Sau 5 ngày làm việc hiệu quả, tích cực (2 - 6/8/2021), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) diễn ra theo hình thức trực tuyến đã thành công tốt đẹp với nhiều kết quả được ghi nhận. Hội nghị ANM lần thứ 54 với chủ đề "Chúng tôi quan tâm, chúng tôi chuẩn bị, chúng tôi thịnh vượng", tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc quan tâm đến người dân và chuẩn bị cho những cơ hội và thách thức trong tương lai, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững vì sự thịnh vượng chung trong khu vực.
Hội nghị ANM lần thứ 54 đã tổng kết các hoạt động ASEAN trên 3 trụ cột: Xây dựng cộng đồng ASEAN, Cộng đồng an ninh chính trị và Cộng đồng kinh tế.
Chuyển đổi số trong ASEAN diễn ra mạnh mẽ
Về trụ cộng cộng đồng ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã nhấn mạnh chuyển đổi số trong khu vực diễn ra với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra, chứng kiến việc áp dụng nhanh chóng các công nghệ số trong các nền kinh tế và xã hội. Các Bộ trưởng đánh giá cao tiến bộ trong việc xây dựng Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) cho ASEAN và sẽ đệ trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 để xem xét.
Về ứng phó với đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng bày tỏ quan tâm sâu sắc đến việc ASEAN tiếp tục gặp phải những tổn thất về con người cũng như những tác động kinh tế xã hội sâu sắc do COVID-19. Đồng thời, các Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực không ngừng của chính phủ các nước thành viên ASEAN cũng như cách tiếp cận toàn Cộng đồng của ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm ứng phó với COVID-19 và phục hồi nhanh chóng.
Các Bộ trưởng ghi nhận vai trò điều phối quan trọng của ACC và hoạt động tích cực của Nhóm công tác của Hội đồng điều phối ASEAN về các tình hình khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng (ACCWG-PHE), cũng như hoạt động của cơ quan y tế ASEAN và các cơ quan ban ngành khác có liên quan; Sự đoàn kết và khả năng của ASEAN trong việc giải quyết những thách thức chưa từng có của đại dịch theo phương thức phối hợp đa ngành, xuyên trụ cột và đa bên.
Các Bộ trưởng thống nhất sự cần thiết phải tăng cường sản xuất và phân phối vắc-xin trong khu vực, kêu gọi tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác của ASEAN trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin, cung cấp khả năng tiếp cận công bằng đối với thuốc chữa COVID-19, sẵn sàng vắc-xin COVID- 19 với giá cả phù hợp cho tất cả cộng đồng tương tự như hàng hóa thiết yếu, cũng như chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khác trong tương lai.
Trong trụ cột này, các Bộ trưởng cũng đã đề cập đến mạng lưới thành phố thông minh (TPTM) ASEAN (ASCN). Theo đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASCN như một nền tảng thúc đẩy hợp tác phát triển TPTM và bền vững trong khu vực thông qua các giải pháp công nghệ và sáng tạo. "Chúng tôi đồng thuận vai trò quan trọng của các thành phố và sự đổi mới đô thị trong quá trình phục hồi sau đại dịch của khu vực, khuyến khích sự hiệp đồng các nỗ lực của ASCN với các sáng kiến đô thị đang triển khai khác, chẳng hạn như Chiến lược bền vững ASEAN (ASEAN Sustainable Strategy - ASUS) trong khuôn khổ MPAC 2025".
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh công việc của ASCN trong việc phát triển cổng thông tin trực tuyến và bộ công cụ đầu tư TPTM, nhằm tăng cường quan hệ đối tác trong việc cung cấp các dự án TPTM, chia sẻ các thực tiễn tốt và thu hẹp khoảng cách về nguồn lực. "Chúng tôi cũng hoan nghênh các nước đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài khác tiếp tục tham gia tích cực vào ASCN, phù hợp với Hướng dẫn về Tương tác của ASCN với các đối tác bên ngoài".
Trụ cột cộng đồng an ninh chính trị khẳng định xây dựng môi trường CNTT-TT mở, an toàn
Về nội dung trụ cột an ninh chính trị, các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến bộ trong hợp tác an ninh mạng ASEAN và tái khẳng định cam kết xây dựng một môi trường CNTT-TT mở, an toàn, ổn định, dễ tiếp cận, tương tác và hòa bình trong ASEAN trước những mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng trong lĩnh vực mạng.
Các Bộ trưởng ghi nhận bản chất xuyên biên giới của an ninh mạng, hoan nghênh việc thành lập Ủy ban điều phối an ninh mạng ASEAN liên ngành và xuyên trụ cột (ASEAN Cyber-CC), đã tổ chức Hội nghị đầu tiên vào tháng 11/2020 và đề xuất xây dựng Kế hoạch hành động khu vực về việc thực hiện các chuẩn mực về hành động cấp nhà nước có trách nhiệm trên không gian mạng, nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên ASEAN ưu tiên thực hiện 11 chuẩn mực dựa trên sự sẵn sàng và lợi ích của các quốc gia.
Các Bộ trưởng cũng ghi nhận vai trò của các hoạt động an ninh mạng và các chương trình đào tạo của Trung tâm An ninh mạng ASEAN-Singapore (ASCCE) tại Singapore và Trung tâm Nâng cao năng lực An ninh mạng ASEAN Nhật Bản (AJCCBC) tại Bangkok trong việc bổ sung cho các nỗ lực hiện có của ASEAN trong việc nâng cao năng lực an ninh mạng.
Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng tới cộng đồng số
Các Bộ trưởng cam kết hỗ trợ việc hiện thực hóa kịp thời các sản phẩm kinh tế ưu tiên (Priority Economic Deliverables - PED) của Brunei Darussalam theo Trụ cột cộng đồng kinh tế (AEC), được chia thành ba lực đẩy chiến lược là Phục hồi, Kỹ thuật số hóa và Sự bền vững. "Chúng tôi vẫn tự tin rằng, bất chấp những thách thức bởi đại dịch COVID-19, ASEAN sẽ không bị cản trở trong việc hiện thực hóa các PED này như các mục tiêu đã được đề ra".
Các Bộ trưởng quan tâm tới sự phát triển trong tương lai của PED về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định ASEAN về Thương mại Điện tử (TMĐT) 2021-2025, nhằm thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả Hiệp định ASEAN về TMĐT trong 5 năm tới cả ở cấp khu vực và quốc gia, do đó mở đường cho ASEAN chuyển mình thành một cộng đồng số hàng đầu.
Các Bộ trưởng cũng mong muốn Hiệp định ASEAN về TMĐT được phê chuẩn hoàn chỉnh và có hiệu lực kịp thời. Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc hoàn thiện Kế hoạch hành động khu vực về việc thực hiện các chuẩn mực về hành động cấp nhà nước có trách nhiệm trên không gian mạng để tạo điều kiện cho ASEAN hướng tới tương lai trong lĩnh vực mới nổi này.
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc ra mắt hệ thống thanh toán bán lẻ theo thời gian thực Singapore - Thái Lan liên kết xuyên biên giới, đây là một cột mốc quan trọng cho kết nối thanh toán trong việc hỗ trợ thúc đẩy số hóa của ASEAN và cho phép tài chính bao trùm trong khu vực.
"Chúng tôi mong muốn mở rộng hơn nữa mối liên kết song phương này thành một mạng lưới các hệ thống thanh toán bán lẻ được liên kết trên toàn ASEAN", các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh./.