Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số

Diệp Ninh (TTXVN Tổng Hợp)| 15/02/2021 09:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành logistics vốn được coi là xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ.

Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số - Ảnh 1.

Khu trung tâm Logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần (Bình Dương). Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó có ngành logistics.

* Ngành dịch vụ logistics đứng trước cơ hội chuyển đổi số

Ngành dịch vụ logistics có vai trò thiết yếu, là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt hoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn, như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ  logistics, KMTC Logistics…

Các doanh nghiệp logistics có quy mô vừa và nhỏ, trong đó 89% là doanh nghiệp Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Trước tình trạng cạnh tranh và sự bùng nổ của nền kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng nhanh mạnh, đặc biệt trước áp lực của dịch COVID-19, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm. Chuyển đổi số thực sự trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn và tăng tốc phát triển.

Theo các chuyên gia, trong năm 2020, những từ khóa hot nhất là chuyển đổi số và COVID-19, đều có liên quan đến logistics.

Giãn cách xã hội khiến con người phải ở trong nhà, nhưng hàng hóa thì ngược lại, được vận chuyển đi khắp nơi nhờ các dịch vụ logistics trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, cũng theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9-14%. Trong tổng chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm 60%, chi phí xếp dỡ chiếm 21%, chi phí kho bãi chiếm 12%...

Chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các quốc gia, như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và khối EU do hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với dịch vụ sau cảng; công tác quy hoạch hạ tầng logistics, gồm cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe tải, xe container… chưa hiệu quả. Do đó, ứng dụng công nghệ số hóa là yêu cầu cần thiết để cắt giảm chi phí.

* Kết nối cung cầu - bài toán chuyển đổi số cho logistics

Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số - Ảnh 2.

Cảng khô logistics IDC Sóng Thần. Ảnh Dương Chí Tưởng - TTXVN

Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. 50%-60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp.

Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics đã được chứng minh trong thực tế. Điển hình như Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau khi áp dụng thành công các chương trình quản lý, điều hành sản xuất tiên tiến, công ty đã kéo giảm 55% thời gian tàu nằm bến; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa; giảm 60% các vụ việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông…

Tương tự, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình.

Nền tảng mã địa chỉ bưu chính có khả năng số hóa, định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực, dịch vụ cần "tìm" khách hàng.

Giải pháp này góp phần tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của doanh nghiệp bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử… nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này đang gặp không ít thách thức. Theo ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: hầu hết các vấn đề “ngáng trở” chuyển động của ngành logistics là những căn bệnh cũ, đã được nhắc đến nhiều, như: hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, thiếu tính kết nối trong hệ thống; chất lượng dịch vụ không cao trong khi chi phí logistics "cao hơn mức trung bình thế giới".

Ứng dụng công nghệ cao trong các dịch vụ cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng 40% là giải pháp cơ bản và chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm có tính tích hợp cao…

Bên cạnh đó là sự hạn chế tài chính đầu tư ban đầu (vì khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ), khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mỗi doanh nghiệp. Cùng đó là tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào công nghệ và thói quen "ngại thay đổi" của doanh nghiệp”.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, với vị trí trung tâm của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong logistics sẽ có tác dụng “kích hoạt” việc chuyển đổi số của nhiều thành phần khác.

Theo các chuyên gia, tương lai của logistics thông minh không nằm ở những cải tiến đơn lẻ, mà đòi hỏi những chiến lược và kế hoạch tổng thể, với sự tham gia của công nghệ và điện toán đám mây. Sự chuyển đổi này giúp doanh nghiệp và dịch vụ logistics hướng tới phục vụ khách hàng tốt hơn, kiểm soát luồng thông tin và tối ưu tự động hóa theo module, theo thứ tự của khách hàng.

Liên quan đến thực trạng chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn cao, theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viettel, để giảm chi phí này cần 3 yếu tố. Quy hoạch và hỗ trợ từ phía Chính phủ, cần xây dựng các trung tâm logistics lớn của quốc gia, trong đó chi phí thuế, đất đai, cầu cảng phải được ưu đãi. Tối ưu vận tải của doanh nghiệp, hiện tại đến 70% xe vận tải rỗng chuyến chiều về, vậy áp dụng công nghệ để quản trị tối ưu hơn và giảm chi phí là điều mà các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, ông Long cho hay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, Chính phủ cũng cần đứng ra liên kết các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp có nền tảng lớn và là trung tâm liên kết cùng các doanh nghiệp nhỏ để tận dụng được nguồn tài nguyên của từng doanh nghiệp.

Để khắc phục thói quen "ngại thay đổi" của doanh nghiệp” các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, ngoài quyết tâm và tập trung nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp chủ hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics; đồng thời, cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn trong điều kiện có thể, nhất là với các doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO