Thưa ông, cách đây hơn 20 năm vì sao ông lại dấn thân vào con đường đầy khó khăn: Đưa internet vào Việt Nam?
Lúc đó, tôi nhận thấy internet vào Việt Nam mang đến lợi ích vô cùng to lớn cho dân cho nước, tuy nhiên nhiều lãnh đạo cấp cao còn băn khoăn internet sẽ có những mặt trái như các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá, rồi văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan. Nhưng cái hại đó có thể khắc chế trong khi cái lợi của internet thì rất lớn, nên tôi đã dấn thân thuyết phục các vị lãnh đạo. Tôi đến nhà Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày về việc mở cửa đưa internet vào Việt Nam, Thủ tướng tiễn ra đến cổng và vỗ vai nói: “Trực cố gắng quản lý cho tốt, chứ mở ra rồi đóng lại thì không biết phải nói ra sao với thế giới”. Ngày 19-11-1997 đánh dấu mốc Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu. Nếu như các dịch vụ viễn thông của Việt Nam mở ra chậm hơn thế giới khoảng 40-50 năm, dịch vụ điện thoại di động chậm hơn của thế giới khoảng 15-20 năm thì internet vào Việt Nam chỉ chậm hơn so với khởi đầu của thế giới chỉ chừng 7-8 năm. Mọi người đều biết, internet thay đổi toàn bộ đời sống xã hội của nước ta, nhưng đứng ở góc độ ngành viễn thông thì đây là thí nghiệm đầu tiên về chống độc quyền. Năm 1995, tôi làm Tổng Giám đốc VNPT, ngành bưu chính viễn thông phát triển rất tốt nhưng một số cán bộ của VNPT đã bắt đầu có những biểu hiện cửa quyền, coi mình như người “ban phát” dịch vụ cho xã hội. Sau khi tôi lên làm Tổng Cục trưởng Bưu điện, trong một ngày tôi ký bốn giấy phép cho bốn nhà khai thác internet là VDC, FPT, NetNam và Saigonnet. Thời điểm đó xã hội chưa lên án nhiều về chuyện độc quyền nhưng là người trong cuộc, tôi nhận thấy không có cạnh tranh thì không thể phát triển, phải cương quyết mở cửa. Tiếp đó, tôi cấp phép cho Viettel mở dịch vụ VolP - điện thoại qua internet. Đây là lần đầu tiên có điện thoại giá rẻ, cũng là lần đầu tiên có nhà khai thác thứ hai tham gia thị trường viễn thông ngoài VNPT. Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm đó, khi ngồi xem quảng cáo trên ti-vi, thấy quảng cáo dịch vụ 178 - gọi điện giá rẻ của Viettel, tôi đã sững người trong một phút, dù chính tôi là người đã ký văn bản cấp phép cho nó ra đời. Báo Lao Động khi đó đã viết: “Bưu điện tự chống độc quyền”.
Internet vào Việt Nam đã hơn 20 năm, đến thời điểm này ông nhận thấy internet đã chuyển hóa, chuyển đổi cuộc sống của xã hội và cá nhân mỗi chúng ta như thế nào so với trước đây?
Internet chính là kỳ quan vĩ đại nhất của nhân loại tác động đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Con người có thêm một cuộc sống khác: cuộc sống online. Nhưng hiện nay thì internet đã chuyển sang một thế hệ mới đó là internet vạn vật. Nếu 20 năm trước người ta gọi là internet tối đa kết nối bảy tỷ người, tức là Internet of People (IoP), thì bây giờ internet kết nối tất cả vạn vật từ sinh vật đến con người, đất đai, nhà cửa, xe cộ... Tất cả được kết nối. Có đến hàng trăm tỷ kết nối, gọi là thời đại internet của vạn vật - Internet of Things (IoT) với lượng dữ liệu lớn vô cùng. Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số như điện toán đám mây giúp người dùng có thể truy cập vào bất cứ tài nguyên nào trên đám mây, vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu, chỉ cần kết nối với hệ thống internet. Rồi công nghệ về Machine Learning - còn gọi là máy học cung cấp cho máy tính khả năng học hỏi mà không cần được lập trình một cách rõ ràng. Giờ đây, những máy tính lớn có thể xử lý được để máy có thể học, bổ sung vào trí tuệ của con người, thay đổi một phần trí tuệ con người và giúp con người ra những quyết định nhanh nhờ xử lý thông tin. Machine Learning là cốt lõi của trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo trước đây chỉ tìm cách mô phỏng con người, gọi là trí tuệ nhân tạo mạnh (Strong AI), nhưng gần đây khi internet vạn vật tạo nên một nguồn dữ liệu rất lớn, các công cụ tính toán cũng như các phòng máy tính có thể xử lý dữ liệu rất lớn và tạo nên một cái máy có thể học được. Vì thế, có những những máy tính đã đánh bại danh thủ cờ vua thế giới. Gần đây, công nghệ Blockchain lại làm nên một đột phá mới trên không gian mạng, từ không gian mạng chuyển sang không gian vật lý để cuộc sống của con người tốt hơn. Tất cả tạo nên cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư - cuộc cách mạng vĩ đại của nhân loại mà nội dung cốt lõi chính là chuyển đổi số. Thí dụ, chúng ta nói Chính phủ điện tử ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ công qua mạng cho người dân - những cái lâu nay phiên bản bằng giấy chuyển sang phiên bản online. Nhưng Chính phủ số còn làm giảm quy trình cung cấp dịch vụ công cho người dân, đỡ phải khai báo nhiều.
Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 và cuộc chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ chóng mặt?
Chúng ta phải bứt phá bằng kinh tế số, chuyển đổi số. Chúng ta chuyển đổi số lúc này là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương xây dựng nền kinh tế sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số. Vậy những trụ cột nào sẽ tạo nên cuộc bứt phá này? Tôi cho rằng muốn chuyển đổi số thành công thì phải dựa trên ba trụ cột là thể chế, con người và công nghệ. Nếu thể chế không thay đổi, vẫn trì trệ thì khó bứt phá. Có hàng loạt vấn đề về thể chế cần thay đổi sớm, xóa bỏ những rào cản. Mặt khác, chuyển đổi số ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội, là công việc của toàn dân, cho nên từ người sử dụng cho đến nhà cung cấp dịch vụ, đến cơ quan công quyền và các tổ chức, doanh nghiệp phải được đào tạo. Công nghệ cũng là một trụ cột, nhưng muốn chuyển đổi số thành công thì công nghệ lại do thể chế và con người quyết định. Thí dụ, giờ đây nếu lắp một chiếc máy tính nối mạng phải ứng dụng trên nền tảng chung của cả xã hội mới có thể chuyển đổi số. Vì thế, vấn đề không phụ thuộc doanh nghiệp công nghệ nữa mà phụ thuộc vào người đứng đầu chính quyền địa phương, phụ thuộc vào các bộ, ngành, các doanh nghiệp và Chính phủ có thay đổi hay không.
Tôi hy vọng sau Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ có một sự khởi đầu mới đủ sức bứt phá. Nếu 5 năm tới, cơ chế quản trị quốc gia, cơ chế quản trị doanh nghiệp, cơ chế quản trị công quyền mà không đổi mới mạnh thì mục tiêu 2030 không đạt được. Chúng ta có thể vuột mất cơ hội và biến cơ hội thành thách thức. Nhiều chuyên gia hy vọng, nhiệm kỳ mới sẽ tạo ra một sự chuyển đổi số đủ mạnh để tạo đà cho giai đoạn 2030-2045. Covid-19 là tai họa của nhân loại nhưng đồng thời nó như một sự “cài đặt” lại cho nhân loại về thái độ với tự nhiên, và cả những mô hình quản trị quốc gia. Internet có sứ mạng mang công cuộc chuyển đổi số để tạo sự thay đổi.
Trong chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số này, theo ông khâu đột phá của đột phá là gì?
Khâu đột phá đó là phải có một cơ chế về thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, phân cấp dữ liệu, không cát cứ về dữ liệu, bảo vệ an toàn dữ liệu. Nếu dầu mỏ là nguyên liệu của nền kinh tế thế kỷ trước thì dữ liệu là nguyên liệu chính của nền kinh tế số. Dữ liệu đó được tạo ra, được truyền đi, được lưu trữ, được xử lý, được sử dụng chung, được bảo vệ thì nó mới có hiệu quả. Nhà nước đã bỏ ngân sách ra để làm cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, doanh nghiệp... đó phải xem như tài sản của toàn dân, hãy để người dân và doanh nghiệp được sử dụng. Dữ liệu ấy bây giờ đang đóng kín, phải sớm công khai ra và cần có luật về vấn đề dữ liệu. Không có những đột phá về dữ liệu thì khó có nguồn tài nguyên như một nguồn năng lượng để cho các doanh nghiệp và xã hội sử dụng. Đó chính là khâu đột phá của đột phá, còn về vấn đề công nghệ thì tôi tin các doanh nghiệp và Bộ Thông tin và Truyền thông đủ sức làm.
Thưa ông, điểm nghẽn lớn nhất trên hành trình chuyển đổi số, thực hiện cuộc cách mạng 4.0 hiện nay là gì?
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là ngại thay đổi trong khi phải thay đổi. Điều này có hai lý do. Lý do thứ nhất: Không nhận thức được việc không thay đổi nghĩa là chết. Một doanh nghiệp, hay một quốc gia không nhận thức được cái tất yếu đó thì không thể tiến lên, mà đứng lại nghĩa là tụt hậu rồi. Lý do thứ hai: Thay đổi đụng tới lợi ích của cá nhân, của từng nhóm... Vì thế muốn thay đổi phải dũng cảm, phải chịu đau, phải dám làm, dám chịu. Quan trọng nhất là một sự dũng cảm thay đổi ở tất cả mọi tầng lớp, từ lãnh đạo cho đến người dân, doanh nghiệp với tâm thế nếu không làm mình sẽ thua, sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nếu 5 năm tới đây chúng ta cứ rề rà, nếu các nhà quản trị, các nhà lãnh đạo không dũng cảm, không quyết liệt, đánh mất cơ hội thì có lỗi với đất nước. Thay đổi có bắt kịp với thời cuộc hay không thì cần đổi mới, sáng tạo. Thời buổi này sáng tạo giá trị hơn kinh nghiệm, tốc độ quan trọng hơn khối lượng. Kinh nghiệm chỉ còn có ý nghĩa về mặt tư duy, còn nhiều cái cụ thể sẽ hoàn toàn khác. Đấy là một sự chuyển dịch vĩ đại của nhân loại vào không gian mạng. Chuyển đổi số là một sự chuyển dịch vĩ đại để thay đổi môi trường quản trị quốc gia, mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và thay đổi cuộc sống của con người. 20 năm trước internet vào Việt Nam đã tạo ra sự thay đổi lớn lao, nhưng 20 năm tới, với internet kết nối vạn vật, với chuyển đổi số, với trí tuệ nhân tạo sẽ còn tạo ra sự thay đổi vĩ đại hơn nữa. Nếu chúng ta không sẵn sàng, các nhà quản trị không sẵn sàng, nền giáo dục Việt Nam không sẵn sàng cho sự thay đổi đó thì dễ mất cơ hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!