Những giải pháp nâng cao dịch vụ số của chính phủ Anh
Giải quyết vấn đề khoảng cách số, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến sẽ tạo sự khác biệt thực sự cho cộng đồng, giúp người dân giữ liên lạc với những người thân, giải quyết các thủ tục hành chính hoặc có thể kinh doanh cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.
Chiến lược nhằm xoay chuyển dịch vụ công
Chính phủ Vương quốc Anh đã tập hợp một nhóm chuyên gia công nghệ để thúc đẩy chiến lược số quốc gia nhằm thay đổi tình hình chung của các dịch vụ công. Động thái này cho thấy mục tiêu rộng lớn hơn của chính phủ là củng cố vị thế của Vương quốc Anh trong lĩnh vực công nghệ.
Nhóm chuyên gia này bao gồm các nhà lãnh đạo trong ngành và đại diện giới học thuật, được giao nhiệm vụ hình thành một tầm nhìn 10 năm cho một “trung tâm số” của chính phủ. Nhóm có nhiệm vụ chủ chốt là định hình lại cách thức công nghệ được tích hợp vào các dịch vụ công với mục tiêu giảm các công việc tồn đọng, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ của chính phủ.
Sáng kiến này kết nối ba đơn vị gồm Văn phòng Nội các và Văn phòng Thủ tướng (số 10 phố Downing) với Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ (DSIT), củng cố các nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số đối với các dịch vụ công.
Nhóm này giám sát GOV.UK, nền tảng dịch vụ chính của chính phủ, điều phối mạng lưới hơn 28.000 chuyên gia công nghệ trong khu vực công và phát triển các công cụ AI cho nhiều ứng dụng khác nhau trong chính phủ. Chính phủ Anh cũng hướng đến điều phối các nhà phát triển các mô hình AI tiên tiến nhất.
Trên thực tế, Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu (The Tony Blair Institute for Global Change) đã đưa ra nhận định việc tích hợp AI vào các hoạt động của chính phủ có thể tiết kiệm chi phí lên tới 40 tỷ bảng Anh (52,2 tỷ USD) hàng năm.
Phương pháp tiếp cận AI
Sự thay đổi chiến lược này tập trung vào khung quản lý số (digital regulatory framework) của Vương quốc Anh.
Theo các báo cáo từ Deloitte, chính phủ Vương quốc Anh đã đưa ra Dự luật phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số (DISD), thay thế Dự luật bảo vệ dữ liệu và thông tin kỹ thuật số (DPDI) trước đó. Luật này bao gồm các điều khoản về danh tính số và bảo vệ dữ liệu, tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu, đặc biệt là trên môi trường trực tuyến. Ofcom, cơ quan quản lý an toàn trực tuyến của Vương quốc Anh là đơn vị tiếp tục thực thi đạo luật An toàn trực tuyến (Online Safety Act).
Hiện tại, Vương quốc Anh đang thực hiện khung quy định về AI (AI regulatory framework), thực thi các luật và hướng dẫn hiện hành để quản lý quá trình phát triển và triển khai AI.
Cũng theo báo cáo của Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu, cho đến nay, Vương quốc Anh đã áp dụng cách tiếp cận theo ngành, ủng hộ đổi mới những quy định về AI, dựa vào các cơ quan quản lý để giám sát AI trong các lĩnh vực liên quan.
Mặc dù cách tiếp cận này mang lại sự linh hoạt và khả năng thích ứng, nhưng nó đã bộc lộ những lỗ hổng. Nhiều cơ quan quản lý thiếu nguồn lực, thẩm quyền hoặc chuyên môn kỹ thuật khó có thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề mới nổi.
Khi các hệ thống AI đa năng, được gọi là "AI tiên phong" trở nên tiên tiến hơn thì mối quan ngại về an toàn đã gia tăng, do đó, cần một khung quy định mang tính tập trung hơn.
Để ứng phó, Chính phủ Anh đang xây dựng luật bao gồm các điều khoản để đưa những cam kết an toàn AI trở thành ràng buộc pháp lý. Dự luật này cũng sẽ chuyển đổi Viện An toàn AI (AISI) thành một cơ quan chính phủ độc lập, có nhiệm vụ giám sát và quản lý những rủi ro liên quan đến AI.
Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu cảnh báo rằng, nếu không có các hướng dẫn rõ ràng và chặt chẽ, việc triển khai AI có thể dẫn đến những rủi ro đáng kể, bao gồm phân biệt đối xử và vi phạm quyền riêng tư.
Viện này ủng hộ cách tiếp cận bằng công cụ luật pháp, khuyến khích sự đổi mới nhưng vẫn đưa tính an toàn, minh bạch và trách nhiệm giải trình vào các hệ thống AI.
Mở rộng phạm vi phủ sóng băng thông rộng
Ngoài những động thái trên, Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Vương quốc Anh còn thông báo rằng, chính phủ đang tăng tốc độ băng thông rộng cho các cộng đồng nông thôn, để đảm bảo thu hẹp khoảng cách số.
Thông qua khoản đầu tư 800 triệu bảng Anh của chính phủ, hạ tầng băng thông rộng trên khắp các vùng nông thôn của Anh, Scotland và xứ Wales sẽ được hiện đại hóa để đáp ứng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp khả năng truy cập băng thông rộng tốc độ cao đến hàng Gigabit. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 312.000 hộ gia đình và doanh nghiệp. Chương trình đầu tư mới này là nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Peter Kyle, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ, cho biết: “Trong thập kỷ qua, việc triển khai băng thông rộng của Vương quốc Anh không đủ nhanh và đã bỏ qua nhiều khu vực, đặc biệt là ở Scotland và xứ Wales. Cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ là điều cần thiết cho tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Sự thiếu hụt này không chỉ gây ra rủi ro cho sự ổn định kinh tế mà còn làm gia tăng khoảng cách số trên khắp cả nước. Chúng tôi đang khắc phục vấn đề này cho hàng trăm nghìn hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp đất nước tập trung vào các khu vực chưa được chính phủ trước đây ưu tiên, chẳng hạn như xứ Wales”.
Cùng với việc cải thiện tốc độ băng thông rộng tại một số khu vực xa xôi nhất của đất nước, cơ hội học tập cho những người trẻ tuổi sẽ được cải thiện qua việc tiếp cận các nguồn tài nguyên trực tuyến và nền tảng học tập từ xa tốt hơn. Người dân cần chăm sóc sức khỏe cũng sẽ được hưởng lợi từ các buổi tư vấn từ xa với bác sĩ. Điều này hỗ trợ mục tiêu cải thiện các dịch vụ công của chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Hạ tầng số Chris Bryant, cho biết thêm: “Nhiều công dân và doanh nghiệp vùng nông thôn vẫn bị mắc kẹt trong cơ sở hạ tầng Internet lỗi thời, không thể thực hiện các tác vụ hàng ngày dễ dàng như những người sống ở các thị trấn và thành phố. Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi muốn đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững ở mọi ngóc ngách của nước Anh và điều này bắt đầu bằng việc đảm bảo cộng đồng của chúng tôi có cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển”./.
Tham khảo: biometricupdate.com, publicsectorexecutive.com