APEC thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu

TH| 30/08/2018 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nền kinh tế APEC tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc thực hiện cải cách cơ cấu, nhằm mở rộng các cơ hội và thúc đẩy bao trùm trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là kết quả được đưa ra trong báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu (RAASR - Renewed APEC Agenda for Structural Reform) do Đơn vị Hỗ trợ chính sách APEC thực hiện để đánh giá các cải cách cơ cấu đang được tiến hành trong khu vực APEC và tìm kiếm những mục tiêu cho kế hoạch hành động tương lai.

Theo Ủy ban Kinh tế APEC, cải cách cơ cấu nhằm mục tiêu sử dụng chính sách để xóa bỏ các rào cản mà kìm hãm con người và các cơ hội kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.

Ông Robert Logie, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của APEC cho biết: “Cải cách cơ cấu có nghĩa là thúc đẩy cạnh tranh, giúp việc thiết lập và điều hành một doanh nghiệp dễ dàng hơn trong khi đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận các dịch vụ cần thiết”. Theo ông, những cải cách này làm cho thị trường hoạt động tốt hơn, qua đó giúp đạt được các mục tiêu lớn khác.

Ông Robert Logie nhấn mạnh rằng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu được khởi xướng dựa trên bối cảnh tăng trưởng kinh tế không đồng đều và sự gia tăng chênh lệch thu nhập. “Thu nhập bình quân đầu người trong khu vực đã tăng lên và mức nghèo tuyệt đối đã giảm”, Logie cho biết.

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, sự bất bình đẳng mở rộng có thể cản trở tăng trưởng dài hạn và phát triển kinh tế bền vững, làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy thương mại quốc tế.Cải cách cơ cấu có tiềm năng mang lại cho tất cả các phân khúc của xã hội một cơ hội tăng trưởng kinh tế và do đó cải thiện sự bao trùm.

Chương trình cải cách cơ cấu của APEC gồm ba trụ cột: 1) phát triển các thị trường mở, minh bạch và cạnh tranh hơn; 2) tăng cường sự tham gia của tất cả các phân khúc xã hội; và 3) thiết lập các chính sách xã hội bền vững.

Theo ông Andre Wirjo, đồng tác giả báo cáo, Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu cho phép mỗi nền kinh tế lựa chọn các ưu tiên cải cách cơ cấu của riêng mình.

“Tất cả 21 nền kinh tế đều tham gia. Họ đã cung cấp thông tin cập nhật về 80 ưu tiên và 172 hành động liên quan đến các cam kết khác nhau từ cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm rào cản hành chính trên thị trường và đảm bảo sự phù hợp của giáo dục với các nhu cầu thị trường", ông Andre Wirjo cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cho thấy vẫn còn nhiều hành động cần thực hiện tiếp theo, bao gồm các công việc để đẩy mạnh thị trường như cải thiện các quy định kinh doanh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động cũng như thúc đẩy sự bao trùm chẳng hạn cải thiện quyền tiếp cận các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cơ bản của người dân.

"Đánh giá cho thấy rằng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để tăng cường hơn sự tham gia của các phân khúc xã hội trong thị trường… Cần đẩy mạnh hơn nữa để xóa bỏ các rào cản đối với sự tham gia của phụ nữ, thanh thiếu niên và các doanh nghiệp nhỏ trong nền kinh tế”, ông Andre Wirjo nhấn mạnh.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu được trình bày tại Hội nghị Quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan được tổ chức tại thủ đô Port Moresby, Pa-pua Niu Ghi-nê (PNG) từ ngày 04 đến ngày 20/8/2018.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
APEC thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua cải cách cơ cấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO