Dịch vụ công trực tuyến: Chỉ số quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử
Dịch vụ công trực tuyến thông qua ứng dụng điện tử, áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số là một nội dung vô cùng quan trọng trong quá trình cải cách hành chính. Hiện nay, việc sử dụng Dịch vụ công trực tuyến ngày càng phổ biến bởi có thể giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… của người dân. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và hơn thế sẽ giảm được áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Điều 3, Thông tư 26/2009/TT-BTTTT, Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Có 4 loại Dịch vụ công trực tuyến, trong đó mức độ 4 được coi là cao nhất khi người dân chỉ cần ngồi ở nhà có thể điền và gửi mẫu văn bản yêu cầu trực tuyến đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán lệ phí trực tuyến và nhận kết quả qua bưu điện.
Tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là một chỉ số quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử. Trong năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương đã nâng tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức 4 từ 10,86% trong năm 2019 lên đạt 31%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 17.
Tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tháng 6 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm: "Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025".
Để hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% Dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, Bộ TT&TT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng và triển khai ngay kế hoạch của Bộ, tỉnh mình trong năm nay theo hướng dẫn của Cục Tin học hóa. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đặc biệt là kết nối, khai thác triệt để dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để cung cấp hiệu quả các Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm thiểu giấy tờ khi người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công.
Mặt khác, nhằm hướng dẫn, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021, ngày 19/4/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ra Công văn số 1145/BTTTT-THH. Trong đó, Bộ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. Tiếp đó ngày 21/7/2021, Bộ TTTT có Công văn số 2662/BTTTT-THH gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đẩy mạnh triển khai Kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021...
Chính vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đang nỗ lực đưa các Dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 ngay trong năm nay. Dịch vụ công trực tuyến được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới. Dịch vụ công trực tuyến được kỳ vọng sẽ là một làn gió mới, một bước tiến ngoạn mục để giảm tải tối đa gánh nặng cũng như áp lực cho cá nhân cũng như doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.
Các cấp, ngành tăng cường Dịch vụ công trực tuyến
Đổi mới công tác quản lý, điều hành hoạt động tham mưu, nhiều các cấp, ngành và địa phương đã và đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động. Tại các địa phương, Hội đồng Nhân dân các cấp đã và đang có sự thay đổi nhanh chóng. Bắt đầu từ việc xây dựng "Văn phòng điện tử", "Website Hội đồng Nhân dân" và hướng tới mô hình "Hội đồng Nhân dân điện tử". Việc ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa hoạt động Hội đồng nhân dân, thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm và tạo phong cách, diện mạo mới về cách thức xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới phù hợp hới xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, hoạt động cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách như: tiếp nhận hồ sơ qua bưu chính, nhanh chóng gia tăng số lượng thủ tục hành chính được phép tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích là những gì các cấp chính quyền mong muốn đạt được khi triển khai Dịch vụ công trực tuyến tại Hội đồng nhân dân.
Hiện tại, hoạt động hiệu quả nhất mà Hội đồng nhân dân đã thực hiện được là ứng dụng CNTT vào hệ thống điều hành các kỳ họp của HĐND tỉnh. Tại kỳ họp, đại biểu đọc tài liệu trong máy tính, smartphone, đồng thời theo dõi trình bày qua trình chiếu trên màn hình lớn. Việc thông tin liên lạc giữa Chủ tọa với bộ phận nghiệp vụ, giữa đại biểu với nhau, với Chủ tọa, Tổ thư ký, bộ phận nghiệp vụ đều thông qua phần mềm quản lý điều hành nội bộ. Bộ phận nghiệp vụ cập nhật thông tin kỳ họp lên website theo tiến độ kỳ họp.
Song song với Hội đồng nhân dân, việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính cũng được thực hiện một cách sát sao ở khối Tòa án nhân dân các cấp. Dịch vụ công trực tuyến của Tòa án nhân dân cũng bao gồm: Nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và nhận các văn bản, thông báo tố tụng; Đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử và Đăng ký cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, hai bên hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo môi trường pháp lý đầy đủ để triển khai Tòa án điện tử; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý hồ sơ, tài liệu, văn bản và xử lý công việc trên môi trường điện tử của hệ thống Tòa án nhân dân; kết nối, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Tòa án thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia để tạo thuận lợi trong quá trình trao đổi dữ liệu trong nội bộ hệ thống Tòa án và với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Tòa án và kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Tòa án nhân dân Tối cao; hoàn chỉnh hệ sinh thái trong công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử tạo cơ sở hình thành doanh nghiệp, công dân điện tử góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Đến nay, VPCP và Tòa án nhân dân Tối cao đã kết nối thành công, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án nhân dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gồm: Tra cứu bản án, quyết định của Tòa án, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, án lệ; nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ; đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử; đăng ký cấp bản sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; thanh toán tạm ứng án phí được thí điểm tại thành phố Hà Nội.
Tòa án nhân dân Tối cao cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kết nối văn bản của Tòa án, tích hợp dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia bước đầu ở các dịch vụ công nêu trên.
Với sự hỗ trợ đắc lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, các hoạt động hành chính công trực tuyến tại các Bộ, ngành địa phương đang dần đạt mục tiêu đặt ra. Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ xây dựng kho dữ liệu điện tử để liên thông hồ sơ, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân giữa các hệ thống thông tin Dịch vụ công, hạn chế yêu cầu phải cung cấp lại giấy tờ đã được chứng thực hợp lệ trong những lần tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ cũng đồng thời thành lập tổ chuyên trách để thúc đẩy việc sử dụng Dịch vụ công trực tuyến, tăng số lượng hồ sơ điện tử, số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến… đồng bộ với các nhiệm vụ khác về Bộ điện tử để tận dụng tối đa nguồn lực, khí thế và sự quan tâm của Lãnh đạo các cấp. Tăng cường các kênh tuyên truyền, thúc đẩy việc sử dụng Dịch vụ công trực tuyến với hình thức, nội dung phong phú, sáng tạo bám sát đặc điểm, tính chất của lớp đối tượng sử dụng.