Đại hội Đảng lần thứ XIII: Đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế

08/02/2021 15:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” thì việc cấp thiết sau Đại hội XIII của Đảng phải tiến hành nghiên cứu và đổi mới các Tiểu thể chế, các quy định về tổ chức và hoạt động của quản trị quốc gia, chế độ chính trị Cộng hoà XHCN Việt Nam, qua đó, thể hiện đầy đủ danh dự và trách nhiệm Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Vì sao phải hoàn thiện thể chế?

Xây dựng chỉnh đốn Đảng không phải chỉ là tập trung xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên vi phạm (những con người cụ thể) mà điều quan trọng hơn là tập trung hoàn thiện các Tiểu thể chế của Thể chế chính trị dân chủ và Thể chế phát triển, hoàn thiện các quy định về tổ chức và quản trị quốc gia (nền móng, kiến trúc ngôi nhà).

Chỉ có cụ thế hoá, chi tiết hoá Tiểu thể chế của Thể chế chính trị dân chủ mới phát huy đầy đủ và hết tiềm năng con người tự nhiên và con người xã hội, mới phát huy được trí tuệ và năng lực sáng tạo của những con người sống trong ngôi nhà Thể chế đó. Đồng thời, cũng từ Thể chế chính trị dân chủ mà hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu; loại bỏ được những đảng viên, cán bộ thoái hoá biến chất và không đủ điều kiện sống trong ngôi nhà Thể chế chính trị dân chủ đó.

Thể chế chính trị dân chủ là trung tâm và có vai trò quyết định những qui tắcqui định vận hành các yếu tố hướng tới đạt mục đích phát triển đất nước củaThể chế phát triển.

Theo thống kê của các cơ quan Trung ương và thông tin truyền thông (1) cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt của nhiệm kỳ Khoá XII (2015-2020), dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chỉ trong một thời gian ngắn tuyên chiến với quốc nạn tham nhũng, thất thoát lãng phí và quan liêu (giặc nội xâm) đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi hẳn cục diện và lập lại trật tự về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn Đảng.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã xử lý kỷ luật và khởi tố hơn 110 cán bộ cả đương chức hoặc nghỉ hưu thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sỹ quan cấp tướng trong Quân đội và Công an…).

Trong số hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật từ năm 2016 đến nay, có 18 người bị xử lý hình sự (01 Ủy viên Bộ Chính trị, 07 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 04 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 07 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó có 03 Thứ trưởng). Các vụ án hình sự đã đưa ra xét xử công khai, nhiều cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật đã bị phạt tù và thu hồi khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng tài sản tham nhũng, về cho ngân sách Nhà nước.

Nhìn khái quát, số đảng viên, cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật trong khoá XII bằng cả chục năm trước đây cộng lại. Do đó, đem lại niềm tin cho mọi người, được đa số nhân dân đồng tình và tích cực động viên cuộc chiến về phòng chống tham nhũng cần tiến hành mạnh hơn nữa và triệt để hơn.

Dọn dẹp được một phần quốc nạn tham nhũng, quan liêu là một kỳ tích và hồng phúc lớn cho dân tộc (làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng); nhất là trong thời điểm quốc nạn tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí ngang nhiên hoành hành và công khai bùng phát, trở thành một căn bệnh nan y và có hệ thống, có nguy cơ phá nát cả chế độ và thành quả cách mạng của biết bao thế hệ đã hy sinh mới có được.

Như vậy, việc xây dựng chỉnh đốn Đảng trong nhiều năm qua, bước đầu đã tập trung xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên có vi phạm là cần thiết và rất quan trọng. Nhưng mặt quan trọng và cơ bản hơn, là phải đổi mới Thể chế chính trị dân chủ, xây dựng nền móng vững chắc về chế độ Cộng hoà XHCN Việt Nam theo Hiến pháp và Cương lĩnh năm 1991, bổ sung năm 2011 của Đảng "Về một xã hội xã hội chủ nghĩadân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Do đó, đặt ra yêu cầu và bắt buộc phải tiến hành cải cách (đổi mới) về chính trị văn hoá và mọi mặt đời sống xã hội.

Đổi mới, nên hay không

 Sự đổi mới lần này, cần thể hiện rõ, về lý thuyết và trên thực tế của một chế độ chính trị Cộng hoà "do Nhân dân làm chủ" và "Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân". Vì thế, trong Báo cáo Đại hội  XIII có nhấn mạnh nhiều nội dung mới và quan trọng cần nghiên cứu và giải quyết, chỉ xin nêu mấy ý sau:

"a. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiệntoàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 b. Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

c. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực.

 d. Tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng" (hết trích).

Đại hội Đảng lần thứ XIII: Đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế - Ảnh 1.

Như vậy, sau Đại hội XIII các cơ quan giúp việc cho Trung ương cần phải tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các Tiểu thể chế, các quy định về tổ chức và hoạt động của quản trị quốc gia, chế độ chính trị Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc Việt Nam luôn luôn gắn liền về xây và chống, về chủ động phòng và kịp thời sửa đổi, bổ sung trong việc tổ chức và hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Đây là tầm nhìn về việc giữ sự ổn định và phát triển (gồm có tốt và xấu).

Thực tế hiện nay, giữa ổn định và phát triển đã và đang phát sinh nhiều vấn đề vừa mới lại vừa cũ. Một mặt, có nhiều biểu hiện sự hội nhập và mở cửa với thế giới một cách thiếu chọn lọc, ồ ạt (kể cả kinh tế, kỹ thuật, văn hoá) với chiêu bài "Toàn cầu hoá" (buông thả các mặt lợi ích của quốc gia, dân tộc). Mặt khác, lo sợ sự hội nhập và mở cửa tiến bước quá đà của đảng viên, cán bộ và nhân dân, dẫn đến tự chuyển hoá, tự diễn biến và thoái hoá, đổi màu. Do đó, có xu hướng thắt chặt kỷ cương và kỷ luật trong suy nghĩ và việc làm, nhấn mạnh ổn định (nắm chặt) trong Đảng và nhân dân. Vì thế, thể chế phát triển và thể chế chính trị dân chủ mang nặng màu sắc, dáng dấp, hình bóng và dấu ấn đậm đặc thời phong kiến và CNTB hoang dã trong việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên; trong việc quản lý và hoạt động về quyền tự nhiên của con người.

Nhìn tổng thể, về thực chất vừa qua, các kỳ bầu Quốc hội, Đại hội Đảng chúng ta mới chỉ đổi mới về Thể chế kinh tế xã hội (Thể chế phát triển); thay đổi về nhân sự, cá nhân con người, thay thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo khác theo trật tự và qui trình, khoá trước chuẩn bị cho khoá sau, theo huyết thống cách mạng "cha truyền, con nối, cháu kế" từ Trung ương đến cơ sở. Trong khi đó, vấn đề quan trọng và cơ bản là Thể chế chính trị dân chủ, chưa mạnh dạn nghiên cứu và đổi mới về Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam "do Nhân dân làm chủ và Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".

Vì thế, các khuyết tật và căn nguyên thời quan lại xưa kết hợp với sự gian manh, mánh lưới quan tham thời đại, đã tạo ra trong tư duy và hành động của những đảng viên và cán bộ có chức quyền thái độ "về sự vô tình, về sự lừa dối và gian tham" coi thường nhân dân (2). Từ đó, ngang nhiên hành xử với người dân, y nguyên thời phong kiến (xa dân, tham nhũng, chiếm đất đai, nhà to vườn rộng, xe đắt tiền, ăn chơi xả láng…) và nhiều việc còn có bước phát triển xấu hơn thời phong kiến và chủ nghĩa tư bản hoang dã.

Nếu Thể chế chính trị dân chủ chưa thật đổi mới (theo Cương lĩnh bổ sung 2011) thì các thế hệ quan chức (đảng viên, cán bộ) còn cơ hội tiếp tục làm giàu do tham nhũng và lạm dụng quyền chức. Và như vậy, đa số người dân lao động nghèo và yếu thế, khó mà đi lên được theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh". Bởi, Thể chế chính trị một quốc gia và dân tộc là trung tâm, là một hệ thống pháp chế, nhiều qui định mà cái gốc là quyền sở hữu tài sản và quyền tự nhiên vốn có của con người từ trong bào thai, đã được qui định tại Hiến pháp 2013 và Cương lĩnh của Đảng. Đó là:

a. "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" (Điều 2, kh 2, HP 2013).  

b. "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện" (Điều 3 HP 2013)

c. "1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (Điều 4 HP2013)

 Như vậy, "Trong đổi mới thể chế chính trị Việt Nam hiện nay, nổi bật yêu cầu bức xúc là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý của Nhà nước, đổi mới hoạt động của Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể quần chúng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tác dụng, hiệu quả hoạt động tham chính của Nhân dân để Nhân dân kiểm soát quyền lực thực sự có kết quả". (ý kiến của GS, TS Hoàng Chí Bảo)

Từ những qui định tại Hiến pháp 2013, mục tiêu Cương lĩnh của Đảng năm 1991(bổ sung 2011) và nội dung báo cáo tại Đại hội XIII do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày. Chúng ta nhận ra, đổi mới Thể chế chính trị Việt Nam là sự cần thiết và bức bách, đáp ứng sự mong chờ của đảng viên và nhân dân. Đó là những vấn đề về Tiểu thể chế nổi bật và mới cần giải quyết.

Thứ nhất, xác định và làm rõ về định nghĩa của khái niệm đảng viên và tổ chức đảng. Đảng viên là những tế bào sống động, tinh tuý của tổ chức đảng, là bộ não trí tuệ của tổ chức đảng (không phải con số cộng mà là cấp số nhân).

Tổ chức đảng là của toàn thể đảng viên, không có đảng viên thì không có tổ chức đảng. Do đó, trong sinh hoạt đảng mọi đảng viên đều bình đẳng tuân theo quy định của Điều lệ và Cương lĩnh, Nghị quyết của Trung ương. Sinh hoạt Đảng phải thật sự tự do và dân chủ, mỗi đảng viên đều có nhận thức, tư duy, chính kiến riêng và có danh dự, trách nhiệm của mình; nói lên tiếng nói của chính nhận thức và tư duy của chính mình. Tư duy và chính kiến là riêng của từng cá nhân, không một ai áp đặt đối với mỗi đảng viên.

Chỉ có sinh hoạt Đảng thật sự tự do và dân chủ, tổ chức đảng mới có sức sống và sức mạnh lan toả và thu hút được nhân dân. Từ đó, chúng ta sẽ chọn lựa được những đảng viên có đạo đức, trí tuệ, nêu gương, nói đi đôi với làm, được nội bộ đảng viên thừa nhận và nhân dân tin tưởng, tín nhiệm giới thiệu là người đại diện, bổ sung cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương.

Đại hội Đảng lần thứ XIII: Đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế - Ảnh 2.

Thứ hai, Thể chế chính trị Việt Nam là Thể chế dân chủ. Do đó, cần nghiên cứu và làm rõ, qui định cụ thể trên thực tế về định nghĩa của khái niệm "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân".

Đây là vấn đề rất cơ bản, là trung tâm, là nòng cốt và là chủ thể của Thể chế chính trị dân chủ và Thể chế phát triển, cần được làm rõ. Đây cũng là bài học về quan điểm "Nghị quyết của Trung ương", một trong 5 bài học đã nêu trong Báo cáo do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội XIII của Đảng. Nếu những khái niệm trên được định nghĩa rõ ràng và có những quy định cụ thể (chính quyền giảm thiểu sự can thiệp và chỉ đạo trực tiếp vào cuộc sống, công việc mưu sinh của người dân và doanh nghiệp) trên thực tế.  Thì khi đó, người dân với tâm lý thoải mái, được sống thật với chính tư duy bản thân mình; người dân sẽ tự chủ công việc, tự giác lao động và tự chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật dân sự và hình sự.

Thể chế chính trị tự do dân chủ (Nhà nước ít can thiệp) thì từng cá nhân con người có điều kiện phát triển; sẽ khai thác được tiềm năng và năng lực sáng tạo, sức sống và sức mạnh của từng con người. Khi đó, bản thân mỗi người sẽ chủ động và tự lực vươn lên trong cuộc sống của mình theo qui định luật pháp; từng người có được những phát minh, sáng kiến từ lao động sản xuất, làm lợi cho đất nước và dân tộc.

Ngược lại, trong những năm qua, Nhà nước can thiệp và bao cấp (lo thay) quá lớn đối với mọi người dân về tư duy, danh dự và trách nhiệm của chế độ chính trị "do nhân dân làm chủ". Do đó, xuất hiện tâm trạng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên, người lãnh đạo, sinh ra cơ chế xin cho và trông chờ ý kiến chỉ đạo,"há miệng chờ sung" trong xã hội ở tất cả các lĩnh vực, các cấp và các địa phương, kể cả những nét (bản sắc riêng) về văn hoá, tinh thần và tín ngưỡng.

Như thế là làm ngược lại với qui định trong Hiến pháp. Do đó, cần đổi mới Thể chế chính trị dân chủ để nhân dân thật sự làm chủ và tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Thứ ba. Nghiên cứu và qui định rõ ràng, cụ thể việc "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân".

Đây là vấn đề mới, vấn đề đang có những nhận thức và ứng xử khác nhau. "Quyền làm chủ của nhân dân,  quyền con người và quyền công dân" là vấn đề cơ bản và trung tâm của Thể chế chính trị dân chủ; là chiến lược về nhân lực và nhân tài. Nếu các quyền đó, không được bảo đảm và tôn trọng thì quan điểm "dân là gốc"chỉ là hình thức và sáo rỗng. Đặc biệt nóng bỏng và bức xúc hiện nay là vấn đề quyền sở hữu tài sản, đất đai và tài nguyên; vấn đề nông dân, nông thôn và đô thị hoá.

Quyền làm chủ của nhân dân là toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, tinh thần và tín ngưỡng. Nếu không nghiên cứu và qui định rõ trên thực tế thì nguy cơ một số dân tộc thiểu số sẽ bị đồng hoá và đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc (tiếng nói, chữ viết, trang phục, kiến trúc nhà cửa, kỹ thuật canh tác, tín ngưỡng…). Nếu điều đó xảy ra, thì những qui định "về quyền con người, quyền công dân" trong Hiến pháp 2013 và Cương lĩnh của Đảng năm 2011 sẽ không còn giá trị trên thực tế cuộc sống của mọi người dân.

Thứ tư. "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".

Hiến pháp 2013, qui định: "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2, khoản 3). Lịch sử chính trị nước ta là một đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo, cầm quyền và không theo thể chế tam quyền phân lập. Tuy nhiên, dưới góc độ quản trị quốc gia, chúng ta nên nghiên cứu và phân định lại chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan hành pháp và các nhánh tư pháp thể hiện được đúng bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đây là vấn đề rất hệ trọng liên quan mật thiết đến quyền con người và quyền công dân đã được pháp luật quy định.

Do đó, trên cơ sởquán triệt quan điểm, tư tưởng và mục tiêu Về chiến lược Cải cách Tư pháp (Nghị quyết 49/2005) của Bộ Chính trị, phải quyết tâm đổi mới căn bản về quản trị tư pháp. Đặc biệt, rất cần phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, minh bạch và công khai giữa các nhánh tư pháp (ngành Tư pháp, ngành Toà án, ngành Kiểm sát) và cơ quan hành pháp (công an) về quản trị tư pháp liên quan đến bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử và quản lý, giáo dục tù nhân.

Theo đó, (1) Việc quyết định bắt người hay không bắt người, kết tội hoặc tha, áp dụng hình phạt là do Toà án nhân dân (nhánh Tư pháp); (2) Về quản lý các cơ sở giam giữ (nghi can, bị can, bị cáo) và giáo dục tù nhân do ngành Tư pháp (hành chính dân sự Tư pháp) thực hiện; (3) Việc điều tra, truy đô và luận tội, tranh tụng với luật sư là do Viện Kiểm sát Nhân dân (công tố Tư pháp) đảm nhận; (4) Việc bắt nghi can (phạm tội quả tang, hay truy xét) là do công an (cơ quan Hành pháp) tiến hành và bàn giao cho ngành Tư pháp quản lý việc giam giữ và Viện Kiểm sát Nhân dân điều tra.

Như vậy, chỉ có Đổi mới thật sự quản trị nền tư pháp Việt Nam theo đúng quan điểm Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân mới hạn chế, giảm và phòng chống được các vụ án oan sai có hiệu quả và quyền công dân, quyền con người mới được tôn trọng và đảm bảo theo đúng qui định của pháp luật.

Thứ năm. Củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ Xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề lớn, là điều kiện cần và đủ, là nền tảng và sức mạnh của một Đảng cầm quyền, của một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Vì thế, trong báo cáo tại Đại hội XIII có nhấn mạnh: "Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng và nhân dân".

Bởi vì, thực trạng hiện nay về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội (công đoàn, thanh niên, phụ nữ, hội nông dân…) chỉ là bề nổi, hình thức, không đi sâu và thu hút được đa số lực lượng trong nhân dân thuộc đoàn thể phụ trách. Vì thế, hội viên, đoàn viên gồm hầu hết những người có xu hướng cấp tiến, muốn vươn lên; còn lại đa số thì mải làm ăn, chăm lo công việc mưu sinh, nên không tha thiết sinh hoạt các đoàn thể quần chúng xã hội.

Do đó, rất cần thiết phải đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng, để thật chủ động đi sâu giúp đỡ những người yếu thế, những người có vấn đề về chính trị, kinh tế, tệ nạn xã hội… và thu hút họ vào tổ chức để sinh hoạt và nâng đỡ tâm hồn họ vươn lên, đặc biệt có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho họ, khi gặp khó khăn, mất đất đai và tài sản. Như vậy, mới tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với chế độ dân chủ Xã hội chủ nghĩa, bền chặt và vững chắc.    

Tóm lại, Thể chế chính trị được đổi mới sẽ giảm và khống chế được sự tham ô, lãng phí, quan liêu, xa rời nhân dân trong đảng viên và bộ máy công quyền hiện nay.

Thể chế chính trị chưa được đổi mới vẫn là một lỗ lổng lớn, cho các quan chức, đảng viên có thái độ vô tình với người dân, lừa dối nhân dân và gian tham; tiếp tục và ngang nhiên cướp đất đai, chiếm dụng tài nguyên và tiền thuế của dân một cách công khai "thẳng lưng mà bước, nghênh mặt mà qua" không biết sợ ai. Chừng nào Thể chế chính trị chưa được đổi mới thì Tòa án nhân dân các cấp, còn đủ việc làm trong xét xử những đảng viên tham nhũng và hư hỏng.

Do đó, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". Với một đảng duy nhất cầm quyền đất nước và dân tộc  thì việc cấp thiết sau Đại hội XIII của Đảng phải tiến hành nghiên cứu và đổi mới các Tiểu thể chế của Thể chế chính trị dân chủ Việt Nam, theo qui định tại Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh 1991 và bổ sung 2011 của Đảng. Thông qua đó, thể hiện đầy đủ danh dự và trách nhiệm Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại hội Đảng lần thứ XIII: Đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO