh và dịch vụ logistics, tối ưu hóa quy hoạch, quản lý của cơ quan nhà nước và phát triển kinh doanh của DN Việt Nam".

Sản phẩm Make in Viet Nam cạnh tranh được cần phải chất lượng

Với nỗ lực sản xuất của sản phẩm Make in Viet Nam, ông Hà Trung Kiên, Tổng giám đốc công ty công nghệ Gapo cho biết trong quá trình tiếp xúc, lắng nghe các câu hỏi của các khách hàng thì nhận thấy đâu đó tâm lý của DN, người Việt vẫn e ngại với chất lượng dịch vụ, sản phẩm Make in Viet Nam.

"Khách hàng luôn muốn sản phẩm phải chất lượng cũng như các nền tảng số nước ngoài nhưng nhưng giá Việt Nam. Cá nhân tôi thấy rằng làm sao để có các chính sách, báo chí hỗ trợ lan tỏa các sản phẩm Make in Viet Nam đến với nhiều DN, người hơn để các DN thấy rằng các sản phẩm đó thực sự đủ hữu dụng, chất lượng cho DN, các khách hàng".

Từ thực tiễn những năm qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng: "Các sản phẩm số Việt Nam muốn cạnh tranh, chiếm được sự quan tâm của khách hàng thì phải làm chất lượng như nước ngoài và không có lựa chọn nào khác".

CĐS không chỉ là vấn đề của công nghệ

Cũng tại tọa đàm, trước câu hỏi CĐS không hẳn là công nghệ, ông Vũ Minh Trí chia sẻ: "Nói đúng là CĐS không chỉ là vấn đề của công nghệ mà con người, cách vận hành tổ chức của mình vẫn là điểm mấu chốt".

Ông Trí chia sẻ làm việc trong ngành CNTT lâu, triển khai ERP được xem là việc đầu tiên của CĐS. Rất nhiều DN nói mua ERP của hãng nọ, hãng kia xịn nhưng tỷ lệ thất bại khi chuyển sang ERP vẫn là 90% bởi vì khi mua về không ai sử dụng.

Thất bại này được ông Trí nhận định có cùng một điểm chung, đó là người lãnh đạo cao nhất chỉ đạo cho cho giám đốc công nghệ làm trưởng dự án ERP vì nghĩ giám đốc công nghệ sẽ là ngành rành về công nghệ nhưng khi giám đốc công nghệ trao đổi với bộ phận kế toán, nhân sự để thực hiện thì không được chấp nhận dẫn đến ERP vẫn phải làm theo cách cũ.

"Thay đổi cách quản lý là vô cùng khó. Trong CĐS, cách quản lý phải thay đổi và khi có giải pháp về công nghệ thuyết phục rồi thì tiếp theo là quản lý sự thay đổi để ứng dụng công nghệ tốt hơn", ông Trí nhấn mạnh.

Thêm ý kiến, ông Hà Trung Kiên cho rằng công cụ vẫn là công cụ, quan trọng con người muốn thay đổi tổ chức hay không và cần văn hóa của tổ chức.

Trước các trao đổi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Công nghệ là tạo ra cơ hội cho sự thay đổi, tạo ra cơ hội cho chúng ta xử lý những bài toán lâu dài của loài người. Sau đó, xuất hiện câu chuyện là chúng ta có muốn, có dám, thể chế hóa để cho công nghệ hợp pháp cho nên mối quan hệ giữa công nghệ và thể chế là như vậy".

"CĐS không chỉ là vấn đề công nghệ, CĐS phần nhiều là vấn đề thể chế bởi vì công nghệ đã xuất hiện rồi", Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ giúp giải quyết những bài toàn lâu dài cho các ngành, lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO