Chuyển động ICT

Việt Nam - Hoa Kỳ: Đẩy mạnh phát triển lực lượng lao động lành nghề lĩnh vực bán dẫn

AD 11/09/2024 18:03

Việt Nam đang triển khai một loạt phiên khởi động chiến lược để thúc đẩy vai trò của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và chính sách công.

top-new-3-9925-1691554994-4222-1694347864.png
(Ảnh minh họa)

Các phiên này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 1 năm kể từ khi ký kết Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, và là một phần của Quỹ đổi mới và an ninh công nghệ quốc tế (Quỹ ITSI), một sáng kiến quan trọng của Đạo luật khoa học và CHIPS của Hoa Kỳ được thiết kế để tăng cường năng lực bán dẫn và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Được tổ chức bởi Đại học bang Arizona (ASU), các phiên khởi động sẽ quy tụ các bên liên quan chính, bao gồm các nhà lãnh đạo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - Bộ KH&ĐT, các quan chức chính quyền địa phương, các nhà lãnh đạo ngành ATP và đại diện học thuật từ các trường đại học kỹ thuật và công nghệ hàng đầu và các trường cao đẳng nghề, để xác định điểm mạnh cũng như thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và xây dựng các kế hoạch hành động để nâng cao năng lực của mình.

Việt Nam là một trong 8 quốc gia chiến lược được lựa chọn cho sáng kiến này, cùng với Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya và Ấn Độ, tất cả đều được Cục Kinh tế và Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ ASU 13,8 triệu USD để thúc đẩy phát triển nhân tài và xây dựng các khuyến nghị về chính sách công trên khắp các quốc gia này.

“Sáng kiến này là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bằng cách đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và chính sách công, chúng tôi hướng đến mục tiêu củng cố vị thế của Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Các hội thảo được thiết kế nhằm phát triển lực lượng lao động lành nghề và tạo ra môi trường chính sách hỗ trợ, từ đó thu hút đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực bán dẫn.

Thông qua sáng kiến này, ASU cũng hợp tác với nhiều tổ chức giáo dục để các giáo sư và sinh viên từ các tổ chức có thể nhận được sự cố vấn và tiếp cận các khóa học giúp hỗ trợ sự phát triển của họ. Những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu của Quỹ ITSI nhằm đa dạng hóa và mở rộng năng lực Lắp ráp, Kiểm tra và Đóng gói (ATP) bán dẫn toàn cầu, đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh mẽ và linh hoạt.

Là một phần của sáng kiến này, ASU đã ra mắt cổng thông tin https://itsi-skillsaccelerator.org, cung cấp các khóa học miễn phí cho sinh viên quan tâm đến ngành công nghiệp bán dẫn. Nền tảng này cũng tạo cơ hội cho giáo viên nhận được chứng chỉ về công nghệ bán dẫn, đóng vai trò là trung tâm cho các cá nhân và tổ chức mong muốn tham gia vào lĩnh vực quan trọng này.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình trong việc kết nối các tổ chức của Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời cho biết: "Hoa Kỳ tự hào đầu tư vào tương lai của Việt Nam thông qua các chương trình phát triển lực lượng lao động, qua đó tạo ra mối quan hệ đối tác lâu dài. Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng mối quan hệ giữa các tổ chức sẽ định hình ngành công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm tới".

Bày tỏ sự ủng hộ của mình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: "Những hội thảo này khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội và trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Bằng cách thúc đẩy sự hợp tác và phát triển nguồn nhân lực, chúng a đang tạo ra một tương lai nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam".

Mở ra những cơ hội to lớn cho sinh viên và chuyên gia Việt Nam

Trong khi đó, Điều phối viên cấp cao của ITSI - Virginia Kent cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng rộng lớn của những sáng kiến này: "Mối quan hệ đối tác này vượt ra ngoài những tiến bộ công nghệ; nó thể hiện cam kết chung nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và thịnh vượng thông qua đổi mới sáng tạo. Cùng nhau, chúng ta có thể đảm bảo rằng những lợi ích của tiến bộ công nghệ được phân bổ rộng rãi, củng cố nền kinh tế và các giá trị dân chủ chung của chúng ta".

“Sự hợp tác này mở ra những cơ hội to lớn cho sinh viên và chuyên gia Việt Nam để có được các kỹ năng tiên tiến trong công nghệ bán dẫn. ASU rất vinh dự được hỗ trợ hành trình của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một nhân tố chủ chốt trong ngành công nghiệp mang lại nhiều thay đổi này”, ông Jeffrey Goss, Nhà nghiên cứu chính của Chương trình ITSI tại ASU chia sẻ.

Những nỗ lực này phù hợp với các mục tiêu rộng hơn của Việt Nam nhằm đưa đất nước đi đầu trong công nghệ và đổi mới. Bằng cách nuôi dưỡng tài năng và tăng cường khuôn khổ chính sách, Việt Nam sẽ thu hút các khoản đầu tư và quan hệ đối tác mới, góp phần vào khả năng phục hồi và tăng trưởng của hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
  • Thủ tướng làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu
    Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc, chiều 19/1/2025, giờ địa phương (tối cùng ngày, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU).
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Hoa Kỳ: Đẩy mạnh phát triển lực lượng lao động lành nghề lĩnh vực bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO