Đào tạo nhân lực thương mại điện tử: Ứng dụng hay hàn lâm?

Hoàng Linh| 13/09/2022 10:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành thương mại điện tử (TMĐT) đang khát nhân lực do lĩnh vực phát triển nóng và làn sóng chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ. Để giải bài toán này, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã mở chuyên ngành TMĐT và nỗ lực tìm hướng đào tạo phù hợp nhất, đáp ứng sự phát triển của lĩnh vực.

DN gặp khó tuyển dụng

Từ thực tiễn phát triển của một số doanh nghiệp (DN) TMĐT như SAPO, Smart OSC… mới đây, các DN đã chia sẻ một số băn khoăn trong việc tuyển dụng nhân lực TMĐT. Ông Trần Mạnh Cường, đại diện SAPO cho biết TMĐT là lĩnh vực rất rộng. SAPO tập trung chủ yếu vào mảng tiếp thị, bán hàng trực tuyến, thực hiện tối ưu vận chuyển, vận hành và tài chính, thanh toán nên mong muốn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp biết đến thiết bị trực tuyến bán hàng, hoặc vận hành liên quan đến logistics, tối ưu vận chuyển cho nhà bán hàng hoặc giải pháp thanh toán, tài chính cho TMĐT. Các nội dung này sinh viên TMĐT có được đào tạo nhưng còn ít.

Tiếp theo, thực tế mà ông Cường chia sẻ là sinh viên hiện nay ưa thích nhiều lĩnh vực, nhiều cái mới nên rất khó đi sâu vào ngành nghề được đào tạo. Nhiều sinh viên tốt nghiệp còn ở trạng thái mơ hồ, kỳ vọng quá cao nên khó để đi xa, đi sâu hơn trong lĩnh vực TMĐT. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp còn thiếu những kiến thức tương tác xã hội, kỹ năng công việc nên khi bước chân vào DN cần phải được đào tạo thêm.

Nêu về những khó khăn, bà Phương Nhung, giảng viên Kinh tế, trường ĐH Đông Đô và cũng có DN riêng về TMĐT, cho biết: "Trên cương vị giảng dạy, chúng tôi phải theo khung chương trình đào tạo của nhà trường và đã được cố định. Còn khi hoạt động ở DN thì lại gặp tình trạng phải đào tạo lại nhân viên của mình đã tốt nghiệp chuyên ngành TMĐT. Đây là vấn đề đau đầu của DN".

Bà Nhung cho rằng những kiến thức truyền thụ cho sinh viên trên giảng đường ĐH là những kiến thức tốt, nền tảng, rất bài bản. Nhưng đi vào làm DN, sinh viên được đào tạo bài bản và tốt nghiệp xuất sắc lại rất bỡ ngỡ với công việc. Sau 1-2 tháng thử việc mà không tuyển dụng được, chúng tôi lại phải đón các sinh viên mới, lại đào tạo, hướng dẫn từ đầu. Trong khi đó, những sinh viên được đào tạo "thực chiến" nhưng không được trang bị kiến thức nền tảng thì sẽ thiếu hụt lượng kiến thức cơ bản. Đây là vấn đề thực sự tốn sức cho cả nhân sự mới và cho DN. Vậy, làm sao DN kết hợp với cơ sở giáo dục để đào tạo để sinh viên có thể tiếp cận ngay từ trên giảng đường?.

Trong khi đó, ông Lê Mai Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Smart OSC cho biết Smart OSC là công ty chuyên về TMĐT, đã được thành lập 16 năm, có 8 chi nhánh ở nước ngoài và làm các dự án cho nước ngoài. Các khách hàng lớn của Smart OSC có thể đến như Nike, Nestle, Adidas…

"Smart OSC đang có 1000 nhân sự trên cả nước, dự kiến phát triển đội ngũ lên đến 5000 người. Hàng năm số lượng nhân sự mới được tuyển vào công ty là 500 người/năm. Smart OSC đang hướng đến mở văn phòng tại Nhật, Hàn. Tuy nhiên, việc tuyển dụng rất khó khăn, nhất là tuyển dụng nhân sự chất lượng, có tiếng Anh. Thậm chí, Smart OSC đã tính tuyển dụng ở nước ngoài như Ân Độ, Sri Lanka… Nhưng chúng tôi mong mỏi tuyển dụng được nhân sự ở Việt Nam, thay vì ra nước ngoài tuyển dụng", ông Lê Mai Anh cho hay.

Cơ quan quản lý nhà nước tham gia gỡ khó

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, để đạt được những kỳ vọng về chất lượng đào tạo TMĐT thì không thể thiếu được sự phối hợp 3 bên là cơ sở giáo dục và đào tạo, DN và cơ quan quản lý nhà nước (QLNN). Vai trò cao nhất trong việc đào tạo là các cơ sở đào tạo (GD&ĐT), là các trường ĐH, cao đẳng từ việc thiết kế chương trình, thành lập mạng lưới đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự cập nhật, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

Về phía Bộ GD&ĐT, ông Vũ Đức Trung, Vụ Giáo dục ĐH cho biết: về chính sách, năm 2018, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của luật giáo dục ĐH đã được ban hành, theo đó, quyền tự chủ cho các trường ĐH được đẩy mạnh. Các trường ĐH đã hoạt động theo cơ chế tự chủ thì sẽ tự chủ mở ngành học. Trong thời gian vừa qua, nhiều trường mở ngành TMĐT, đón xu hướng mới. Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ cho ngành TMĐT có những bước phát triển mới như ban hành về chính sách mở ngành, yêu cầu các trường mở ngành thì phải đảm bảo khảo sát các nhu cầu địa phương, của các lĩnh vực, chiến lược phát triển của các Bộ ban ngành.

Trong thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/03/2021 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy chế đào tạo trình độ ĐH đã cho phép các trường có thể công nhận tín chỉ với nhau, tối đa đạt 50%. Các trường cũng có thể chủ động ban hành tín chỉ đào tạo, cũng như tổng thể chương trình đào tạo theo chuẩn tín chỉ đào tạo của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Trung, cũng cho biết ngày 06/12/2021, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT quy định về việc biên soạn, lựa chọn thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục ĐH, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) có thể đứng ra xây dựng chương trình đào tạo cho trường ĐH và trường ĐH có thể thẩm định, đấu thầu, giao nhiệm vụ. Vấn đề triển khai như thế nào, cần có sự phối hợp giữa VECOM và các trường ĐH đào tạo chuyên ngành TMĐT.

Đào tạo định hướng ứng dụng hay học thuật?

Chia sẻ về công tác đào tạo chuyên ngành TMĐT, TS. Trần Thị Thập, Phó Khoa Quản trị Kinh doanh 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), cho biết nhân lực về TMĐT có ba lớp: nhân lực về QLNN, giảng viên và lao động trong DN TMĐT. PTIT nhận thức rõ vai trò của mình cũng như các trường ĐH khác đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TMĐT ở Việt Nam, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ CĐS của nền kinh tế và kinh doanh số của DN. Giữa hai lựa chọn là "đào tạo lý thuyết nền tảng, ra trường chưa thể làm ngay" và đào tạo "thực chiến" thì PTIT lựa chọn kết hợp cả hai bằng một số hoạt động sáng tạo trong thiết kế chương trình đào tạo.

Một mặt, theo TS. Trần Thị Thập, phát triển lực lượng giảng viên cơ hữu có trình độ chuyên môn cao và phát triển hệ thống giáo trình bài giảng để triển khai những nội dung lý thuyết, hàn lâm và tiếp cận tổng thể. Một mặt triển khai hợp tác với DN để mời DN giảng dạy, huấn luyện các nội dung và kỹ năng nghề có tính cập nhật.

"Chúng tôi hợp tác với DN TMĐT trong đào tạo một số học phần với sự thống nhất về nội dung đào tạo. Sự tham gia của DN vào cấu phần đào tạo và cho điểm chiếm khoảng 20%", TS. Trần Thị Thập cho hay.

Đào tạo nhân lực TMĐT ứng dụng hay hàn lâm? - Ảnh 1.

PTIT "đặt hàng" DN tham gia hướng dẫn, đào tạo sinh viên về các chuyên đề TMĐT có tính cập nhật như quản lý và phát triển gian hàng trên sàn TMĐT, các nghiệp vụ TMĐT xuyên biên giới

Cũng theo TS. Trần Thị Thập, PTIT "đặt hàng" DN tham gia hướng dẫn, đào tạo sinh viên các chuyên đề TMĐT có tính cập nhật như quản lý và phát triển gian hàng trên sàn TMĐT, các nghiệp vụ TMĐT xuyên biên giới… "Khi làm việc với DN để tiếp nhận sinh viên, chúng tôi đòi hỏi sinh viên phải được làm thật, "chạy" các dự án thật và theo đó phải lựa chọn và trao đổi rất mất công sức để chọn những công việc phù hợp, chẳng hạn như cử sinh viên làm đề án về tiếp thị số (digital marketing) nhưng DN chỉ là chi nhánh, không có quyền quản trị website hay fanpage thì không thể thực hiện được. Vì thế, nhà trường phải có kế hoạch kết hợp với DN rõ ràng. Để đảm bảo khả năng hòa nhập công việc của sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp, PTIT có các học phần chuyên đề để hợp tác với DN và "chốt" nội dung mà hai bên cần phối hợp đào tạo theo từng năm học".

Đào tạo nhân lực TMĐT ứng dụng hay hàn lâm? - Ảnh 2.

Khóa sinh viên ngành TMĐT đầu tiên của PTIT trong giờ học với "giảng viên - doanh nhân" về chuyên đề TMĐT xuyên biên giới

Trao đổi về đào tạo TMĐT tại trường ĐH Ngoại thương, PGS. TS. Trịnh Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện kinh tế và Kinh doanh Quốc tế chia sẻ: Viện đang thực hiện đào tạo TMĐT kết hợp giảng viên và DN cùng dạy một môn nào đó chuyên ngành TMĐT. Các giảng viên hiện nay rất chủ động theo nhu cầu của thị trường, nhưng cũng có cái khó của trường. Trường rất hiểu mong muốn của DN nhưng nhà trường cũng có những quyền hạn, tầm nhìn của nhà trường. Trường thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường lao động. Có thể nói, xây dựng chương trình đào tạo rất khó khăn và việc đào tạo làm sao để các sinh viên có thể học, sau đó có thể làm việc cho DN mới cũng một là cái khó.

PGS. TS. Trịnh Thu Hương cũng cho biết thêm: Viện Viện kinh tế và kinh doanh quốc tế đang đang có chương trình chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. "Chúng tôi thực hiện đào tạo sinh viên bằng cách làm các dự án nhỏ. Những dự án này mất nhiều công sức vì phải cùng với các sinh viên đến làm việc với DN xem DN có nội dung nào mà sinh viên và giáo viên cùng có thể làm được. Chúng tôi đồng hành với các sinh viên qua các dự án nhỏ từ năm thứ nhất đến năm cuối, giúp sinh viên được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng và hình thành tư duy. Có rất nhiều vất vả và mong muốn cơ quan QLNN, DN đồng hành trong quá trình đào tạo để DN không mất quá nhiều thời gian đào tạo lại".

Chia sẻ về hướng đào tạo của ĐH Đại Nam, TS. Nguyễn Đức Tài, Trưởng khoa TMĐT và Kinh tế số cho biết ĐH Đại Nam tiếp cận đào tạo TMĐT theo hướng thực hành, "thực chiến", trải nghiệm. ĐH Đại Nam mời các chuyên gia, DN là các đơn vị chuyên đào tạo về marketing số, những nội dung liên quan đến TMĐT để tham gia trực tiếp vào giảng dạy. ĐH Đại Nam đề xuất một cơ chế đặc thù là các chuyên gia đào tạo thực chiến từ DN, thậm chí là chưa có bằng thạc sỹ thì vẫn hoàn toàn có thể tham gia để đào tạo. Giảng viên cơ hữu của trường đứng tên môn học nhưng chỉ giảng một phần lý thuyết, còn 2/3 thời lượng dành cho giảng viên "thực chiến" giảng dạy.

Trong quá trình giảng dạy, ĐH Đại Nam hướng dẫn cho sinh viên từ xây dựng, lập kế hoạch truyền thông, bán hàng thật cho các sàn TMĐT, nghiên cứu các mô hình thành công của các DN TMĐT và yêu cầu đúc kết. Các giảng viên hướng dẫn các sinh viên lập nhóm để xây dựng sản phẩm thực tế. Việc làm đó chứng minh thời gian trải nghiệm của chính các sinh viên và giải bài toán kinh nghiệm cho các sinh viên khi DN tuyển dụng luôn đòi hỏi sinh viên phải có kinh nghiệm thực chiến về TMĐT, TS. Nguyễn Đức Tài cho hay.

Theo chia sẻ của PGS. Tạ Văn Lợi, ĐH Kinh tế Quốc dân, trên thế giới, TMĐT là một ngành và đang chuyển sang kinh doanh số. ĐH Kinh tế quốc dân tiếp cận đào tạo theo hướng sinh viên muốn ra làm ngay thì có các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng (POHE - Professional Oriented Higher Education) (2/3 thời gian học trên lớp, 1/3 học tại DN và được DN cho điểm và ra làm được ngay). Sinh viên có thể đi làm khi còn đi học nhưng thách thức cho các giảng viên là các sinh viên đi làm là mất động lực học tập.

Trong ngành TMĐT, ĐH Kinh tế Quốc dân chia hai hướng là đào tạo ứng dụng và học thuật. Việc đào tạo học thuật giúp nắm bắt xu thế đổi mới thế giới. "Chúng tôi cũng liên kết với trường nước ngoài để cho giảng viên đi học rồi lan toả. Hy vọng với sự đào tạo đa dạng và định vị của các trường trong đào tạo nhân lực sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển". PGS. Tạ Văn Lợi cho hay.

Còn theo TS. Vũ Xuân Nam, Trưởng khoa hệ thống thông tin kinh tế, ĐH CNTT-TT Thái Nguyên, trường đã xác định đào tạo theo hướng ứng dụng. Theo đó, ngay từ đầu định hướng đào tạo chuyên ngành này, trường đã hợp tác với DN theo hình thức đào tạo TMĐT là 70 - 30. 70% kiến thức được nhà trường thực hiện, còn 30% kiến thức được DN đào tạo theo chính nhu cầu trực tiếp của DN.

Mô hình đào tạo này đã thành công nhưng theo TS, Vũ Xuân Nam, "phải cần đến sự đồng hành rất quyết tâm của DN quyết tâm. DN phải cam kết lớn, mới có thể duy trì được mô hình đào tạo này như DN có thể cam kết ngay khi sinh viên nào vào học chuyên ngành TMĐT thì khi ra trường DN đã có thể nhận vào làm việc. Mong muốn DN dấn thân, đồng hành mạnh mẽ hơn để "bộ ba" nhà nước, cơ sở GD&ĐT và DN đồng hành trong đào tạo". Đây có lẽ cũng là mong muốn của nhiều trường ĐH, nhiều chuyên ngành đào tạo khi muốn hợp tác với DN trong đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân lực thương mại điện tử: Ứng dụng hay hàn lâm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO