Kinh tế số

Thách thức cân bằng giữa cạnh tranh thị trường và duy trì dịch vụ bưu chính phổ cập

Anh Minh 10/12/2024 18:25

Ngành bưu chính đang đứng trước tình thế xung đột giữa cạnh tranh thị trường và đảm bảo dịch vụ bưu chính chất lượng cao, giá cả hợp lý cho mọi công dân.

Tác động của thời đại số và thương mại điện tử đến ngành bưu chính

Chiều 10/12, tại Hội thảo quản lý Bưu chính APPU 2024, ông Jean-Paul Forceville, Giám đốc Quan hệ Châu Âu và Quốc tế tại La Poste Groupe, Pháp, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Hoạt động Bưu chính (Postal Operations Council - POC) thuộc Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), đã chia sẻ về sự phát triển của các khung pháp lý quản lý bưu chính tại châu Âu, tập trung vào thách thức cân bằng giữa việc tự do hóa thị trường và duy trì nghĩa vụ cung cấp dịch vụ bưu chính phổ cập (USO).

Ông Jean-Paul Forceville là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bưu chính, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến tự do hóa thị trường, nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập, và hợp tác quốc tế.

Chia sẻ từ xa qua trực tuyến, ông Jean-Paul Forceville đã đề cập đến thị trường bưu chính của châu Âu, quá trình dần dần mở cửa thị trường nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ tối thiểu. Tuy nhiên, hiện tại trong thời đại công nghệ số, khối lượng thư từ đang giảm sút và các cơ chế bù đắp không còn bền vững, châu Âu buộc phải đánh giá lại khung pháp lý hiện hành.

“Trong quá trình này, một mâu thuẫn quan trọng đã nảy sinh là sự xung đột giữa cạnh tranh thị trường và đảm bảo dịch vụ bưu chính chất lượng cao, giá cả hợp lý cho mọi công dân”, ông Jean-Paul Forceville cho biết. Theo ông, điều này đòi hỏi sự thích ứng ở cấp quốc gia cùng với các quy định hài hòa trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

img_20241210_140129.jpg
Ông Jean-Paul Forceville chia sẻ về thị trường bưu chính châu Âu qua trực tuyến

Nền kinh tế số, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), đã tạo ra những thay đổi đáng kể đối với ngành bưu chính trên toàn thế giới. Khối lượng thư tín truyền thống giảm đáng kể khi các cá nhân và chính phủ ngày càng dựa vào các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để trao đổi thông tin. Tuy nhiên, TMĐT lại mở ra cơ hội mới trong việc vận chuyển bưu kiện. Dù vậy, thị trường này có tính cạnh tranh rất cao và thường mang lại biên lợi nhuận thấp hơn so với dịch vụ thư tín truyền thống.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính lại đối mặt với thách thức mới là đánh mất thị phần trong TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng TMĐT Trung Quốc. Theo thông tin được ông Jean-Paul Forceville đưa ra, chỉ 25% giao dịch TMĐT giữa Trung Quốc và EU được thực hiện thông qua các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính. Không những thế, sự trỗi dậy của các nền tảng này còn gây ra những vấn đề liên quan đến tuân thủ tiêu chuẩn EU, hàng giả, và sự cạnh tranh không công bằng đối với các nền tảng TMĐT trong khu vực.

Dịch vụ bưu chính phổ cập trước bài toán tài chính và cạnh tranh

“Những thay đổi này càng thúc đẩy quá trình đánh giá lại nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập, vốn đảm bảo dịch vụ bưu chính cơ bản cho tất cả công dân”, ông Jean-Paul Forceville nói.

Một số quốc gia như Đan Mạch đã bãi bỏ USO với lý do rằng các dịch vụ số đã làm cho nó trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không được chấp nhận rộng rãi. Hầu hết các quốc gia châu Âu vẫn duy trì USO, nhận thấy vai trò quan trọng của bưu chính trong việc hỗ trợ các nhóm yếu thế và thúc đẩy hòa nhập xã hội cũng như phát triển kinh tế.

Theo đó, ông Jean-Paul Forceville cho biết các cơ quan quản lý quốc gia tại EU có mục tiêu đảm bảo dịch vụ bưu chính chất lượng cao với giá cả phải chăng thông qua việc giám sát một khung pháp lý cân bằng giữa thị trường nội bộ cạnh tranh và nghĩa vụ cung cấp dịch vụ phổ cập. Khung pháp lý này bao gồm các nguyên tắc và quy định chung, nhưng cho phép từng quốc gia linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu và bối cảnh riêng.

Để đảm bảo các dịch vụ bưu chính đạt chất lượng cao, cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ thị trường nhằm duy trì hoạt động hiệu quả và bảo vệ USO. Đồng thời, các cơ quan có quyền tính toán chi phí ròng của việc thực hiện USO, qua đó đánh giá tính bền vững tài chính và đề xuất các cơ chế bù đắp phù hợp. Ngoài ra, khung pháp lý cũng yêu cầu thiết lập quy trình giải quyết khiếu nại cả nội bộ lẫn bên ngoài, giúp khách hàng xử lý các vấn đề với dịch vụ bưu chính và có thể khiếu nại lên cơ quan quản lý nếu cần.

"Nhận thức được việc cung cấp USO có thể gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thị trường suy giảm, EU đã đưa ra cơ chế quỹ bù đắp, được tài trợ bởi các doanh nghiệp trong ngành", ông Jean-Paul Forceville cho biết.

Tuy nhiên, cơ chế này chưa hiệu quả vì phần lớn các đối thủ cạnh tranh được miễn đóng góp, dẫn đến áp lực tài chính lớn hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ phổ cập.

Do quỹ bù đắp không hiệu quả, nhiều quốc gia đã chuyển sang hình thức tài trợ công. Ví dụ, Pháp đã chuyển sang mô hình hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để bù đắp thâm hụt của nhà cung cấp dịch vụ phổ cập La Poste. Tương tự, Ba Lan cũng chuyển sang chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ công. Xu hướng này phản ánh sự thừa nhận ngày càng tăng rằng để duy trì dịch vụ bưu chính chất lượng cao và giá cả phải chăng - vốn được xem là thiết yếu cho sự hòa nhập xã hội và kinh tế - cần có sự hỗ trợ từ chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn doanh thu truyền thống đang dần cạn kiệt.

Một số quốc gia đã điều chỉnh dịch vụ bưu chính nhằm giảm gánh nặng tài chính, chẳng hạn như giảm tần suất giao thư. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa việc đảm bảo giá cả hợp lý và duy trì chất lượng dịch vụ cao.

Trước những thách thức này, ông Jean-Paul Forceville cho biết EU đang xem xét lại các quy định để tìm kiếm giải pháp bền vững hơn. Quá trình này có thể bao gồm việc khám phá các mô hình tài trợ thay thế và các cơ chế mới nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính của USO, đồng thời cân bằng lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ phổ cập, sự cạnh tranh trên thị trường, và khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính chất lượng cao với giá cả phải chăng cho người dân.

Việc duy trì USO đang trở thành một thách thức tài chính ngày càng lớn, buộc nhiều quốc gia phải thay đổi chính sách và tăng cường sự phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ. Để thích nghi, các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính đã mở rộng danh mục dịch vụ, áp dụng các công nghệ mới và tìm kiếm sự linh hoạt hơn trong định giá và vận hành.

Hội thảo quản lý Bưu chính APPU diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/12/2024 với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khai thác bưu chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APPU) trực tiếp và trực tuyến. Trong chiều 10/12, đại diện các cơ quan bưu chính của các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Campuchia, Brunei, Ấn Độ… đã có bài trình bày về tình hình cải cách thể chế bưu chính, những đặc điểm riêng cũng như những thách thức, cơ hội và giải pháp của từng thị trường.

Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế số mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho ngành bưu chính. Để tồn tại và phát triển, ngành này cần không ngừng đổi mới và thích ứng. Đặc biệt, vai trò của quy định pháp lý trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo tính bền vững của ngành bưu chính./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức cân bằng giữa cạnh tranh thị trường và duy trì dịch vụ bưu chính phổ cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO