Số hóa giúp Ấn Độ thích nghi với thế giới “bình thường mới” trong đại dịch

Bảo Bình| 19/08/2021 07:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu có một bài học lớn cần rút ra sau đại dịch, thì số hóa chính là ngưỡng tiến hóa mới của các doanh nghiệp (DN) ở Ấn Độ. Sức mạnh biến đổi của số hóa có thể thắp sáng các điểm mù, loại bỏ các nút thắt cổ chai và loại bỏ các rào cản hậu cần.

Nếu cuộc sống trong 18 tháng qua có một công thức để sống, hẳn nhiều người trong chúng ta khó tìm ra một công thức nào tốt hơn công thức “ý chí kiên cường” của con người. Đại dịch đã đặt ra những thách thức gần như không thể vượt qua đối với nhân loại toàn cầu và từng đất nước nói chung. Bất chấp hàng loạt thách thức, người Ấn Độ đã hết lần này đến lần khác chứng tỏ với thực tế về khả năng vượt khó của con người là rất đáng kinh ngạc, khả năng đổi mới và thích ứng của chúng ta cũng vậy.

Theo trang Outlook India, trọng tâm của sự đổi mới và khả năng thích ứng này chính là sự tiến bộ của số hóa. Ngày nay, số hóa đã tràn ngập mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Các giao dịch vật lý đang giảm dần và các thói quen kỹ thuật số mới đã và đang hình thành. Trước đây, nhiều người hoài nghi những giao dịch kỹ thuật số, nhưng nay họ đã sẵn sàng chấp nhận.

Số hóa giúp Ấn Độ thích nghi với thế giới “bình thường mới” trong đại dịch - Ảnh 1.

Những cửa hàng nhỏ này là chìa khóa để mở ra tiềm năng kinh tế to lớn của Ấn Độ trong 10-15 năm tới. Ảnh: OutlookInida

Có thể nói, bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống của con người cũng có thể đã bị thay đổi, từ khi có đại dịch. Từ các mô hình mua sắm, hoạt động của ngân hàng, đến động lực làm việc, chúng đã thay đổi một cách khó tin. Ngay cả khi mối đe dọa virus hoàn toàn bị dập tắt và tất nhiên mọi người đều hy vọng ngày đó sẽ đến sớm, các động lực số hóa sẽ không bị đảo ngược, chậm lại hoặc dừng lại. Thực tế mới của chúng ta, bình thường mới sẽ thay đổi mãi mãi.

Bắt nguồn từ sự phổ biến của smartphone giá rẻ và tỉ lệ tiếp cận Internet tăng

Như đã nói, công nghệ kỹ thuật số đã được tích hợp trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Điều này thực sự có sự góp phần lớn của smartphone giá rẻ hơn và mức độ thâm nhập Internet tăng lên. Không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành một trong những hệ sinh thái lớn nhất cho người dùng Internet. 

Một báo cáo được công ty phân tích dữ liệu và tư vấn thương hiệu công bố cho biết Ấn Độ có khả năng trở thành ngôi nhà của 900 triệu người dùng Internet vào năm 2025. Điều thú vị hơn là mức độ thâm nhập Internet đang tăng với tốc độ nhanh hơn ở vùng nông thôn Ấn Độ so với thành thị của Ấn Độ.

Đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trên toàn quốc, đây là một tin tuyệt vời. Khu vực nông thôn ngày càng trở nên quan trọng hơn với các DN nhỏ, giúp họ khai thác giá trị lớn hơn trong công việc kinh doanh của họ.

Sự phát triển của các DN nhỏ này liên quan sâu sắc đến sự phổ biến của các dịch vụ ngân hàng tại Ấn Độ. Pradhan Mantri Jan-Dhan Yojana là một chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ Ấn Độ. Chương trình này được các chiến dịch bao gồm tài chính bền vững của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) thúc đẩy và đã dẫn đến thành công to lớn. Năm 2017, ít nhất 80% dân số Ấn Độ có tài khoản ngân hàng. 

Tuy nhiên, việc có một tài khoản ngân hàng chưa mang lại nhiều ý nghĩa. Dữ liệu của RBI cho thấy người dân Ấn vẫn chưa cải thiện nhiều trong việc sử dụng tài khoản ngân hàng, họ chưa hiểu biết nhiều về tài chính và thói quen tiết kiệm, cũng như các khoản vay thể chế. Theo khảo sát của một ngân hàng tư nhân, với 5% MSME được số hóa, việc tăng cường sử dụng công nghệ trong thập kỷ tới sẽ hỗ trợ DN tiếp cận người dân trên phạm vi địa lý lớn hơn và hiệu quả tốt hơn, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trên thị trường toàn cầu.

Số hóa nền kinh tế từ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Để khắc phục tình trạng thiếu khả năng tiếp cận tài chính và kiến thức, chính phủ Ấn Độ đã ra một chính sách dự thảo, USENET hay chính là Mạng lưới DN Udyog Sahayak, nhằm trao quyền cho hơn 62 triệu DN nhỏ và siêu nhỏ. Họ hầu hết là các cửa hàng bán lẻ. Nhờ chương trình này, họ sẽ dễ dàng hơn trong kinh doanh. 

Cụ thể, các DN sẽ được hỗ trợ để tiến hành số hóa, giúp họ tích hợp CNTT trong các hoạt động của mình - từ thanh toán đến đặt hàng, quản lý nhân viên đến chuyển DN trực tuyến và từ nộp thuế đến nâng cao lòng trung thành của khách hàng - trên một thiết bị.

Ứng dụng số hóa - có thể là áp dụng thanh toán kỹ thuật số, cùng với khuôn khổ mới về khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng - sẽ giúp họ có được các khoản vay và trợ cấp, đảm bảo tuân thủ các quy định và đẩy nhanh quá trình đồng hóa với thanh toán kỹ thuật số nền tảng.

Chính những cửa hàng nhỏ này là chìa khóa để mở ra tiềm năng kinh tế to lớn của Ấn Độ trong 10 - 15 năm tới. Kết nối các DN nhỏ và siêu nhỏ với khung chính của kiến trúc ngân hàng sẽ không chỉ cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng mà còn số hóa sự phát triển kinh tế. Ngân hàng kỹ thuật số có tiềm năng thâm nhập sâu hơn vào các khu vực không có ngân hàng của Ấn Độ và kết nối những vùng nội địa này với các cơ hội phát sinh ở các thành phố và thị trấn. Tấm bản đồ về một Ấn Độ kỹ thuật số bắt đầu được lập ra, với một mạng lưới ngân hàng tạo những con đường việc làm mới và khả năng kinh doanh mới.

Số hóa giáo dục trở thành tiêu chuẩn mới

Không chỉ kinh tế, mà số hóa cũng đã giúp các lĩnh vực khác loại bỏ mô hình cũ. Ví dụ, không gian giáo dục đã liên tục đón nhận các cơ hội số. Các giáo viên thích nghi với việc cung cấp các lớp học ảo, sinh viên theo đuổi các khóa học học thuật và bằng cấp chuyên nghiệp trên môi trường trực tuyến.

Kể từ năm 2020, các trường đại học Ấn Độ, trước đó không được phép cung cấp hơn 20% chương trình bằng các khóa học trực tuyến, giờ đây đã được phép cung cấp các khóa học trực tuyến nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận và phạm vi giáo dục chuyên nghiệp. So với năm 2016, khi thị trường giáo dục trực tuyến của Ấn Độ mới trị giá 247 triệu USD. Giờ đây, thị trường giáo dục trực tuyến đã sẵn sàng với mức giá trị 1,96 tỷ USD trong năm nay. Cơ sở người dùng đã tăng lên. Trong khi chỉ có 1,6 triệu người học trực tuyến vào năm 2016, con số đã tăng lên 9,6 triệu trong năm 2021.

Khi giáo dục trực tuyến phát triển sâu hơn, chi phí giáo dục sẽ giảm đáng kể trong thập kỷ tới và nhiều sinh viên tốt nghiệp sẽ bước ra ngoài sau chương trình giảng dạy chỉ sử dụng kỹ thuật số. Đây sẽ là tiêu chuẩn mới của ngành giáo dục Ấn Độ. Ngoài ra, số hóa trong giáo dục sẽ hỗ trợ tái thiết lập kỹ năng cho lực lượng lao động và tăng tốc quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp giáo dục cũng như kinh tế cả đất nước.

Số hóa và quản lý tài chính

Trong khi đó, thế giới tài chính cũng đang chạm đến một tầm cao mới trong môi trường trực tuyến. Thị trường tài chính đang có sự chuyển đổi với tốc độ nhanh chóng, nhờ vào thế hệ Millennial, những người đã tham gia vào thị trường chứng khoán hàng loạt và đang thúc đẩy các chỉ số chuẩn lên một tầm cao mới.

Những nhà đầu tư trẻ lần đầu đến với thị trường tài chính, chứng khoán cũng được hỗ trợ mạnh mẽ với một quy trình số hóa, giúp họ loại bỏ sự lộn xộn của các tài liệu vật lý rườm rà. Bởi vì, đã qua rồi cái thời phải chạy đến tiệm photocopy và quản lý hàng đống tài liệu chứng thực. Với khung công cụ tổng hợp tài khoản được áp dụng, ngân hàng mới đang xâm nhập và các quyết định tài chính sẽ xảy ra với vài cú nhấp chuột. 

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đó chính là khả năng ngày càng mở rộng của thương mại điện tử (TMĐT). Tính đến năm 2020, ít nhất 67% nhu cầu của người tiêu dùng trực tuyến đến từ các thành phố cấp 2. Sự thâm nhập Internet sâu hơn đã phá vỡ sự phân chia thành thị - nông thôn. Đi cùng với sự phát triển TMĐT này là sự gia tăng của các mô hình kinh doanh tín dụng không dùng tiền mặt. Nổi bật nhất trong danh mục này là mô hình mua ngay trả sau (BNPL) - hình thức cho phép người mua sắm nhận hàng trước rồi thanh toán sau mà không phải trả thêm bất cứ loại lãi suất hay phí phụ trội nào.

Mô hình mua ngay trả sau này áp dụng đối với các mặt hàng lớn và nhỏ tại điểm bán hàng đã gây được tiếng vang lớn với người tiêu dùng, đặc biệt là những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ, vì nó cho phép họ quản lý chi tiêu hàng tháng của mình. Với mức thâm nhập thẻ tín dụng chỉ ở mức 3%, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới, những DN áp dụng mô hình BNPL nhanh chân sẽ nắm bắt được thị trường.

Kết luận

Nếu có một bài học lớn cần rút ra sau đại dịch, thì số hóa chính là ngưỡng tiến hóa mới của các DN. Sức mạnh biến đổi của số hóa có thể thắp sáng các điểm mù, loại bỏ các nút thắt cổ chai và loại bỏ các rào cản hậu cần. Với số hóa, các địa điểm xa nhất cũng có thể được lập bản đồ trong bối cảnh kỹ thuật số, tiến trình và sự phát triển của chúng sẽ được theo dõi trong thời gian thực. Chắc chắn, điều này nghe có vẻ không tưởng, nhưng tác động của số hóa sẽ rất lớn, một tác động biến đổi tương lai cả quốc gia Ấn Độ./.

Bài liên quan
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Số hóa giúp Ấn Độ thích nghi với thế giới “bình thường mới” trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO