Đám mây mở - Dịch vụ mới ngày càng phát triển

Nguyễn Thùy Linh, Trịnh Đình Trọng| 04/05/2019 09:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong hai năm qua, hơn 50 tỷ USD giá trị vốn chủ sở hữu đã được tạo ra bởi các công ty bán phần mềm “mã nguồn mở”.

Đây là công nghệ từng được coi là không mấy hấp dẫn và khó bán vì nó được phát triển bởi các lập trình viên làm ngoài giờ cộng thêm vấn đề cốt lõi là nó miễn phí.

Nhưng giá trị của phần mềm mã nguồn mở đã trở nên khó có thể bỏ qua sau thương vụ đình đám IBM mua lại RedHat với giá 33 tỷ USD vào năm ngoái, các đợt IPO của các công ty như Elastic và MongoDB được đón nhận nồng nhiệt , những thương vụ M&A nổi bật và những vòng gọi vốn kỳ lân được đăng liên tục trên báo chí mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu như tương lai của phần mềm mã nguồn mở được dự báo là đem đến những ảnh hưởng dài hạn có tác động đến chính phủ, xã hội và nền kinh tế, thì một số người cho rằng tương lai này đang bị đe dọa bởi điện toán đám mây.

Cụ thể, có một số lo ngại ngày càng tăng rằng các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khổng lồ như Amazon Web Services (AWS), “ông lớn” đã cố thủ và có ảnh hưởng trong nhiều công ty, có thể xâm phạm vào sân chơi của các chuyên gia phần mềm mã nguồn mở bằng cách cung cấp các dịch vụ tương tự có chất lượng “đủ tốt” và giành chiến thắng. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều nhà cung cấp phần mềm mã nguồn mở phổ biến hiện nay.

Mối lo ngại này là có thật. AWS đã công bố các dịch vụ mới có thể cạnh tranh với các dịch vụ được cung cấp bởi các công ty phần mềm mã nguồn mở như Elastic và MongoDB. Động thái này đã gây ra một sự xáo động trong cộng đồng phần mềm mã nguồn mở. 

Tuy nhiên, phần mềm mã nguồn mở và đám mây không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Trong thực tế, chúng bổ sung nhau và đang cùng dẫn dắt một cuộc cách mạng non trẻ trong CNTT hiện đại.

CNTT hiện đại và “OpenCloud”

Chúng ta đã thấy các ví dụ về khái niệm “OpenCloud” - Đám mây mở trên thị trường. Hai tuần trước, người đứng đầu Google Cloud, Thomas Kurian, đã đáp trả AWS bằng cách công bố một sáng kiến hợp tác với các công ty phần mềm mã nguồn mở và cung cấp cho họ các kênh phân phối mới tiềm năng. Những động thái này là những ví dụ ban đầu về tương lai của CNTT hiện đại sẽ liên quan đến việc các công ty tận dụng các thực tiễn tốt nhất về thương hiệu nguồn mở và hiệu quả của các mô hình phân phối đám mây.

Các công ty CNTT thông minh đang nhận ra rằng công nghệ nguồn mở đưa người mua công nghệ đến với “bữa tiệc CNTT” và sự dễ dàng của các dịch vụ dựa trên việc đăng ký theo dõi được cung cấp qua đám mây sẽ giữ họ ở đó “cả đêm”. Một ví dụ là Databricks, một công ty bán phần mềm phân tích dữ liệu phổ biến dựa trên công nghệ Apache Spark nguồn mở và được tích hợp sâu với dịch vụ đám mây Microsoft Azure Azure.

Nhưng trong khi ngày càng nhiều khách hàng sẽ truy cập nguồn mở thông qua đám mây, sẽ có các biến thể khác trên mô hình này. Các công ty không phải là nguồn mở có thể nhanh chóng thu hút khách hàng và cung cấp cho họ trải nghiệm thú vị như Datadogs, Sumologics và PagerDutys cũng có thể xây dựng các doanh nghiệp thành công.

Và các công ty phần mềm mã nguồn mở cung cấp trải nghiệm khách hàng tuyệt vời (Red Hat, Elastic và MongoDB) có thể phát triển mạnh mẽ các trung tâm dữ liệu của chính họ, thay vì phải cung cấp sản phẩm của mình qua đám mây.

Máy chủ nguồn mở

Có lẽ cách tốt nhất để hiểu tất cả những thuật ngữ CNTT khó hiểu về nguồn mở là lấy một ví dụ liên quan đến xe ô tô, bạn có thể mua, thuê và sử dụng theo yêu cầu như Uber và Grab.

Đầu tiên, hãy tưởng tượng bạn đang tìm kiếm một chiếc xe mới, nhân viên bán hàng tại đại lý có thể sẽ cố gắng bán cho bạn chiếc xe nhiều tính năng hơn những gì bạn thực sự cần. Nếu bạn thích một chiếc xe thể thao, người bán hàng có thể chỉ cho bạn các model V8 và V12 600 mã lực tăng tốc từ 0 lên 60 trong vòng 5 giây.

Có lẽ bạn không nhất thiết cần phải có tất cả các tính năng đó. Nhưng nhân viên bán hàng khá nhiệt tình và anh ta thuyết phục bạn rằng thật tuyệt vời khi biết bạn có tất cả chức năng mong muốn, và biết đâu, trong một số sự kiện đặc biệt, bạn có thể cần đến. Toàn bộ điều này có thể khiến bạn mất số tiền lên tới hàng triệu USD mặc dù thực tế là bạn có thể sẽ chỉ sử dụng 10% toàn bộ khả năng chiếc xe của bạn trong 90% thời gian.

Có lẽ bạn đã thấy điều tương tự từ một giám đốc phần mềm doanh nghiệp, người đang cố gắng bán cho công ty của bạn một cơ sở dữ liệu độc quyền với đầy đủ tính năng hoặc máy chủ điện toán hiệu suất cao.

Vị giám đốc này đã thuyết phục bạn mua một sản phẩm đắt tiền, mặc dù có thể bạn chỉ sử dụng các tính năng mở rộng quy mô trong các thời điểm tăng cao đột biến chỉ xảy ra một vài lần trong một quý, nhưng thật tuyệt nếu biết có tất cả chức năng đó. Nó sẽ giúp việc điều hành doanh nghiệp của bạn tốt nhất. Đó là cách bạn mua những công nghệ như thế này.

Thuê thay vì sở hữu

Giả sử bạn vẫn yêu thích sức mạnh của chiếc xe thể thao ưa thích của mình, nhưng bạn không muốn gặp rắc rối khi thực sự sở hữu nó, cam kết bảo trì thường xuyên, lo lắng về việc ra ngoài trong thời tiết xấu v.v… Một giải pháp sẽ là thuê thay vì mua nó.

Bạn phải tuân thủ cam kết trong một vài năm, nhưng chỉ cần phải trả một khoản tiền nhỏ cho chiếc xe hàng tháng và bảo dưỡng hàng năm là một phần của gói dịch vụ. Quan trọng, việc bảo trì liên tục và bán lại vào cuối hợp đồng không phải là vấn đề của bạn.

Điều này có thể so sánh với việc đưa phần mềm có tính chất trọng yếu với công ty thông qua giấy phép có thời hạn kèm theo bảo trì. Trong thiết lập này, bạn vận hành công nghệ trong trung tâm dữ liệu của riêng bạn hoặc đám mây riêng ảo và bạn có trách nhiệm quản lý nó. Nhưng bạn nhận được hỗ trợ cho bất kỳ sự cố ngừng hoạt động nào từ các nhà cung cấp. Cũng giống như thuê xe, đây là một mô hình tuyệt vời cho hầu hết các phần mềm mua.

Mô hình tiêu dùng không có quyền sở hữu

Bạn đột nhiên quyết định rằng bạn không thực sự muốn sở hữu hoặc thuê một chiếc xe. Với sự sẵn có rộng rãi của các dịch vụ chia sẻ đi xe chi phí thấp như Uber và Grab, tại sao bạn không từ bỏ việc có xe riêng và chỉ cần đặt một chuyến đi từ điện thoại thông minh của mình bất cứ khi nào cần di chuyển? Dù sao thì di chuyển được đến đích là vấn đề quan trọng nhất với bạn.

Tương tự như vậy, trong thế giới đám mây hoặc dịch vụ lưu trữ phần mềm (SaaS), thương hiệu phần mềm bạn sử dụng phần nào đó có ý nghĩa. Nhưng điều quan trọng không kém, nếu không muốn nói là những mối quan tâm cơ bản hơn: Nhà cung cấp có đa dạng các dịch vụ hay không; bạn có thể có được phần mềm hoạt động chỉ sau vài giây; thanh toán có dễ dàng; trải nghiệm tổng thể có hiệu quả và dễ chịu hay không.

Nhưng nhìn chung, mô hình đám mây mang đến cho bạn sự linh hoạt để thực hiện những việc như sử dụng nhiều clusters (đơn vị lưu trữ dữ liệu) hơn trong mùa lễ cao điểm (chắc chắn, bạn phải trả thêm cho sự gia tăng đột biến giống như Uber).

Không có khoản thanh toán hàng tháng, bạn chỉ phải trả cho những gì bạn sử dụng như một tiện ích và không bao giờ phải lo lắng về việc bảo trì hệ thống của bạn.

OpenCloud: Uber Black của CNTT hiện đại

Công nghệ nguồn mở, nhờ vào hàng triệu lượt tải xuống, tạo ra giá trị thương hiệu rất lớn, mang lại cho các sản phẩm nguồn mở một lợi thế trong môi trường đám mây. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy các thiết lập nguồn mở giống với trải nghiệm đi xe theo yêu cầu của Uber Black: Bạn không phải đối phó với những rắc rối về quyền sở hữu xe hơi và chỉ cần đặt một chuyến đi nhanh.

Tương tự, với CNTT, bạn có thể muốn tính dễ sử dụng của mô hình đám mây trả tiền, nhưng cũng muốn các tính năng đặc biệt hấp hẫn hoặc các chức năng bổ sung hoặc bảo mật để đảm bảo công ty của bạn có trải nghiệm đám mây cao cấp.

Hãy nghĩ về điều này giống như Uber Black, hoặc thậm chí, trong tương lai, Uber hợp tác với Tesla để đảm bảo bạn có được một chiếc Tesla màu xanh lá cây hợp thời trang mỗi khi bạn gọi xe. Các công ty vận hành các hệ thống trọng yếu sẽ muốn những điều tốt nhất để điều hành doanh nghiệp của mình và họ có thể sẽ chọn giải pháp nguồn mở được cung cấp trên dịch vụ đám mây.

Mặt khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý khối lượng công việc vừa phải có thể yên tâm với giải pháp đủ tốt từ nhà cung cấp đám mây.

Nhìn chung, thách thức lớn đối với nhà cung cấp mã nguồn mở trong môi trường CNTT hiện nay là họ phải cung cấp trải nghiệm dựa trên nền tảng đám mây - hoàn chỉnh, sử dụng dễ dàng, thời gian phản hồi nhanh chóng và chi phí bảo trì thấp - để thương mại hóa các công nghệ thành công.

Nếu bạn làm điều đó tốt như MongoDB đã làm với cơ sở dữ liệu Atlas nguồn mở của mình, bạn có thể tạo ra một lợi thế vững chắc so với các dịch vụ “đủ tốt” mà các nhà cung cấp đám mây có thể cung cấp. Nếu bạn chùn bước, giống như các công ty nguồn mở như Hortonworks, các dịch vụ đám mây cạnh tranh như AWS EMR hoặc Databricks sẽ có thể đánh bại bạn.

Tương lai của nguồn mở là trong đám mây và tương lai của đám mây chịu ảnh hưởng lớn bởi nguồn mở. Trong tương lai gần, theo các nhà phân tích, yếu tố sống còn trong phần mềm cơ sở hạ tầng là xây dựng một thương hiệu mã nguồn mở được hàng ngàn người dùng chấp nhận và sau đó cung cấp trải nghiệm dịch vụ đầy đủ dựa trên nền tảng đám mây để thương mại hóa nó.

Đồng thời, các công ty không phải là nguồn mở sử dụng hiệu quả thời gian trên đám mây, cũng như các giải pháp nguồn mở lai được phân phối trên các hệ thống đa đám mây. Đây là mô hình OpenCloud và hàng trăm công ty chuyển đổi sẽ được thành lập trong những năm tới để tận dụng lợi thế của mô hình này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đám mây mở - Dịch vụ mới ngày càng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO