Bộ TT&TT triển khai nhiều biện pháp xử lý các loại rác viễn thông

Lan Phương| 07/07/2020 14:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã nêu rõ nhiều mục tiêu quản lý nhà nước về viễn thông trong 6 tháng cuối năm 2020 tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT ngày 6/7.

Xử lý căn bản các loại rác viễn thông cuối năm 2020 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phan Tâm: Tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo DN viễn thông nếu vẫn còn tiếp diễn tình trạng SIM rác

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết đến hết năm nay, Bộ TT&TT quyết tâm xử lý một cách căn bản các loại rác viễn thông, tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) viễn thông nếu vẫn còn tiếp diễn tình trạng SIM rác trên thị trường.

Mới đây, Cục Viễn thông đã có công văn số 2568/CVT-TNTK ngày 29/6 về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác gửi các DN cung cấp dịch vụ viễn thông. Đây là biện pháp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi quấy rối (cuộc gọi rác) gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người dân có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (người sử dụng dịch vụ viễn thông) và bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững, lành mạnh.

Theo đó, Cục Viễn thông cùng các DN thống nhất 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ; đặc điểm hành vi sử dụng. Các tiêu chí này được sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu (big data) và máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác.

Cùng với các tiêu chí trên, Cục Viễn thông cũng đưa ra cách thức để nhà mạng ngăn chặn cuộc gọi rác theo 4 bước. Trong đó, sau khi nghi ngờ thuê bao phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng đã nhận cuộc gọi nghi ngờ có hành vi thực hiện cuộc gọi rác (thu thập qua tin nhắn và khách hàng có thể trả lời bằng cách nhấn nút có hoặc không).

Các nhà mạng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác để bảo vệ người tiêu dùng (được quy định tại Điểm b, a và d, Khoản 2, Điều 13, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Theo đó, nhà mạng xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng. Từ chối cho tổ chức, cá nhân, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý nếu việc sử dụng có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng. Ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp DN viễn thông không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Ngoài ra, Cục Viễn thông cũng nêu rõ, theo Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 3/1/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về định hướng phát triển ngành năm 2020, việc xử lý căn bản các loại rác viễn thông (SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác) là trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, DN viễn thông để phát triển thị trường bền vững, lành mạnh.

Phát triển hạ tầng số thế hệ mới

Cũng tại Hội nghị, định hướng phát triển lĩnh vực viễn thông 6 tháng cuối năm 2020, Bộ TT&TT đã xác định phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới hay còn gọi là hạ tầng số với hạ tầng viễn thông siêu băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây. Đây chính là hạ tầng quan trọng nhất cho kinh tế số.

Theo đó, từ nay cho đến hết năm 2020, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ hướng dẫn để 100% các địa phương lập kế hoạch phát triển hạ tầng phát triển viễn thông thế hệ mới, trong đó nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động lên đến khoảng 20%.

Bộ TT&TT cũng sẽ thúc đẩy các DN viễn thông, các DN sản xuất smartphone và các DN công nghệ số nói chung để hợp tác với nhau đảm bảo mỗi người dân sẽ có 1 smartphone, Mỗi một hộ gia đình có 1 đường cáp quang, tạo điều kiện tốt cho chuyển đổi số, thực hiện kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.

Ngay trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ cho phép các DN viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 5G đến các khu công nghiệp CNTT tập trung, các khu công nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm tỉnh, thành phố lớn. Bộ TT&TT hướng tới mục tiêu triển khai thương mại mạng 5G "Make in Vietnam" trong tháng 10.

Xử lý căn bản các loại rác viễn thông cuối năm 2020 - Ảnh 2.

VinSmart phát triển thành công smartphone Aris 5G. Sản phẩm được giới thiệu tại triển lãm "Make in Vietnam" tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ TT&TT

Kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2020của lĩnh vực Viễn thông

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tính đến tháng 5/2020, do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 (đặc biệt là trong tháng 4/2020), tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 52.849,43 tỷ giảm 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ "giãn cách xã hội" doanh thu dịch vụ viễn thông tháng 5/2020 đã có sự tăng trưởng so với tháng 4 (dù vẫn giảm 1,7% so với tháng 5/2019) khi tổng doanh thu đạt 10.259,93 tỷ tăng 4,47% so với tháng trước.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT đã thống nhất với các DN viễn thông về việc thử nghiệm triển khai thử nghiệm QoE (chất lượng trải nghiệm) sử dụng công cụ do VNNIC phát triển để đo, đánh giá về tốc độ truy nhập

Internet, theo đó các DN đã thống nhất ủng hộ và đồng hành với quá trình thử nghiệm của Bộ. Đây là lần đầu tiên thực hiện quản lý chất lượng theo hình thức này.

Bộ cũng đã hướng dẫn DN viễn thông di động trong quá trình cung cấp dịch vụ MultiSim; yêu cầu các DN đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ việc tổ chức trực tuyến Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36; Chỉ đạo các DN viễn thông có hạ tầng mạng lưới khẩn trương, nghiêm túc thực hiện di dời các công trình viễn thông nằm trong phạm vi xây dựng một số đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Các DN viễn thông di động cũng được chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong áp dụng công nghệ AI vào nhận diện người đến đăng ký thông tin thuê bao; chấn chỉnh hoạt động quản lý thông tin thuê bao của các DN viễn thông di động và tổ chức họp với các DN yêu cầu tăng cường các hoạt động quản lý thông tin thuê bao trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Viễn thông đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN viễn thông có vi phạm về quản lý thông tin thuê bao, phí kho số viễn thông. Tổng số tiền xử phạt là 541.368.000 đồng.

Tỷ lệ chuyển mạng thành công dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đạt hơn 80%. Tỷ lệ thuê bao chưa chuyển được mạng là gần 20%, trong đó: 96% (16% tổng số thuê bao đã đăng ký chuyển mạng) là các thuê bao bị từ chối đúng quy định (theo Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT ngày 23/11/2017 và Quy trình nghiệp vụ chuyển mạng đã được các DN thống nhất và ban hành như thuê bao đang tham gia các gói cước ưu đãi hoặc tham gia chương trình mua máy trả góp, tham gia các chương trình khuyến mại hoặc chưa đáp ứng các điều kiện chuyển mạng như thông tin thuê bao chưa cập nhật đầy đủ, còn nợ cước, ....).

Tỷ lệ các nhà mạng từ chối sai (tức là thuê bao đủ điều kiện chuyển mạng nhưng nhà mạng đưa ra lý do không đúng với các quy định về điều kiện chuyển mạng) là khoảng 4%. Với tập thuê bao này, Bộ đã kiểm tra, đối soát hàng ngày và yêu cầu DN phải thực hiện việc chuyển mạng ngay sau khi đối soát xác định là từ chối sai.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT triển khai nhiều biện pháp xử lý các loại rác viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO