Hòa chung vào cuộc CMCN 4.0 của thếgiới, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực này, tuy nhiên, trong tương quan với các nước trên thế giới được đánh giá theo các chỉ số quốc tế và xét theo từng khía cạnh, mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho cuộc cách mạng này còn khá hạn chế.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam và UNDP năm 2019, có tới 61% doanh nghiệp Việt Nam hiện còn đứng ngoài CMCN 4.0 và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) vốn được kỳ vọng là khu vực đi đầu, dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế bắt nhịp và hội nhập vào CMCN 4.0 vẫn đang loay hoay trong việc thích ứng với CMCN 4.0.
Do đó, xây dựng mô hình đánh giá mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0 là một công việc cần thiết nhằm nhận biết, lượng hóa những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể tự điều chỉnh và có những chính sách và hoạt động cần thiết nhằm chủ động tham gia vào CMCN 4.0. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng sẽ có đầy đủ thông tin để xây dựng chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp.
Các mô hình hiện có trên thế giới và tại Việt Nam
Đến nay, đã có rất nhiều mô hình đánh giá mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0 được nghiên cứu và công bố, các mô hình này đánh giá mức độ sẵn sàng cả trên quy mô toàn quốc gia hay quy mô của các doanh nghiệp/tổ chức và đánh giá theo mức độ tổng thể hay theo một yếu tố nền tảng/công nghệ cụ thể.
Trong các mô hình ở Bảng 1, có 2 mô hình được ứng dụng tương đối phổ quát, đó là Mô hình Tham chiếu kiến trúc công nghiệp 4.0 (RAMI 4.0) và Mô hình đánh giá mức độ sẵn sàng cho công nghiệp 4.0 (VDMA).
Năm 2017, Ban Phát triển Kinh tế của Singapore (EDB) với sự trợ giúp của Tập đoàn TÜV SÜD của CHLB Đức đã dựa trên Mô hình RAMI 4.0 xây dựng Mô hình Chỉ số sẵn sàng cho Công nghiệp thông minh của Singapore để tiến hành đánh giá cho 300 doanh nghiệp (bao gồm các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME), nhằm giúp cho các doanh nghiệp sản xuất hiểu rõ hơn về nguyên lý của CMCN 4.0, qua đó các doanh nghiệp có thể đánh giá được hiện trạng thích ứng với CMCN 4.0 và có thể đưa ra chiến lược lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Mô hình Chỉ số sẵn sàng cho Công nghiệp thông minh của Singapore được đánh giá trên 3 khối: Tiến trình, Công nghệ và Tổ chức. Dựa trên 3 khối cơ bản này, mô hình triển khai trên 8 trụ cột (Tiến trình: Điều hành, Chuỗi cung ứng, Vòng đời sản phẩm; Công nghệ: Tự động hóa, Kết nối, Thông minh; Tổ chức: Nhân tài, Cấu trúc và quản lý), và tiếp theo trên 16 chiều (Tích hợp ngang; Tích hợp dọc; Tích hợp vòng đời sản phẩm; ma trận 3x3 về Tự động hóa, Kết nối và Thông minh x Gian hàng sản phẩm, Doanh nghiệp, Công xưởng; Lực lượng lao động học tập và phát triển; Năng lực lãnh đạo; Hợp tác trong và ngoài doanh nghiệp; Chiến lược và quản trị).
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với UNDP triển khai mô hình của VDMA trong năm 2019, trong đó tiến hành khảo sát, đánh giá 2.700 doanh nghiệp công nghiệp (thuộc 18 ngành, trong đó có ngành sản xuất điện tử) của Việt Nam. Xét về tổng thể, mô hình đánh giá mức độ doanh nghiệp tham gia CMCN 4.0 trên 6 trụ cột: Chiến lược và tổ chức (với các chiều: Chiến lược, Tính đầy đủ của chỉ số đo lường kết quả thực hiện chiến lược, Đầu tư cho đổi mới công nghệ, Quản lý đổi mới sáng tạo); Nhà máy thông minh (với các chiều: Tính năng kiểm soát, Kết nối của các thiết bị, Mức độ đáp ứng nhu cầu kết nối của thiết bị, Mô hình quản lý kỹ thuật số, Cách thức thu thập dữ liệu, Mục đích sử dụng dữ liệu, Mức độ bao phủ của hệ thống công nghệ thông tin); Vận hành thông minh (với các chiều: Chia sẻ thông tin, Tự động hóa, Quá trình tự chủ, Bảo mật thông tin, và Sử dụng công nghệ điện toán đám mây); Sản phẩm thông minh (với các chiều: Phân tích dữ liệu trong quá trình sử dụng, Tính năng CNTT bổ sung); Dịch vụ dựa trên dữ liệu (với các chiều: Dịch vụ tích hợp số liệu sản xuất và sử dụng sản phẩm, Dịch vụ dựa trên dữ liệu); Người lao động (với các chiều: Kĩ năng của lao động, Cách nắm bắt kĩ năng).
Mặc dù ở các quy mô khác nhau, nhưng các mô hình được đề cập ở trên đánh giá chủ yếu qua các góc độ: Môi trường chính sách, hạ tầng, năng lực sáng tạo, nhân lực… Tuy nhiên, có thể thấy, các mô hình RAMI 4.0 hay VDMA đều là những mô hình phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất. Mô hình Đánh giá mức độ sẵn sàng cho công nghiệp 4.0 của VDMA đã được áp dụng bởi Bộ Công Thương và đã cung cấp những thông tin rất bổ ích về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp điện tử, tin học. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp viễn thông, CNTT hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, cung cấp sản phẩm phi vật chất (phần mềm…), việc đánh giá theo khuôn khổ mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự phù hợp.
Đồng thời, CMCN 4.0 về bản chất là một cuộc cách mạng về công nghệ, với những công nghệ nền tảng như IoT, Big data, AI… Yêu cầu đối với từng công nghệ riêng rẽ về vốn đầu tư, hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách thúc đẩy sẽ có những đặc thù khác nhau. Do đó, việc đánh giá mức độ sẵn sàng theo từng công nghệ sẽ rất cần thiết để doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thể có được những chính sách có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh cụ thể của doanh nghiệp và tình hình chung của cả nước.
Ngoài ra, đối với riêng ngành Thông tin vàTruyền thông, hiện đang triển khai 2 mô hình "Đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" và "Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT&TT Việt Nam". Tuy nhiên, 2 mô hình trên không thể đáp ứng được nhu cầu đánh giá mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0 của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT. Vì vậy, mô hình đánh giá mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0 của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT Việt Nam cần được nghiên cứu, xây dựng bằng cách kết hợp các mô hình quốc tế sẵn có, và được tùy biến một cách hợp lý, nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Đề xuất mô hình cho Việt Nam
Để bảo đảm được yêu cầu là một công cụ để doanh nghiệp có thể nhận biết được rõ ràng, sâu sắc về những điểm yếu, điểm mạnh của mình, cũng như là một công cụ của các cơ quan nhà nước trong hoạch định chính sách, mô hình đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT Việt Nam thích ứng với CMCN 4.0 cần được xây dựng trên 5 trụ cột: Chiến lược - chính sách; Hạ tầng; Nhân lực; Ứng dụng; Đổi mới - sáng tạo.
Đây cũng là những điểm nghẽn của các doanh nghiệp nói riêng (trong đó có doanh nghiệp viễn thông, CNTT), cũng như của cả nước nói chung đã được xác định tại các nghiên cứu, khảo sát trước (Bộ Công Thương Việt Nam và UNDP, 2019; World Economic Forum, 2018…). Các trụ cột được đưa vào mô hình đánh giá cũng là những đột phá chiến lược đã được xác định tại các văn kiện của Đảng và Nhà nước trong việc chủ động tham gia vào CMCN 4.0.
Với cách tiếp cận này, tác giả đề xuất ma trận đánh giá mức độ sẵn sàng thích ứng với CMCN 4.0 của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT Việt Nam như Bảng 3 đến Bảng 8.
Trong đó, nhóm chỉ số sẽ được phân theo các công nghệ nền tảng của CMCN 4.0: 5G, IoT, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Tại mỗi nhóm chỉ số sẽ có những chỉ số thành phần dựa trên các trụ cột đánh giá: Chiến lược – chính sách, Hạ tầng, Nhân lực, Ứng dụng, Đổi mới – sáng tạo.
Phương pháp tính điểm:
i) Chuẩn hóa điểm số
Do các chỉ số thành phần có thứ nguyên khác nhau, nên điểm số của từng chỉ số thành phần sẽ được chuẩn hóa theo phương pháp tối thiểu-tối đa (min-max):
- Đối với các chỉ số có giá trị (1,0): x = (x - Min(x)) / (Max(x) - Min(x))*10
- Đối với các chỉ số có giá trị (%): x = (x - Min(x)) / (Max(x) - Min(x))*100
- Đối với các chỉ số có giá trị từ 1-10: x = (x - Min(x)) / (Max(x) - Min(x))
Trong đó, Min(x) and Max(x) là những giá trị thấp nhất và cao nhất của từng chỉ số thành phần trong mẫu điều tra. Phương pháp này sẽ quy đổi giá trị của tất cả các chỉ số thành điểm số theo đơn vị từ 0 đến 10. Đây là phương pháp chuẩn hóa điểm số thường được dùng trong các mô hình chỉ số sẵn sàng cho CMCN 4.0 (Bộ Công Thương Việt Nam và UNDP, 2019; World Economic Forum, 2018)…
ii) Phương pháp tính tổng điểm
Các điểm số thành phần được quy đổi sau đó được tổng hợp để đưa tính điểm tổng với phương pháp tổng bình quân. Trọng số được gán cho các nhóm chỉ số là bằng nhau.
Kết luận
Mô hình đề xuất mang tính khung, tổng quát, có thể sẽ chưa phù hợp với đánh giácụ thể toàn bộ các doanh nghiệp viễn thông, CNTT do quy mô, loại hình các doanh nghiệp là rất khác nhau. Tuy nhiên, những kết quả đầu ra của mô hình có thể được dự phòng như sau:
- Đối với các doanh nghiệp: Mô hình sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về năng lực thích ứng với CMCN 4.0, cũng như về điểm yếu, điểm mạnh trong từng lĩnh vực, từng nền tảng công nghệ cụ thể. Với những thông tin này, doanh nghiệp có thể sử dụng để có những chính sách và hành động thiết thực nhằm nâng cao năng lực của bản thân để từng bước thích ứng và chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên của CMCN 4.0;
- Đối với các cơ quan nhànước: Chủ động tham gia, nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0 là những chính sách lớn và đúng đắn của Đảng vàNhànước. Đến nay, BộThông tin vàTruyền thông đã rất tích cực có nhiều hành động nhằm thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, điểm yếu - điểm mạnh của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT trong CMCN 4.0 ra sao? Chính sách cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những lĩnh vực cụ thể như thế nào?... là những câu hỏi cần đặt ra, và không dễ trả lời. Để trả lời được những câu hỏi này, trong tương lai cần có nghiên cứu chuyên sâu, triển khai thực nghiệm nhằm rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh phù hợp sẽ phần nào đó trả lời được những câu hỏi cốt yếu nêu trên.
Tài liệu tham khảo
1 Application-Centric Infrastructure - Là một kiến trúc trung tâm dữ liệu mới được thiết kế để giải quyết các yêu cầu của các mạng truyền thống hiện nay, cũng như để đáp ứng nhu cầu phát sinh mà các xu hướng điện toán mới và các yếu tố kinh doanh được triển khai trên mạng.
2 Self-provisioning portal - Là hệ thống cho phép người sử dụng dịch vụ cuối có thể tự cài đặt và chạy ứng dụng và dịch vụ mà không cần sự can thiệp/hỗ trợ của chuyên viên IT hay nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
3 Trong điện toán đám mây, container là giải pháp đóng gói phần mềm và các cấu phần liên quan để phần mềm có thể chạy một cách đáng tin cậy khi được chuyển từ môi trường máy tính này sang môi trường máy tính khác.
4 Trong điện toán đám mây, container là giải pháp đóng gói phần mềm và các cấu phần liên quan để phần mềm có thể chạy một cách đáng tin cậy khi được chuyển từ môi trường máy tính này sang môi trường máy tính khác.
(Bài đăng ấn phẩm inTạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)