Thu hút tối đa nguồn lực của xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa đọc

PV| 19/04/2021 08:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khuyến đọc, đưa tri thức đến cộng đồng với quy mô và hình thức đa dạng, tạo thành phong trào, từng bước xây dựng, phát triển thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng làm thế nào để thu hút hơn nữa những nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa đọc hiện nay. Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện để thấy rõ hơn về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hoá đọc hiện nay đến từ những nguồn nào? Hiệu quả và sự hạn chế của các nguồn lực đó?

Ông Phạm Quốc Hùng:Trong những năm gần đây, văn hóa đọc đã được quan tâm phát triển và đạt được một số hiệu quả nhất định. Để có được điều này, cần kể đến một số nguồn lực, điều kiện đã và đang được sử dụng một cách hiệu quả:

Đầu tiên đó là hệ thống các định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc đã được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản (như Luật Thư viện, Đề án Phát triển văn hóa đọc, Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời…). Đây chính là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa đọc nước nhà.

Thứ hai, là nguồn cơ sở vật chất của hệ thống triển khai thực hiện. Đề án Phát triển văn hóa đọc đã xác định hệ thống thư viện công cộng sẽ là tiên phong thực hiện nhiệm vụ này. Theo thống kê, hệ thống thư viện công cộng Việt Nam hiện nay có 24.102 thư viện trải rộng từ cấp tỉnh, huyện, xã và đến các phòng đọc cơ sở. Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo và phối hợp của nhiều Bộ, ngành, cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương, không chỉ hệ thống thư viện công cộng mà thư viện của các cơ sở giáo dục, thư viện chuyên ngành, các điểm bưu điện văn hóa xã, các tủ sách có phục vụ cộng đồng… cũng đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thứ ba, là nguồn lực tài chính. Được sự chung tay đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương (tất cả UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và 06 Bộ, ngành đều đã ban hành Kế hoạch thực hiện triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong phạm vi quản lý), nguồn kinh phí để triển khai công tác phát triển văn hóa đọc đã được bố trí, phân bổ. Nhiều bộ ngành, địa phương đã thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động này. Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong quá trình triển khai Đề án là công tác xã hội hóa đã được đẩy mạnh và thu hút nguồn lực tài chính từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (như Dự án Xe ô tô thư viện lưu động cho 44 tỉnh thành được tài trợ bởi tập đoàn Vingroup, các dự án trao tặng hàng nghìn cuốn sách của Tập đoàn Trung Nguyên, công ty First News, tổ chức GNI Hàn Quốc, các nhà sách, nhà xuất bản Giáo dục, Giao thông, Phụ nữ…).

Thu hút tối đa nguồn lực của xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa đọc - Ảnh 1.

Ông Phạm Quốc Hùng

Thứ tư, là nguồn lực tài nguyên thông tin. Nguồn lực thông tin (tính đến năm 2020) của hệ thống thư viện công cộng là 45 triệu bản, đạt mức bình quân 0,45 bản sách trong thư viện công cộng/người dân. Thư viện trường học (của 37 tỉnh/thành phố có báo cáo) là 103 triệu bản sách. Thư viện chuyên ngành (của 07 Bộ) có hơn 1,4 triệu bản sách. Đây là các nguồn lực quan trọng giúp cho hệ thống thư viện có thể đáp ứng yêu cầu sử dụng sách, báo, tài liệu, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng góp pần xây dựng nền tảng tinh thần vững mạnh.

Thứ năm, là nguồn lực về con người. Hiện nay, nguồn nhân lực đạt trung bình 23 nhân viên/thư viện cấp tỉnh, 1,5 nhân viên/thư viện cấp huyện. Đồng thời với đó, các hoạt động phát triển văn hóa đọc ngày càng nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các đối tượng trong xã hội (như Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2019 có 536.000 bài tham dự thì Cuộc thi vào năm 2020 đã thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia). Không chỉ vậy, hoạt động phát triển văn hóa đọc cũng đẩy mạnh hướng đến phục vụ các đối tượng người sử dụng đặc biệt.

Tuy đã đạt những hiệu quả bước đầu được ghi nhận nhưng các nguồn lực vẫn còn một số hạn chế như: nguồn kinh phí vẫn chưa bố trí đồng đều giữa các địa phương, bộ, ngành. Ngân sách dành cho xây dựng, phát triển tài nguyên thông tin còn thiếu. Nguồn tài nguyên thông tin chưa đáp ứng được mục tiêu 1 bản sách trong hệ thống thư viện công cộng/người dân mà Đề án Phát triển văn hóa đọc đã xác định đạt được vào năm 2020. Một số thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng biệt, cơ sở vật chất của nhiều thư viện các cấp còn nghèo nàn, chật chội, cũ kỹ, chưa được đầu tư thỏa đáng.

PV: Trong điều kiện hiện nay thì có thêm nguồn lực mới không? Và đó là từ nguồn nào? Thưa ông?

Ông Phạm Quốc Hùng: Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng, công nghệ thông tin được xác định sẽ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động của hệ thống các thiết chế phục vụ phát triển văn hóa đọc theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đến với đông đảo người dân.

Tháng 02/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến 2030. Với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số sẽ nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và dần hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập.

PV: Theo ông, để thu hút được các nguồn cũ thì cần thay đổi điều gì? Và cần làm gì để thu hút nguồn lực mới?

Ông Phạm Quốc Hùng:Để duy trì nguồn lực cũ cũng như thu hút những nguồn lực mới cùng chung tay trong hoạt động phát triển văn hóa đọc, các cấp, các ngành cần vào cuộc đồng bộ. Điều quan trọng vẫn là sự thay đổi nhận thức của nhiều người về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với sự phát triển nhân cách và hoàn thiện con người Việt Nam.

Việc thay đổi nhận thức sẽ được thực hiện bằng các chính sách, các giải pháp về thông tin tuyên truyền được triển khai đồng bộ với nhiều chương trình đa dạng, hình thức phong phú, sáng tạo trên nhiều kênh như các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, tuyên truyền cổ động trực quan, lồng ghép qua các hình thức khác… Đồng thời, chính từ hiệu quả triển khai các chương trình phát triển văn hóa đọc sẽ được xã hội ghi nhận, tạo niềm tin trong nhân dân về hiệu quả của chương trình này, hướng đến sự lôi cuốn, tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng để cùng chung tay phát triển văn hóa đọc.

PV: Ông có những ý kiến, đề xuất gì mới không? Những vấn đề tồn tại cần xoá bỏ/tháo gỡ là gì? Vai trò của Nhà nước ra sao trong vấn đề này?

Ông Phạm Quốc Hùng:Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện và xác định các chỉ tiêu cho Đề án Phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn 2021-2030; kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm hơn nữa, tập trung thêm nguồn lực tạo điều kiện phát triển văn hóa đọc trên địa bàn; kiến nghị các Bộ, ngành đưa kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc vào nhiệm vụ hàng năm và là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của từng cơ quan đơn vị.

Đồng thời trong thời gian tới, khi triển khai Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có thể kết hợp nguồn lực công nghệ thông tin vào hoạt động phục vụ, phát triển văn hóa đọc theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn.

Những vấn đề tồn tại cần được giải quyết trong thời gian tới liên quan đến phát triển văn hóa đọc được xác định là: Tiếp tục thay đổi, nâng cao nhận thức của các địa phương, cơ quan, bộ ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc còn hạn chế; Thực hiện các giải pháp nâng cao nguồn lực thông tin, hướng tới đạt được chỉ tiêu về 01 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng đã được đặt ra. Đồng thời có các biện pháp nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm được phát hành và đưa đến phục vụ người dân; Các vấn đề hiện nay trong bối cảnh khoa học và công nghệ không ngừng phát triển như: khả năng sản xuất các loại sách nói, sách điện tử… của các nhà sách, nhà xuất bản còn hạn chế. Công tác số hóa tài liệu chưa được quan tâm, thực hiện dàn trải, chưa tập trung, thiếu tính đồng bộ và chuẩn hóa. Hạ tầng công nghệ nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số; Kinh phí thực hiện cần tiếp tục được đảm bảo, bố trí đồng đều giữa các địa phương bộ ngành và hướng đến tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước.

Đề giải quyết được các vấn đề trên, Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện phát triển văn hóa đọc, trong đó chú trọng đến các nội dung về xã hội hóa, thu hút nguồn lực, phát triển công nghệ thông tin…; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội; chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án; tăng cường vai trò quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát, khen thưởng kịp thời trong công tác phát triển văn hóa đọc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thu hút tối đa nguồn lực của xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO