8 xu hướng định hình TMĐT ở Đông Nam Á (Phần 1)

Hoàng Linh| 05/03/2019 10:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Một báo cáo của ecommerceIQ đã phỏng vấn các nhà lãnh đạo ngành thương mại điện tử (TMĐT) để dự báo các xu hướng của ngành này cho các nhà bán lẻ và thương hiệu trực tuyến ở Đông Nam Á.

1. Chuyển trọng tâm từ thu thập dữ liệu sang sử dụng dữ liệu

Sự khác biệt lớn nhất giữa bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến là khả năng theo dõi, thu thập, giám sát và quản lý thông tin, tất cả ở thời gian thực.

Thông qua các kênh trực tuyến, các thương hiệu có thể truy cập dữ liệu của khách hàng thông qua các cuộc trò chuyện (chat), truyền thông xã hội và trang web của riêng họ. Thông tin này có thể được sử dụng để đưa ra các chiến lược trực tuyến. Trên toàn cầu, 73% thương hiệu có kế hoạch phân bổ ngân sách TMĐT của họ cho các dịch vụ dữ liệu và phân tích trong năm 2019.

Tuy nhiên, dù đã biết tầm quan trọng của dữ liệu, nhiều thương hiệu không có khái niệm về cách sử dụng dữ liệu để trở thành lợi thế của họ. “Hiện nay, không phải tất cả các nhà bán lẻ đều hiểu đầy đủ họ cũng chính là công ty dữ liệu và đây có thể là lý do khiến nhiều công ty đang phải gặp phải vấn đề”, GS. Srikant M. Datar của trường kinh doanh Harvard cho biết.

Thu thập dữ liệu dễ dàng nhưng có tối ưu hóa khả năng phân tích để sử dụng nó hiệu quả là điều hoàn toàn khác.

Cuộc khảo sát của ecommerceIQ đã xác định phân tích dữ liệu là một trong những kỹ năng khó khăn nhất khi tìm kiếm tài năng số ở Đông Nam Á. Các thương hiệu liên tục tìm kiếm các công cụ tổng hợp dữ liệu để hợp nhất thông tin vào một nơi để tiện trích xuất và sử dụng để nhắm mục tiêu, tái nhắm mục tiêu và cá nhân hóa các sản phẩm và dịch vụ.

Reagan Chai, Trưởng phòng Phát triển và thông tin Kinh doanh khu vực tại Shopee cho ecommerceIQ biết việc thu thập dữ liệu cho phép công ty đề ra và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, người bán, đồng thời dự báo trước nhu cầu của khách hàng và dự báo tiềm năng trong tương lai. Công ty đã chứng kiến sự gia tăng lưu lượng truy cập trang web trong năm qua, thậm chí vượt qua cả những đối thủ khác trong khu vực.

Tại Trung Quốc, Alibaba và JD.com đã tiến một bước xa hơn bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập trực tuyến để cải thiện tình trạng hàng tồn kho và các trải nghiệm tại các cửa hàng thực tế của họ. Giám đốc tiếp thị của Alibaba Chris Tung cho biết công ty muốn giúp các thương hiệu tìm được người tiêu dùng phù hợp bằng cách theo dõi họ trên toàn hệ thống của Alibaba.

Đầu năm ngoái, công ty aCommerce đã ra mắt nền tảng phân tích dữ liệu BrandIQ để tăng cường khả năng của họ với tư cách như một đối tác dữ liệu để giúp các thương hiệu tập trung vào dữ liệu khách hàng và cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ tùy chỉnh cho từng nhóm mục tiêu.

Chúng tôi tìm thấy tất cả dữ liệu liên quan đến con người, hành vi của họ, những gì họ thích, những gì họ mua và ràng buộc dữ liệu trực tuyến này với người mua trên thực tế”, Chris kết luận.

Các khả năng của BrandIQ nhằm mục đích nâng cao hiệu suất của thương hiệu trên thị trường trực tuyến

Điều này khiến các thương hiệu có hai lựa chọn: thứ nhất là tìm cách để sử dụng dữ liệu hiệu quả nhất hoặc tiếp tục tìm kim trong đống cỏ khô.

2. Cửa hàng bán hàng mới trên các kênh thương mại xã hội

Thương mại xã hội (social commerce) trong khu vực đã bùng nổ trước khi TMĐT nổi lên như chúng ta biết hiện tại.

Các nhóm Facebook tự thành lập một không gian trực tuyến nơi mọi người kết nối để mua và bán hàng hóa, ngay cả trước khi ra mắt tính năng Marketplace, tính năng phục vụ cho nhu cầu mua bán, trao đổi dành cho các tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Sự tăng trưởng TMĐT nhanh chóng ở Đông Nam Á được thúc đẩy bởi sự phổ biến của điện thoại di động, nơi 90% dân số trực tuyến truy cập Internet thông qua điện thoại thông minh. Đối với một số người, Facebook là Internet.

Với vô số khách hàng tiềm năng tập trung trên các nền tảng truyền thông xã hội, các thương hiệu đương nhiên là nhìn thấy các kênh bán hàng thay thế. Nối tiếp Facebook, các nền tảng xã hội như Instagram và Pinterest cũng đã phát triển các tính năng mua sắm của riêng họ.

Các thương hiệu sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu họ không có sự hiện diện trên phương tiện truyền thông xã hội. Cách tốt nhất để nhận phản hồi từ người tiêu dùng là trao đổi trực tiếp”, ông Deb Deb Liu, Phó Giám đốc phụ trách Facebook Marketplace nói với Forbes.

LINE gần đây đã mua lại một công ty khởi nghiệp quản lý thương mại xã hội có tên Sellsuki ở Thái Lan, nơi có số người dùng lớn thứ hai ở Đông Nam Á, để xây dựng một nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh TMĐT của mình. Công ty cũng đã thành lập một liên doanh với ba ngân hàng địa phương để cung cấp các khoản vay cá nhân cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME).

Một vài thương hiệu lớn như L'Oreal đã trang bị cho trang truyền thông xã hội của họ tính năng “Cửa hàng” (Shop) cho phép người tiêu dùng đặt hàng trực tiếp trên trang và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nhiều thương hiệu kích hoạt các nền tảng như một kênh bán hàng của họ và loại bỏ khâu trung gian giữa họ và người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có thể mua các sản phẩm L’Oreal trên trang Facebook của họ được hỗ trợ thông qua ứng dụng Messenger cho đến khi hoàn tất tất thanh toán.

3. Sàn giao dịch tạo ra nhiều dịch vụ mới để khác biệt

Một điều mà các công ty TMĐT thành công trong khu vực có điểm chung là toàn quyền kiểm soát chuỗi cung ứng của họ.

Đầu tư của JD.com vào việc phát triển chuỗi cung ứng của riêng họ cho phép họ mở rộng quy mô công nghệ của họ và đưa ra đề xuất Bán lẻ dưới dạng dịch vụ (Retail-as-a-Service) để giúp các nhà bán lẻ hoặc thương hiệu khác bán hàng trực tuyến. Alibaba không có đối thủ về hệ sinh thái rộng lớn, bao gồm một mạng lưới logistics Cainiao, một công ty thanh toán Ant Financial, chưa kể đến sự đột phá gần đây của Alibaba vào ngành công nghiệp giải trí.

Thực tế tương tự đã xâm nhập vào Đông Nam Á. Lazada đã tăng cường chi nhánh logistics FBL (Được Lazada thực hiện) sau khi mua lại. Trong khi đó, dù chưa có kế hoạch cụ thể nào được tiết lộ, Shopee đã bày tỏ ý định xây dựng mạng lưới logistics của riêng mình.

Nhiều sàn giao dịch (e-marketplace) đang xuất hiện với các dịch vụ mới để thu hút thêm người bán hàng tham gia. Qoo10 của Singapore chuẩn bị ra mắt trang web TMĐT QuuBee dựa trên blockchain trong năm nay, tận dụng công nghệ blockchain để loại bỏ phí giao dịch và niêm yết, từ đó làm tăng biên lợi nhuận của nhà bán lẻ và tạo ra cách tiếp cận thương mại bền vững hơn.

Tại Indonesia, Tokopedia được thiết lập để cung cấp cơ sở hạ tầng như là một dịch vụ với mức thu hút rót vốn 1,1 tỷ USD mới. Họ cũng có kế hoạch sử dụng AI cho các dịch vụ chăm sóc khách hàng và tiến hành kiểm tra tín dụng đối với các thương nhân tìm kiếm khoản vay để mở rộng kinh doanh.

Facebook cũng cho thấy nhiều ý định nhảy vào nhóm các công ty TMĐT. Mạng xã hội này đã ra mắt tính năng Marketplace ở Thái Lan và Singapore mà không cần quảng bá nhiều, nhưng sự hợp tác gần đây với Ngân hàng Kasikorn ở Thái Lan để cho phép thanh toán trong ứng dụng có thể là sự khởi đầu của nỗ lực của công ty để tăng cường khả năng thương mại của mình và phục vụ cho những người sử dụng nền tảng này cho DN của họ.

Facebook hợp tác với Ngân hàng Thái Lan Kasikorn cho phép chuyển khoản và thanh toán thẻ trên Facebook Messenger

Thực tiễn nãy không chỉ được các sàn giao dịch nói chung thực hiện. Sàn giao dịch thời trang điện tử Zilingo đã thu hút được 226 triệu USD cho trọng tâm mới của họ là xây dựng một mạng lưới chuỗi cung ứng thời trang mà bất kỳ ai, thương nhân nhỏ hoặc nhà bán lẻ lớn đều có thể tham gia.

"Chúng tôi bắt buộc phải xây dựng các sản phẩm giới thiệu máy học và khoa học dữ liệu một cách hiệu quả cho các SME dễ sử dụng, được chấp nhận và có thể mở rộng quy mô nhanh chóng. Chúng tôi đã củng cố lại chuỗi cung ứng để có thể tăng thêm nhiều giá trị nhất", Giám đốc kỹ thuật của Zilingo Dhruv Kapoor cho TechCrunch biết.

4. Các đánh giá và nội dung do người dùng tạo ra

Các sàn giao dịch ở Đông Nam Á đã được nâng cấp và xây dựng các tiện ích bổ sung mang đến cho người tiêu dùng sự tiện lợi tối đa. Việc tìm kiếm công nghệ vẫn tiếp tục được thực hiện để có thể nâng cao trải nghiệm người dùng.

Lazada đã giới thiệu một tính năng tìm kiếm hình ảnh được AI hỗ trợ cho phép người mua hàng chụp ảnh một mặt hàng và nền tảng sẽ đề xuất các mặt hàng tương tự có sẵn

Người tiêu dùng trực tuyến bắt đầu hành trình mua hàng trực tuyến của họ bằng cách tìm kiếm thông tin sản phẩm hoặc đọc các nhận xét, thường là trên các nền tảng sàn giao dịch, trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Họ đang tìm kiếm các ý kiến thực tế và đánh giá do người dùng tạo ra để xác thực các sản phẩm.

Thói quen để lại đánh giá sản phẩm trên các nền tảng TMĐT không phổ biến ở Đông Nam Á như ở Mỹ - Amazon thậm chí còn có một trang dành riêng cho những người đánh giá hàng đầu - và khi họ đánh giá, các đánh giá thường chứa ít thông tin về sản phẩm và nhiều thông tin hơn về khía cạnh khác của việc mua hàng (tức là thời gian giao hàng, đóng gói...).

Mặc dù việc sử dụng chatbot là một giải pháp ngày càng phổ biến để giúp trải nghiệm khách hàng trực tuyến trở nên dễ dàng hơn, nhưng nó phù hợp hơn cho các câu hỏi chung chung như “đơn đặt hàng của tôi ở đâu?” hoặc “Đây là sản phẩm có sẵn?” Thay vì các câu hỏi được cá thể hóa như thế này “Son môi trông đẹp trên da tông vàng?

Người tiêu dùng ngày nay muốn nghe phản hồi và các đánh giá chính hãng về một sản phẩm và trở nên ác cảm hơn với các biện pháp ép bán. Các đánh giá (do người dùng tạo ra), đặc biệt là từ những người có cùng niềm đam mê với họ, đã chứng minh làm tăng sự chuyển đổi tốt hơn cho thương hiệu”, Edouard Steinert, Giám đốc quản lý kênh tại aCommerce Thái Lan cho biết.

(Còn tiếp)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
8 xu hướng định hình TMĐT ở Đông Nam Á (Phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO