Đại dịch Covid19: Cơ hội và thách thức cho cuộc cách mạng chuyển đổi số

Hạnh Tâm| 14/08/2020 08:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức lao đao vì suy giảm doanh thu và đình trệ phát triển, thậm chí trên bờ vực phá sản. Nhưng trong số đó, vẫn có những doanh nghiệp tồn tại và phát triển hơn nhờ hướng đi mới khi áp dụng chuyển đổi số.

Theo Gartner, Chuyển đổi số là sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới1. Như vậy doanh nghiệp hay tổ chức ứng dụng chuyển đổi số để thay đổi tức là doanh nghiệp hay tổ chức đó phải vận dụng công nghệ để chuyển hóa cách thức kinh doanh thường nhật cùng với sự điều hành công việc kinh doanh nhanh hơn, nhạy bén hơn.

Hiện nay, phần lớn các công ty đang chuyển sang quá trình chuyển đổi số nhờ sự thay đổi lớn cả về mặt cơ cấu và lợi nhuận. Về cơ bản, sự phát triển của công nghệ máy tính và di động cũng đã khiến các doanh nghiệp cần phải thay đổi. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã khiến cho toàn xã hội phải cách ly, giãn cách xã hội, thì hoạt động kinh doanh truyền thống gần như bị tê liệt. Ngược lại những công ty, tổ chức đã và đang đi theo chuyển đổi công nghệ số dường như có cách để vượt qua đại dịch, thậm chí kinh doanh nhờ công nghệ số, môi trường mạng lại trở lên mạnh hơn bao giờ hết.

Với một doanh nghiệp hay tổ chức, những yếu tố quan trong bậc nhất để phát triển công ty ngày một hùng mạnh và có khả năng cạnh tranh cao, đó là khách hàng, nhân lực, sản phẩm và dịch vụ, lợi nhuận, tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp, tổ chức áp dụng công nghệ số sẽ được cải tổ toàn bộ các yếu tố sau đây một cách triệt để.

Với khách hàng

Các tổ chức, doanh nghiệp luôn phải hiểu nhu cầu và đáp ứng nhu cầu ấy một cách nhanh, hiệu quả nhất. Với kinh doanh truyền thống, điều này luôn là trở ngại, nhưng với việc áp dụng công nghệ số, điều này trở lên dễ dàng hơn. Nhờ lợi ích của chuyển đổi kỹ thuật số là thu thập dữ liệu trực tuyến, cùng với các công cụ phân tích dữ liệu có sẵn, việc theo dõi, thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng để đưa ra quyết định sáng suốt, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nó giúp tăng cường hơn nữa các chiến lược kinh doanh bằng cách nghiên cứu thói quen trực tuyến của người tiêu dùng. Từ đó, mọi nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp hay tổ chức có thể đáp ứng ngay lập tức, và giữ được chân khách hàng.

Đại dịch Covid19: Cơ hội và thách thức cho cuộc cách mạng chuyển đổi số - Ảnh 1.

Áp dụng số hóa giúp doanh nghiệp, tổ chức đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng để thu hút khách hàng, tăng tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng, giúp các công ty cung cấp trải nghiệm tốt hơn và nhất quán hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các trang thương mại điện tử Shoppe, Tiki,... với giao hàng tận nhà, thanh toán số và không tiếp xúc trở nên phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh đại dịch. Vì vậy, dù đại dịch diễn ra, các trang thương mại điện tử không bị tác động quá nhiều, không những thế có xu hướng phát triển. Một số xu hướng và thói quen được hình thành trong bối cảnh ứng phó với đại dịch dự báo có thể sẽ tiếp tục được duy trong trong thời gian dài.

Cụ thể, hơn 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho biết đã sử dụng các dịch vụ giao hàng tận nhà trong tháng 4 nhiều hơn trong tháng 3. Gần một nửa số người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Malaysia, Singapore và Thái Lan cũng cho biết trong cùng giai đoạn đó, họ thực hiện mua sắm trực tuyến nhiều hơn2. Bên cạnh những thay đổi trong thói quen mua hàng là xu hướng chuyển dịch sang các phương thức thanh toán mới trên toàn khu vực.

Nhân viên trở nên chuyên nghiệp và kết nối hơn

Để phát triển, các doanh nghiệp, tổ chức buộc phải cải thiện toàn bộ kỹ năng của nhân viên định kỳ và liên tục để đáp ứng được nhu cầu công việc. Khi các công ty tiếp tục áp dụng các công nghệ mới, nhân viên sẽ được yêu cầu cập nhật các kỹ năng của họ để đáp ứng môi trường công nghệ thay đổi. Từ đó, kiến thức và kỹ năng của nhân viên sẽ được nâng cao. Nó cũng tạo rasự nhanh nhẹn và giao tiếp tốt hơn giữa các nhân viên và giữa tất cả các bộ phận trong công ty.

Khuyến khích văn hóa kỹ thuật số, khi một tổ chức, doanh nghiệp có một môi trường kinh doanh số hóa làm tăng năng suất và nó cũng buộc nhân viên thích nghi với mọi thay đổi công nghệ trong công ty. Từ đó, văn hóa kỹ thuật số phát triển sự sáng tạo của nhân viên dẫn đến sự đổi mới. Liên quan đến việc cải thiện bộ kỹ năng, một môi trường kỹ thuật số khuyến khích việc học hỏi liên tục giữa các nhân viên. Ngoài ra, nó giữ cho nhân viên luôn có động lực tự phát triển bản thân.

Đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu nhân viên buộc phải làm quen với công nghệ nhiều hơn để chuyển đổi sang làm việc online, từ ngành giáo dục truyền thống, đến các công ty, tổ chức cũng buộc phải làm việc trực tuyến. Những công ty đã áp dụng công nghệ số từ trước giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn nhờ dữ liệu hồ sơ có sẵn bằng số hóa điện tử. Nhưng những công ty làm việc theo kiểu truyền thống lại gặp không ít khó khăn, khi số liệu trên giấy tờ và lưu trữ tại cơ quan là chính, sự tổng hợp phức tạp cần nhiều người và không thể xử lý công việc nhanh.

Cho phép số hóa sản phẩm, dịch vụ

Sự tiến bộ trong công nghệ, cũng góp phần vào thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Ngày nay, khách hàng muốn hoàn thành công việc nhanh hơn bình thường và họ mua từ công ty có thể thực hiện các quy trình nhanh chóng.

Thông qua chuyển đổi kỹ thuật số, các công ty có thể chuyển đổi hàng hóa hữu hình thành hàng hóa kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đại dịch Covid19: Cơ hội và thách thức cho cuộc cách mạng chuyển đổi số - Ảnh 2.

Trong thời đại ngày nay, sản phẩm, dịch vụ được số hóa càng nhiều, khách hàng chỉ việc vào các trang mua bán điện tử, nhấp từ khóa sản phẩm mình cần, sẽ được cung cấp hàng ngàn mặt hàng cùng chủng loại và đủ giá để lựa chọn. Các trang thương mại điện tử càng hiểu được nhu cầu khách hàng, thì càng phát triển lợi nhuận mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, việc giao hàng nhanh chóng cũng giúp khách hàng hài lòng hơn, từ đó sự ra đời của các công ty vận chuyển, giao hàng buộc phải thay đổi phương thức giao hàng số hóa, để hàng tới tay người tiêu dùng nhanh nhất có thể.

Gia tăng lợi nhuận kinh doanh

Chuyển đổi kỹ thuật số, trong nhiều trường hợp, ảnh hưởng tích cực đến các khía cạnh khác của doanh nghiệp. Nếu quy trình được thực hiện thành công, cơ hội tăng doanh thu là rất cao.

Vì vậy, cải thiện trải nghiệm của khách hàng và sự tham gia dẫn đến lòng trung thành của khách hàng. Đổi lại, khách hàng gắn bó với công ty với nhiều giao dịch hơn. Đồng thời, chuyển đổi kỹ thuật số mở ra cánh cửa cho các kênh và thị trường bán hàng mới.

Bên cạnh đó, áp dụng số hóa còn giúp việc quản lý tài chính trong tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn, chuyên nghiệp và chính xác hơn. Khi số hóa mọi hoạt động trong doanh nghiệp, quá trình tổng hợp phân tích dữ liệu tài chính của doanh nghiệp được chuẩn hóa, từ đó giúp ban lãnh đạo quản lý tài chính và đưa ra quyết định đầu tư nhanh, sáng suốt hơn.

Một ví dụ điển hình trong chuyển đổi số trên thế giới, công ty DuPont khi áp dụng chuyển đổi số đã tiết kiệm 1,6 tỷ USD chi phí cho công nghệ thông tin, gia tăng lợi nhuận vài trăm phần trăm, tạo thêm hàng tỷ USD lợi ích cho tập đoàn; giảm 90% thời gian xử lý đơn hàng; cá nhân hoá cao độ trải nghiệm khách hàng...

Giữ tốc độ cạnh tranh

Có khả năng cạnh tranh là những gì đảm bảo khả năng sống sót của một công ty. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông và biến đổi liên tục của môi trường kinh doanh, cạnh tranh sẽ ngày một khắc nghiệt hơn giữa các công ty. Vì vậy, bằng cách chuyển đổi công ty của bạn thành một doanh nghiệp kỹ thuật số, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ cao hơn và thích nghi được với mọi sự thay đổi trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1 https://consulting.ocd.vn/chuyen-doi-so-la-gi-ban-chat/

2 https://baodautu.vn/anh-huong-covid-

(Bài đăng tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch Covid19: Cơ hội và thách thức cho cuộc cách mạng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO