Giải bài toán dữ liệu để xây dựng chính phủ số tại Việt Nam

Lan Phương| 06/08/2020 21:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Để phát triển Chính phủ số, tạo nền tảng phát triển đồng bộ kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đang xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Dự thảo Chiến lược đã được Bộ TT&TT xin ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, ngày 6/8/2020, Cục Tin học hoá - Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tham vấn doanh nghiệp (DN) về Dự thảo Chiến lược, nhằm xin ý kiến đóng góp của các DN, hội, hiệp hội CNTT về các mục tiêu, giải pháp phát triển Chính phủ số Việt Nam giai đoạn mới. Tới tham dự và đóng góp ý kiến còn có đại diện cơ quan chuyên trách CNTT của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Các đại biểu đến từ các DN công nghệ số, các hội, hiệp hội về CNTT đã khẳng định sẽ đồng hành tham gia xây dựng chính phủ số tại Việt Nam.

Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá cho biết: Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó 1 trong 3 trụ cột cần triển khai trong thời gian tới là phát triển chính phủ số.

Giải bài toán dữ liệu để xây dựng chính phủ số tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá

Ngoài việc thực hiện trụ cột phát triển chính phủ số, tại Nghị quyết 01 cũng như tại thông báo kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị Uỷ ban quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) ngày 12/2/2020, Bộ TT&TT còn được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển CPĐT trong giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua Bộ TT&TT đã xây dựng Dự thảo chiến lược phát triển chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng tới năm 2030.

Tại Dự thảo Chiến lược, tầm nhìn phát triển Chính phủ số Việt Nam đến năm 2030 được xác định là: Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo tới mức độ cá thể hoá theo nhu cầu của người dùng và DN, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công.

Để hiện thực hoá tầm nhìn, Dự thảo Chiến lược xác định việc xây dựng, phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia theo quan điểm như sau.

Thứ nhất, chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) lên môi trường số; coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định, chuyển đổi số phải toàn trình, từ đầu đến cuối trong triển khai hoạt động của CQNN. CQNN sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, tạo nền tảng và dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, lấy người dân và DN làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và DN vào hoạt động của CQNN. Giảm bớt thủ tục hành chính (TTHC), thay đổi nhận thức từ nền hành chính công "một cửa cố định" đến "một cửa bất kỳ" hay "không cửa", cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích số mang lại giá trị gia tăng cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, thân thiện, dễ dàng sử dụng. Hình thành văn hoá số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số.

Thứ ba, kết hợp hài hoà mô hình tập trung và phân tán; tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam. Các nền tảng dùng chung cho Chính phủ số phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung sau đó nhân rộng; phát triển các nền tảng theo hướng dịch vụ có thể sử dụng tại mọi nơi, không phân biệt cấp chính quyền.

Thứ tư, dữ liệu cần được quản lý như là tài nguyên quan trọng, được chia sẻ một cách tối đa trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, DN theo quy định của pháp luật. Đảm bảo người dân, DN chỉ cần cung cấp một lần đối với một loại dữ liệu khi thực hiện các TTHC. Dữ liệu số được được pháp lý hoá để có giá trị như dữ liệu truyền thống.

Thứ năm, mục tiêu kép là gắn phát triển Chính phủ số với phát triển các DN công nghệ số Việt Nam. DN công nghệ số Việt Nam làm chủ các công nghệ lõi, làm chủ các nền tảng mở phục vụ Chính phủ số. Các DN có thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công.

Dự thảo Chiến lược xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong thời gian tới. Một số mục tiêu quan trọng đến năm 2025 như: 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần và thanh toán trực tuyến; cho phép thực hiện TTHC từ đầu đến cuối trên môi trường mạng, ngoại trừ những dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật; 100% CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số bao gồm các CSDL quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký DN, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 80% CQNN tham gia cung cấp dữ liệu mở, dưới định dạng máy có khả năng đọc, để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó, 30% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu;…

Giải bài toán dữ liệu để xây dựng chính phủ số tại Việt Nam

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ nhiệm CLB Phần mềm tự do nguồn mở (VFOSSA) đánh giá dự thảo Chiến lược có định hướng rõ ràng, theo xu hướng phát triển của thế giới chuyển từ giai đoạn CSĐT sang giai đoạn Chính phủ số, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ trong thời đại của CMCN 4.0 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Theo OECD và Gartner, Chính phủ số là mô hình phát triển ở mức độ 4 sau CPĐT, trong đó điểm khác biệt quan trọng là công nghệ số được lồng ghép trở thành thành phần hữu cơ khi thiết kế và sử dụng các dịch vụ ở khu vực công (DVC). Các DVC cũng như việc hoạch định chính sách sẽ sử dụng trực tiếp công nghệ số thay vì chỉ sử dụng CNTT và truyền thông để tăng cường hiệu quả hoạt động hiện có nhằm tạo ra các giá trị mới trên cơ sở chia sẻ dữ liệu và có sự đóng góp của cộng đồng trong việc thu thập, phân tích dữ liệu.

Giải bài toán dữ liệu để xây dựng chính phủ số tại Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Như vậy, theo ông Quang, Chính phủ số sẽ thay đổi phương thức điều hành của Chính phủ dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu được chia sẻ thay vì chỉ hướng vào việc cải tiến, nâng cao hiệu quả như CPĐT.

"Dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay, song song với những tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội cũng tạo ra cơ hội nhận thức về nhu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi số, đặc biệt ở trong khu vực công. Do đó, việc định hướng xây dựng Chính phủ số tại thời điểm hiện nay là phù hợp", ông Quang nhận định.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia, ông Hà Thái Bảo, đại diện cho VNPT cho biết: Bộ TT&TT tiếp tục xây dựng chiến lược chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 là cần thiết, đặc biệt giúp cho động đồng DN công nghệ, trong đó có VNPT có được những định hướng rõ ràng trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ về CNTT.

Theo định nghĩa của Gartner, chính phủ số là chính phủ được thiết kế để vận hành và tận dụng lợi thế của dữ liệu trong việc tối ưu hoá, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ mới. Theo đó, Dự thảo với quan điểm là lấy người dân, DN làm trung tâm, ông Hà Thái Bảo cho rằng: Việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu phải được thực hiện để làm sao để người dân chỉ cần đến một nơi có thể thực hiện tất cả các thủ tục và dữ liệu cũng cần duy nhất. Tức là khi người dân, tổ chức đã từng khai báo các dữ liệu cần thiết như giấy tờ để làm TTHC thì các dữ liệu đó phải được kế thừa. 

Cũng chia sẻ tầm quan trọng của dữ liệu số, ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) cho biết: Trong thời gian vừa qua, BĐVN đã tham gia sâu trong cung cấp các dịch vụ công, xây dựng CPĐT, chính phủ số. BĐVN mong muốn tiếp tục tham gia xây dựng, thu thập, khai thác các CSDL quốc gia cũng như CSDL chuyên ngành để phục vụ chính phủ số.

Thời gian qua, BĐVN đã tham gia nhiều phối hợp với các cơ quan, bộ ngành trong việc xây dựng và tạo lập CSDL. Câu chuyện xây dựng CSDL không chỉ trên môi trường số hoàn toàn vì dữ liệu đôi khi cần phải khảo sát, gia công tạo nguồn đầu vào, đôi khi cần bảo trì, cập nhật so với thực tế. Bưu điện đã tham gia xây dựng CSDL bảo hiểm xã hội, dân cư và một số dữ liệu chuyên ngành khác. BĐVN sẽ đồng hành các cơ quan của chính phủ để tạo lập dữ liệu.

Trao đổi về nội dung này, đại diện Viettel cho rằng việc xây dựng, chia sẻ các CSDL lớn như dân cư, đất đai… nếu không có hành lang pháp lý thì cũng gặp những khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam, trong tiến trình chuyển đổi số, dữ liệu sẽ được thu thập nhiều hơn và dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong chính phủ số để điều hành phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quy hoạch và phát triển các lĩnh vực. Nếu dữ liệu được tổng hợp, xử lý có thể đóng góp cho việc ra quyết định cho các lĩnh vực phát triển. Trong Dự thảo chiến lược nên làm rõ hơn vai trò của dữ liệu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán dữ liệu để xây dựng chính phủ số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO