PCI 2019: Tiêu chí đo lường chất lượng cải cách hành chính ở các địa phương

Yên Viên| 06/05/2020 14:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 tiếp tục ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây được xem là sự kiện nhằm đo lường, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của các địa phương, vì mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

PCI 2019 phản ánh cải cách chất lượng giải quyết TTHC

"Cùng lan tỏa những thông điệp cải cách môi trường kinh doanh" là chủ đề Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố kết quả trực tuyến.

Đây là sự kiện thường niên, trải qua 15 năm liên tiếp, nhưng có một điểm khác biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước (gần 12.500 doanh nghiệp), dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.

Kết quả công bố lần này được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp về mức độ cải cách trên nhiều lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết TTHC, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Theo báo cáo, Quảng Ninh là tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 73,40 điểm, đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước. Tỉnh đạt chỉ số cải thiện 8 trên 10 lĩnh vực điều hành kinh tế đo lường bởi PCI, điểm số PCI tổng hợp của Quảng Ninh năm 2019 tăng 3,04 điểm so với năm 2018 và đạt điểm số cao nhất từ trước đến nay.

PCI 2019, một tiêu chí đo lường chất lượng cải cách hành chính ở các địa phương - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng PCI 2019 các tỉnh

Lần lượt các thứ hạng nhì, ba, tư thuộc về Đồng Tháp đạt 72,10 điểm, Vĩnh Long 65,53 điểm (thăng hạng từ vị trí thứ 8 so với năm 20180, Bắc Ninh 70,79 điểm. Nhóm cuối bảng là Lai Châu, Đắc Nông, Bắc Cạn.

Nói về thành tích đạt được của Quảng Ninh, một tỉnh liên tiếp với 3 năm giữ hạng đứng đầu PCI cả nước, vậy đâu là nhân tố tạo nên sự khác biệt? Lý do, cách làm nào tạo nên sự thành công? Đi tìm câu trả lời, giải đáp vấn đề này có lẽ không khó, bởi những việc chính quyền Quảng Ninh đã làm được thể hiện trong việc CCHC công, trong đó có yếu tố chất lượng giải quyết TTHC.

Chính quyền cầu thị, biết lắng nghe, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.

Để có được kết quả này, năm 2019, Quảng Ninh luôn tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC. Số TTHC cấp tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt 84,6% (trong đó mức độ 3 là 71% và mức độ 4 là 13,6%). Các hình thức thanh toán trực tuyến (Internet banking), thanh toán thẻ (máy POS), thanh toán qua mã QR... đã được tỉnh áp dụng.

PCI 2019, một tiêu chí đo lường chất lượng cải cách hành chính ở các địa phương - Ảnh 2.

Ban tổ chức trao xếp hạng PCI 2019 cao nhất cho đại diện tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Quốc Tuấn/TTXVN)

Quảng Ninh đã chú trọng việc tổ chức, triển khai các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh tới từng cấp, ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng, kết hợp với việc thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá công khai kết quả thực hiện các nhiệm vụ.

Quảng Ninh tổ chức các hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp (DN) dưới nhiều hình thức đa dạng, triển khai điều tra và công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và huyện thị (DDCI) thường niên để thúc đẩy chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền các cấp.

Dẫn báo cáo đánh giá tại lễ công bố, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: Có đến 89% DN khẳng định "UBND Quảng Ninh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân", có 82% DN cho biết vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời và 93% DN hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của các cơ quan chính quyền tỉnh.

Chính quyền tỉnh không ngừng cải cách TTHC, tìm kiếm và chủ động thiết lập nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, các sở, ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đối với công tác quản lý Nhà nước, hệ thống công quyền của tỉnh luôn thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, đồng hành cùng DN với các giải pháp thiết thực. Điều này nhằm chăm sóc, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ những việc nhỏ nhất tạo niềm tin trong cộng đồng nhà đầu tư và DN.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để giúp giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)...

Cần hơn những quy định TTHC nhanh chóng

Năm 2019 có sự cải thiện trong chỉ số PCI, đó là điểm số bình quân 63,25 điểm. Điểm số giữa các tỉnh không còn khoảng cách khá xa. Tỉnh thấp nhất trong bảng xếp hạng xấp xỉ 60/100 điểm, so với trước kia chỉ ở 39-40 điểm. Môi trường kinh doanh có xu hướng bình đẳng hơn tại các tỉnh/thành phố. Tính minh bạch có dấu hiệu được cải thiện. Chất lượng trang web của chính quyền, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có thể tiếp cận được.

Chỉ số PCI với 10 chỉ số thành phần, 128 bộ chỉ tiêu. Có thể xem là đánh giá mọi mặt môi trường kinh doanh các tỉnh/thành phố của Việt Nam. PCI đo lường chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh, thông qua những thực tiễn tốt tại các địa phương.

Báo cáo PCI cho thấy một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các DN gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, cải cách hành chính có kết quả tích cực…

Các DN FDI cũng cho biết Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế... Các DN mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: "Một địa phương có chất lượng điều hành tốt phải đảm bảo các tiêu chí như: Chi phí gia nhập thị trường thấp, môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai, thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, TTHC nhanh chóng, chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp, chính sách đào tạo lao động tốt và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự".

Về kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019, ông Lộc đánh giá: "Kết quả PCI năm 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam".

"Sự năng động sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN cũng có nhiều tiến bộ, khiến bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên sáng sủa hơn một số chỉ số PCI, và có tới 80% số doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của các cơ quan chính quyền", ông Lộc nhấn mạnh.

Qua sự kiện này, mộ lần nữa khẳng định việc CCHC chính là chìa khóa tạo nên sự thành công cho các địa phương, mà Quảng Ninh chính là một điển hình ví dụ. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
PCI 2019: Tiêu chí đo lường chất lượng cải cách hành chính ở các địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO