"Bí mật" nào trong nền tảng khai phá dữ liệu của Viettel?

NK| 30/08/2022 15:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ ý tưởng đến thực tiễn chỉ có 3 năm, chính thức ra mắt thị trường 1 năm nhưng nền tảng khai phá dữ liệu (DMP - Data Mining Platform) của Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) đã có những bước phát triển nhảy vọt.

Nằm trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) của Viettel, Viettel DMP là nền tảng khai phá dữ liệu đầu tiên do các chuyên gia Việt Nam phát triển cho doanh nghiệp (DN) trong nước với khả năng hỗ trợ xử lý, phân tích lượng dữ liệu tăng lên từng ngày. DMP cũng có thể giúp dự báo và phân tích rủi ro, phát hiện bất thường trong quản lý, từ đó đưa ra đề xuất giúp DN cải tiến quy trình, tối ưu hóa lưu trữ và nâng cao năng suất lao động lên đến 35%.

DMP thường được miêu tả một cách dân dã là giải pháp giúp DN "biến dữ liệu thành tiền". Tuy vậy, ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc sản phẩm DMP thuộc Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết: "Chúng tôi không nói vấn đề "tiền" với khách hàng, chỉ dùng các con số định lượng để khách hàng hiểu được khi dùng DMP sẽ được những lợi ích như thế nào".

Đâu là sự khác biệt của giải pháp DMP Viettel?

Giám đốc Sản phẩm Viettel Data Mining Platform – Lê Quốc Đạt

Nói về những sự khác biệt giải pháp DMP của Viettel so với các giải pháp tương tự trên thị trường, ông Đạt cho rằng, đầu tiên, Viettel có lợi thế là một trong những tập đoàn giàu kinh nghiệm trong chuyển đổi số, từ chính quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn Viettel và trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là khu vực nhà nước hay các DN lớn.

Khác biệt thứ 2 đến từ phần mềm của Viettel Cyberspace được Việt hóa 100%, tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu của người Việt. Các tính năng hỗ trợ của phần mềm đều bằng tiếng Việt và người dùng dễ dàng tiếp cận được mà không cần biết tiếng nước ngoài.

Ngoài ra, thay vì phải tập hợp nhiều giải pháp lẻ khác nhau thì DMP của Viettel Cyberspace là giải pháp tổng hợp bao gồm tất cả các bước liên quan đến khai phá hay thu thập dữ liệu nếu có. Viettel Cyberspace sẵn sàng triển khai cho khách hàng theo mọi cách mà họ mong muốn. Giả sử họ có hạ tầng, Viettel Cyberspace sẽ cài trên hạ tầng của họ; còn nếu không có sẽ cung cấp DMP dưới dạng dịch vụ. Mục tiêu để sản phẩm được sử dụng bởi nhiều người nhất có thể.

Còn về "yếu điểm" của giải pháp, theo ông Đạt, khi mà các ông lớn trên thế giới như Amazon, Google đều cung cấp giải pháp lớn về dữ liệu nên họ có mức độ trưởng thành hơn so với Viettel Cyberspace.

"Nhưng thế mạnh của Viettel Cyberspace là đi sau nên chúng tôi có góc nhìn riêng. Khi triển khai cho khách hàng, chúng tôi đều may đo theo nhu cầu của họ. Đặc biệt là giải pháp của các ông lớn nước ngoài không hỗ trợ về ngôn ngữ vì thị trường Việt Nam nhỏ trong khi Viettel Cyberspace hỗ trợ đầy đủ", ông Đạt nói.

Những vị khách nội bộ khó tính buộc DMP chỉ được "tối trở lên"

Các đơn vị của Viettel rất chặt chẽ về mặt quy trình, cầu kỳ về sản phẩm. Như thế, nội bộ Viettel chính là khách hàng khó tính bậc nhất để mình rèn luyện.

Lý giải về việc các khách hàng nội bộ Viettel là những người thử nghiệm tốt nhất cho sản phẩm trước khi mang ra áp dụng cho bên ngoài, theo ông Đạt, Viettel là một tập đoàn lớn và trong tập đoàn không hề có sự cả nể với nhau. Các đơn vị của Viettel rất chặt chẽ về mặt quy trình, cầu kỳ về sản phẩm. Như thế, nội bộ Viettel chính là khách hàng khó tính bậc nhất để mình rèn luyện. Thậm chí khi Viettel Cyberspace cung cấp dịch vụ cho những DN quy mô lớn bên ngoài hay các cơ quan của bộ, ngành… cũng chưa chắc gặp phải những bài toán khó như ở các đơn vị Viettel.

"Khi gặp "ông" khách hàng khó tính mà chúng ta giải quyết được, thì rõ ràng chúng ta trưởng thành rất nhanh, rất mạnh. Việc phục vụ tốt khách hàng nội bộ giúp sản phẩm của Viettel Cyberspace khi đến tay khách hàng bên ngoài sẽ tối thiểu ở mức độ tốt", ông Đạt nhấn mạnh.

Hệ thống báo cáo trực quan của DMP

Trong năm 2022, Viettel Cyberspace tìm kiếm cơ hội ở nhóm khách hàng bộ, ban, ngành, chính quyền tỉnh, nhóm tổ chức và DN trong lĩnh vực công. Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu về chuyển đổi số rất lớn.

"Một số dự án lớn mà Viettel Cyberspace đang được triển khai cho đối tượng trên có thể đề cập tới là dự án DMP cho Bộ Công thương và Bộ Giao thông Vận tải", ông Đạt dẫn chứng.

Việc biến dữ liệu thành tiền phụ thuộc 70% vào chính DN

Với DMP, chỉ bằng một vài cái click chuột, các thông số trên bảng biểu, biểu đồ sẽ giúp người lãnh đạo nhìn thấy số liệu chi tiết đến các đơn vị nhỏ nhất trong công ty, nội bộ tổ chức. Đó là sự thay đổi gần như toàn diện về mặt chỉ đạo điều hành của tổ chức.

Khi được hỏi về những thay đổi của khách hàng khi triển khai giải pháp DMP của Viettel Cyberspace, ông Đạt cho biết, kỳ vọng của công ty khi triển khai DMP cho khách hàng là tự động hóa toàn bộ các công việc thủ công. Sản phẩm đi lên từ dữ liệu và giúp đỡ họ chuẩn hóa luồng quy trình làm việc.

Việc báo cáo trước đây phải qua nhiều tầng từ cấp dưới lên cấp trên, có thể làm sai lệch thông tin dẫn đến việc người lãnh đạo đưa ra quyết định thiếu chính xác. Với DMP thì chỉ bằng một vài cái click chuột, các thông số trên bảng biểu, biểu đồ sẽ giúp người lãnh đạo nhìn thấy số liệu chi tiết đến các đơn vị nhỏ nhất trong nội bộ của tổ chức mình. Đó là sự thay đổi gần như toàn diện về mặt chỉ đạo điều hành của tổ chức.

Có những tập đoàn đã xây dựng phần mềm ứng dụng trong quản lý khách hàng, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh từ trước. Rất khó để tự nhiên Viettel Cyberspace đem một phần mềm mới đến thay thế mà không ảnh hưởng đến hoạt động vận hành. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp của Viettel Cyberspace là lưu trữ ở kho dữ liệu lớn. Bởi vì, dữ liệu của khách hàng dù đặt ở bất kỳ đâu thì mình vẫn có thể thu thập về một cái kho, và kho đó dùng cho việc báo cáo chỉ đạo điều hành hoặc dùng để cung cấp dữ liệu phục vụ cho những công việc khác.

"Nói chung, tùy theo nhu cầu thực tế và quy mô tổ chức của khách hàng, chúng tôi đưa ra giải pháp phù hợp nhất", ông Đạt cho biết thêm.

Một số ý kiến cho rằng, DMP thường được miêu tả một cách "dân dã" là giải pháp biến dữ liệu thành tiền. Về vấn đề này, theo ông Đạt, Viettel Cyberspace, ít khi nói đến vấn đề này với khách hàng bởi vì công ty không ở vị thế hứa được với họ về điều đó. Lợi ích "biến dữ liệu thành tiền" mà giải pháp mang lại chỉ phụ thuộc khoảng 20-30% vào đơn vị cung cấp dịch vụ như Viettel Cyberspace, còn 70% là từ chính họ.

Thay vào đó, khi làm việc với khách hàng, Viettel Cyberspace thường tập trung vào những gì định lượng được, ví dụ khi áp dụng quy trình công ty đưa ra thì khách hàng sẽ tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm sức lao động, tiết kiệm bao nhiêu bước, bao nhiêu thời gian...

Công ty cũng đối chiếu dữ liệu lịch sử của khách hàng để chứng minh mô hình phân tích dự báo của Viettel Cyberspace đạt tỷ lệ chính xác 80-90% để khách hàng tin tưởng.

Về những khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai DMP cho khách hàng, ông Đạt khẳng định, đó là những thứ mà mình không nhìn thấy được trong quá trình thực hiện, dù Viettel Cyberspace đã xây dựng DMP trở thành một nền tảng mà khách hàng nào cũng sử dụng được.

Nếu không nhìn thấy hết các vấn đề, không đánh giá được đúng và đủ nhu cầu của khách hàng trước khi triển khai thì sẽ đem lại rất nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty, của Tập đoàn Viettel cũng như làm mất lợi ích của khách hàng. "Tuy nhiên, điều may mắn là đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa rơi vào tình trạng phải tạm dừng, rút lui vì nằm ngoài khả năng phục vụ do chưa lường hết được những rào cản trong quá trình triển khai", ông Đạt kết luận./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Bí mật" nào trong nền tảng khai phá dữ liệu của Viettel?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO