Chuyển đổi nửa vời có làm vơi khủng hoảng của doanh nghiệp lữ hành?

28/06/2021 11:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Đứng trước xu thế toàn cầu hóa và trào lưu công nghệ 4.0, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ đã và đang phải gồng mình để tiệm cận với chuyển đổi số bởi hoạt động này hiện được xem là yếu tố quyết định để một công ty du lịch có thể tồn tại được hay không. Mặc dù quan trọng là vậy song không ít các doanh nghiệp cũng đang chỉ dừng lại ở việc hiểu “nửa vời” và chuyển đổi “nửa vời” bởi “trận sóng thần COVID-19” đã khiến họ mệt nhoài khi cứ miệt mài xây lâu đài trên cát.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn của các hãng lữ hành

Toàn cầu hóa là sự “thu nhỏ” địa cầu bởi tốc độ giao tiếp, bởi sự xuyên thấu vào nhau cũng như tương thuộc lẫn nhau về thông tin, bởi quá trình “Internet hóa” nhiều mặt trong đời sống hiện tại - đó là hệ quả rút ra từ“sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật” (Trích trong cuốn Toàn cầu hóa - những biến đổi lớn trong đời sống chính trị quốc tế và văn hóa của tác giả Phạm Thái Việt). Qua khái niệm trên chúng ta có thể thấy Internet đã khiến du khách dễ dàng tiếp cận thông tin xuyên biên giới, và điều quan trọng là xu hướng tất yếu này đã làm thay đổi căn bản hành vi tiêu dùng của rất nhiều du khách. Khác so với trước đây rất khó có thể tự đi du lịch ở những nơi xa lạ thì ngày nay “thượng đế” chỉ việc lướt web là có thể ra hết thông tin nên đi đâu hay, ăn gì ngon, ở chỗ nào đẹp và tới đó bằng cách nào là thuận tiện nhất.

Chuyển đổi nửa vời có làm vơi khủng hoảng của doanh nghiệp lữ hành? - Ảnh 1.

Ảnh: guiihermepocai.com

Sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật đã làm xóa nhòa các ranh giới và kết nối vạn vật lại với nhau. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông minh, du khách đã có một người hướng dẫn viên vô cùng trí tuệ bên mình. Người hướng dẫn viên với bộ óc và trí tuệ nhân tạo này không chỉ chứa đựng vô vàn thông tin chính xác, hấp dẫn mà còn là một người chỉ đường chuẩn xác. Hơn nữa, cũng chính nhờ chiếc điện thoại thông minh này mà mọi việc thanh toán cũng trở nên vô cùng dễ dàng, chính xác đến từng xu và lại không phải tiếp xúc với tiền mặt - một thứ mà ai cũng hiểu là hoàn toàn không hề sạch sẽ gì nhất là vào thời điểm dịch bệnh đang hoành hành như hiện nay.

Có thể nói toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và vui chơi. Nó đã khiến nhiều công việc truyền thống như: trực tổng đài, lái xe taxi, xe ôm... phải thay đổi phương thức làm việc, và rất có thể trong tương lai gần nó còn làm ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của các công ty lữ hành. Một minh chứng vô cùng rõ nét đó chính là sự sụp đổ của ông tổ nghề lữ hành Thomas Cook vào cuối năm 2019, đánh dấu một sự chấm hết của lối kinh doanh truyền thống lỗi thời ngay cả khi đại dịch COVID-19 chưa hề xảy ra. 

Thực tế, kinh doanh tour du lịch lâu nay đã tập trung vào nền tảng trực tuyến và thị trường hiện nay cũng đã thay đổi theo sự xuất hiện của Internet. Chúng ta có thể thấy Airbnb là một công ty khách sạn lớn nhất thế giới cho dù họ không có nổi một phòng khách sạn nào cả. Trong một cuộc khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn Du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam thì có tới 41,2% trên tổng số người được hỏi cho biết, họ thích đặt dịch vụ du lịch thông qua các hình thức trực tuyến. 

Chuyển đổi nửa vời có làm vơi khủng hoảng của doanh nghiệp lữ hành? - Ảnh 2.

Nguồn: Hội đồng Tư vấn Du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam (tháng 3/2021)

Chính vì vậy, các công ty lữ hành nếu vẫn chỉ duy trì lối kinh doanh truyền thống cồng kềnh và thiếu chuyên nghiệp với những sản phẩm đơn điệu theo lối mòn, không có sự sáng tạo thì tất yếu sẽ bị đào thải hoặc hoạt động èo uột, cầm chừng không phát triển. 

Theo khái niệm được trích từ cuốn Văn hóa du lịch của PGS. TS. Nguyễn Phạm Hùng, thì bản chất du lịch là toàn bộ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch nhằm tạo ra sản phẩm mới lạ và khác biệt phục vụ nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm, khám phá của du khách trong một không gian và thời gian nhất định. Với khái niệm này, nếu các hãng lữ hành không muốn bị “thượng đế” quay lưng và chào tạm biệt thì ngay lập tức phải tiên phong đổi mới chính mình, tinh gọn bộ máy quản lý, dành thời gian và trí tuệ đầu tư vào khai thác, sử dụng tất cả các nguồn tài nguyên du lịch và một giải pháp sống còn đó chính là hoạt động “chuyển đổi số”, cụ thể là việc áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện phương thức vận hành doanh nghiệp, đổi mới kỹ năng tiếp cận thị trường và đặc biệt là tạo ra các sản phẩm mới lạ, đa dạng thỏa mãn được các nhu cầu hiện tại của du khách.

Nhận thức sai lầm sẽ dẫn đến thất bại toàn tập

“Chuyển đổi số” (Digital transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ và đang trở nên vô cùng phổ biến trong thời gian gần đây. Hiện trong mảng kinh doanh lữ hành, đây là hoạt động mô tả việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động của doanh nghiệp nhằm thay đổi toàn diện từ mô hình kinh doanh, tiếp thị và xây dựng sản phẩm theo kiểu truyền thống sang việc áp dụng mô hình chuỗi giá trị số dựa trên những dữ liệu mà ở đó khách hàng đóng vai trò là trung tâm. 

Cụ thể, thay vì các hoạt động quản lý doanh nghiệp, nhân sự, lưu trữ danh sách tour, danh sách khách hàng được làm trên giấy, hay các hoạt động tiếp thị như phát tờ rơi, gửi thư ngỏ hoặc việc mở rất nhiều các đại lý, văn phòng giao dịch theo kiểu “cổ xưa” thì nay nhờ có ứng dụng công nghệ các doanh nghiệp đã có thể dễ dàng tiếp cận với các phần mềm ứng dụng mà qua đó họ có thể thu thập và quản trị những dữ liệu vô cùng hữu ích làm cơ sở để đưa ra những quyết sách phù hợp nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Chuyển đổi nửa vời có làm vơi khủng hoảng của doanh nghiệp lữ hành? - Ảnh 3.

Ảnh: Mona Media

Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động cách đây gần 10 năm, Công ty CP Lữ hành và Sự kiện Thuận An - Ascend Travel & Media cũng đã nhận thức được rằng việc áp dụng phần mềm công nghệ trong vận hành doanh nghiệp lữ hành sẽ mang lại vô cùng nhiều lợi ích. Cụ thể, hoạt động này sẽ tối ưu hóa được hiệu suất làm việc, tiết kiệm được thời gian mà đó chính là tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, việc ứng dụng chuyển đổi số làm gia tăng tính liên kết toàn hệ thống, ổn định và kiểm soát được chất lượng dịch vụ, và quan trọng hơn cả đó là tăng được lượng khách hàng tiếp cận.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sớm hiểu đúng bản chất và mạnh dạn đầu tư vào các hệ thống phần mềm như Thuận An - Ascend Travel & Media, vì trên thực tế đa phần các doanh nghiệp nhỏ với quy mô chỉ trên dưới 10 nhân sự thì vẫn còn đang rất e dè, họ không dám quyết định vì một thực tế là họ cũng không biết nên bắt đầu từ đâu với một khoản đầu tư như thế nào? 

Ông Nguyễn Quyết Tâm, CEO & Co-Founder Công ty Cổ phần VietISO chia sẻ: “Hiện tại các công ty lớn thì không khó khăn gì cả, bởi ban lãnh đạo xác định là buộc phải chuyển đổi số nhưng các công ty nhỏ thì vô cùng khó khăn. Đối với họ, việc tạo ra dòng tiền tại thời điểm này là quan trọng nhất và họ cứ nghĩ tới chuyển đổi số là phải AI, Big Data, Automation (Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Tự động hóa) và mất chi phí quá lớn. Nếu nghĩ như vậy là thất bại toàn tập.”

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch thì hiện Việt Nam có hơn 2.600 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành nội địa. Trong số đó, chỉ 3,6% là doanh nghiệp lớn, 12% là doanh nghiệp vừa và có tới 84,4% là doanh nghiệp nhỏ và thậm chí là siêu nhỏ. Như vậy có thể thấy, một lượng đông đảo các doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với hoạt động “chuyển đổi số”. 

Khó khăn mà họ đang gặp phải ở đây không chỉ đơn giản là việc thiếu vốn đầu tư mà còn là thiếu cả hiểu biết cơ bản về quy trình của hoạt động này. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, chi phí có nghĩa đã chi là phí, và hầu như tất cả đều có chung một suy nghĩ hiện tại phải làm gì ra tiền để nuôi doanh nghiệp đã, sống đã rồi chuyển gì thì chuyển. Không ít các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn lơ mơ về một sự thật là phải chuyển thì mới sống.

Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty Du lịch Travelogy Vietnam nhận định lý do đầu tiên khiến doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số gặp khó khăn hoặc thất bại đó là vì các doanh nghiệp không thực sự hiểu đúng ý nghĩa của việc “chuyển đổi số”. Mỗi doanh nghiệp là một cá thể khác biệt, và định nghĩa “chuyển đổi số” cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau đối với từng cá thể. Đối với doanh nghiệp này chuyển đổi số có thể là quá trình tự động hóa; là mô hình làm việc từ xa; là đầu tư công nghệ vào website hay fanpage, hoặc cũng có thể là việc sử dụng robot thay thế con người. 

Do đó, ông Tuyên khẳng định: “Nếu không thống nhất về định nghĩa dẫn tới hiểu nửa vời. Doanh nghiệp du lịch sẽ không thể đo lường được mức độ thành công hay thất bại khi chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Thế nên, điều cần làm là thống nhất định nghĩa chuyển đổi số để tạo ra lộ trình chuyển đổi, và đi kèm là cách đo lường.” Tại sự kiện Techday 2019, một con số đáng giật mình được chia sẻ là có tới 80% các doanh nghiệp bị thất bại khi tham gia chuyển đổi số, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa hiểu thấu lộ trình về hoạt động này.

Chuyển đổi nửa vời khơi ra rồi để đấy là lãng phí

Nắm giữ lực lượng đông đảo thứ 2 đó là các đơn vị lữ hành có quy mô vừa chiếm 12% trên tổng số các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và cũng là đối tượng được các công ty phần mềm săn đón nhiều nhất. Lý giải cho vấn đề này ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, chia sẻ: "Thường các công ty lớn họ sẽ chủ động xây dựng một Ban phát triển công nghệ riêng và có những lộ trình chuyển đổi cụ thể. Các công ty nhỏ thì vẫn rất lơ mơ về “chuyển đổi số”. Do vậy, chỉ các công ty có quy mô vừa là cần tới những đơn vị cung ứng phần mềm bên ngoài để có thể “giúp họ viết nên những giấc mơ số hóa mà thôi.”

Thực tế cũng đã cho thấy trong ngành lữ hành thì chỉ có các hãng lớn mới đủ khả năng tài chính để xây dựng riêng cho mình những phòng phát triển công nghệ. Còn các công ty vừa và nhỏ thì cố gắng lắm cũng chỉ có thể mua được phần mềm quản trị từ những nhà cung ứng dịch vụ, và việc triển khai để phần mềm này đi vào hoạt động trơn tru cũng không hề dễ dàng. 

Lấy Thuận An - Ascend Travel & Media ra làm một ví dụ cụ thể muốn thực thi được việc này thì ngay từ đầu ban lãnh đạo và toàn bộ cấp quản lý của công ty phải là người tiên phong và phải làm quyết liệt từ trong suy nghĩ đến hành động thì quá trình chuyển đổi mới được diễn ra suôn sẻ và thành công. Chỉ cần ngần ngừ khi vấp phải những phản đối của nhân viên trong lúc triển khai là sẽ khiến cho việc ứng dụng công nghệ, đổi mới cách quản lý bị thất bại vì trên thực tế việc áp dụng những ứng dụng này không phải giống như may chiếc áo, cứ mặc vào là vừa ngay. Thời gian đầu khi triển khai, công ty cũng vấp phải sự phản kháng của cả đơn vị viết phần mềm lẫn nội bộ công ty khi việc ứng dụng nguyên bản phần mềm này không thực sự phù hợp. 

Việc kết nối từ khâu bán hàng, tới điều hành và kế toán còn chưa thực sự đồng nhất khiến nhân sự thực thi nản lòng và gần như muốn quay về cách quản lý cũ. Đứng trước sự việc này, Ban lãnh đạo công ty cũng đã phải áp dụng các biện pháp vừa cứng rắn quyết liệt quán triệt toàn bộ đội ngũ nhân sự về giá trị của việc áp dụng, đồng thời vừa linh hoạt đầu tư thêm để điều chỉnh lại phần mềm cho phù hợp và kết quả là cũng phải mất hơn 6 tháng vừa làm vừa chỉnh thì quy trình sử dụng mới thực sự phát huy được tính hữu ích của nó.

Từ minh chứng thực tế trên cho thấy sự chuyển đổi nên đến từ bên trên và các nhà quản lý cấp cao cần phải đào sâu quy trình, chủ động thể hiện cam kết của họ đối với những thay đổi trong doanh nghiệp, không nên khơi ra rồi để đấy sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí cả về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Họ cần quyết đoán, truyền cảm hứng, gương mẫu, giao quyền, động viên và phải trở thành “tấm gương” tiêu biểu cho đội ngũ nhân sự trong cách suy nghĩ, hành động để quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp mới trở thành hiện thực. 

Chuyển đổi nửa vời có làm vơi khủng hoảng của doanh nghiệp lữ hành? - Ảnh 4.

Ảnh: Adobe Stock

Doanh nghiệp du lịch trước khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số phải làm rõ lý do tại sao lại phải làm việc này, việc chuyển đổi này giúp gì cho doanh nghiệp và để thành công thì doanh nghiệp phải thay đổi những gì? Một cuộc chuyển đổi số “đúng” phải sở hữu những thay đổi về mặt tư duy và văn hóa của cả một doanh nghiệp, đảm bảo nhân viên ở mọi cấp độ cảm nhận sự tích cực với việc thay đổi. Chuyển đổi số là cả một hành trình dài, các nhà lãnh đạo cần đủ sự quyết tâm, tránh nóng vội nhưng cũng không được chậm trễ khi triển khai, và chắc chắn là không thể triển khai “nửa vời” sẽ dẫn đến lãng phí.

Đâu là điểm “chạm” để tạm thoát khủng khoảng kép

Quá trình Internet hóa và sự ra đời của những công nghệ thông minh kèm theo sự bùng phát nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã khiến hành vi tiêu dùng của du khách thay đổi đáng kể. Hiện tại, du khách chú trọng hơn đến các yếu tố an toàn sức khỏe, tránh tiếp xúc đông người; lựa chọn các chuyến đi gần, ngắn ngày, kế hoạch đi du lịch được quyết định sát với thời điểm thực tế chuyến đi và cần thay đổi hoãn hủy linh hoạt khi đối diện với các đợt dịch bệnh. Các công cụ trực tuyến phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ, thanh toán ngày càng nở rộ; nhiều mô hình du lịch ảo ra đời thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường đã giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, độc đáo. Chính cú huých đúp này đã đẩy rất nhiều doanh nghiệp lữ hành truyền thống đi đến chỗ diệt vong. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, thì trong năm 2020 có tới 95% các doanh nghiệp lữ hành buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Có thể nói ngành du lịch đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép chưa từng có trong lịch sử bởi họ liên tiếp phải quay cuồng với các đợt dịch lắng xuống rồi lại bùng lên, bán tour rồi lại hủy tour, xem như xây lâu đài trên cát rồi lại bị xóa nhòa thành quả khi mỗi đợt sóng lên.

Tuy nhiên, ánh sáng vẫn ở cuối đường hầm dành cho những chiến binh biết ngay lập tức ứng phó chuyển mình để phù hợp với hành vi tiêu dùng mới của “thượng đế”. Việc trong tương lai gần sẽ có rất nhiều các công ty lữ hành buộc phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác cũng là một sự sàng lọc tất yếu của tự nhiên. Nhưng để sống sót, các doanh nghiệp còn lại sẽ phải là những chú “tắc kè hoa” đủ khỏe để có thể có khả năng biến hóa phù hợp với môi trường kinh doanh hiện tại, một môi trường mà ở đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng từng bước áp dụng công nghệ hiện đại để có thể “chạm” tới được sự mong đợi của khách hàng.

Chia sẻ về cuộc khủng hoảng kép này và đâu là lối thoát cho các doanh nghiệp lữ hành thì ông Vũ Văn Tuyên cho biết, các doanh nghiệp không nên đứng chờ sự bình ổn trở lại mà phải chuyển mình thích nghi với cái mới và nhanh chóng “chuyển đối số” là một giải pháp hữu hiệu. Cụ thể, theo ông Tuyên, quá trình “Chuyển đổi số” nên bắt đầu từ việc tự động hóa quy trình, áp dụng công nghệ mới vào điều hành để thúc đẩy hiệu suất và cắt giảm chi phí. Ngoài ra bước quan trọng tiếp theo là phải tính đến áp dụng công nghệ vào việc cải thiện trải nghiệm cho khách hàng. “Nếu sự chuyển đổi không đem đến tác động tích cực cho khách hàng, thì có lẽ doanh nghiệp đang mất dần thị phần vào tay đối thủ,” ông Tuyên khẳng định. 

Theo đó, việc tìm kiếm và xây dựng những kênh giao tiếp với khách hàng của mình một cách gần gũi và hiệu quả ngày càng nhiều doanh nghiệp lữ hành đầu tư ứng dụng công nghệ từ khâu lưu trữ dữ liệu, kiểm soát chất lượng và cả hoạt động thanh toán, phục vụ và tương tác với khách hàng. Ở những điểm chạm này, các giải pháp công nghệ liên tục phát triển và nó đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Dù quy mô lớn, vừa hay nhỏ, nếu doanh nghiệp không chịu hòa theo dòng chảy này thì việc bị loại ra khỏi cuộc chơi là điều vô cùng dễ hiểu.

Tại Việt Nam, hiện một số công nghệ đang được phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt trong ngành du lịch. Đầu tiên phải kể đến đó là ứng dụng mobile bởi nó thực sự phù hợp với đặc trưng của du khách khi cho phép du khách có thể khai thác thông tin, thực hiện các thao tác giao dịch và tích hợp nhiều tiện ích khác nhau mà không cần tương tác trực tiếp với bất kỳ người nào, quả thực rất hữu ích khi mà tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt như hiện nay. Kế tiếp trí tuệ nhân tạo cũng đã khẳng định được vị trí của nó trong lĩnh vực du lịch, ví dụ Chabot là một chương trình được tạo từ máy tính, là một công cụ cho phép con người có thể tương tác giao tiếp, thông qua một trí tuệ nhân tạo đã được lập trình sẵn và ngày càng phổ biến trên trang web của các doanh nghiệp lữ hành. 

Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp du lịch tiệm cận các thiết bị được kết nối với IoT (Internet of Thing - mạng của mọi vật). Dữ liệu IoT giúp doanh nghiệp biết được nhu cầu, thói quen du lịch và một số đặc điểm khác để có thể chuyển đến khách hàng tiềm năng những thông tin mà họ thật sự quan tâm. Việc khai thác các dữ liệu IoT vừa giúp doanh nghiệp tăng khả năng bán được sản phẩm, vừa biết rõ khách hàng hơn, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tìm kiếm và thực hiện các thao tác để mua sản phẩm mà họ muốn. Cuối cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ dựa trên nền tảng Internet thì thuật ngữ Virtual Tour (chuyến tham quan ảo) hay Interactive Tour (chuyến tham quan tương tác) được xuất hiện từ năm 1994 và trở nên phổ biến hơn đối với khách du lịch ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên thuật ngữ trên vẫn còn rất mới mẻ và chưa được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Chuyển đổi nửa vời có làm vơi khủng hoảng của doanh nghiệp lữ hành? - Ảnh 5.

Ảnh: astiqsolution.com

Rõ ràng vai trò của “chuyển đổi số” là rất to lớn, song nếu chỉ làm hời hợt, nửa vời thì hiệu quả mang lại không cao thậm chí còn lãng phí bởi trong khi một số lượng đông đảo các công ty du lịch vẫn còn chưa mặn mà với chuyển đổi số thì lại cũng có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp vẫn còn quá ảo tưởng về khả năng “đại thắng” của hoạt động này. Họ đưa ra những mục tiêu quá lớn mà không định lượng được sức mình sẽ dễ dẫn tới thất bại, nản lòng. 

Do vậy, tùy vào lĩnh vực hoạt động và độ lớn của từng doanh nghiệp mà lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra các quyết sách nhằm tập trung và ưu tiên nguồn lực như thế nào để đảm bảo chuyển đổi số thành công. Chi phí và các nguồn lực có thể khác nhau nhưng chắc chắn là chuyển đổi số sẽ mang đến những thay đổi căn bản trong quá trình vận hành, giao tiếp với khách hàng, mô hình hoạt động và đặc biệt là hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, giúp họ sớm vượt qua được khủng hoảng kép như hiện nay. 

Và để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có được những hiểu biết đúng đắn cũng như nắm được lộ trình chuyển đối số một cách phù hợp trong điều kiện hiện nay thì họ cũng cần có sự hỗ trợ to lớn, đồng bộ từ các cơ quan ban ngành có liên quan như thống nhất việc truyền thông mạnh mẽ vai trò của chuyển đối số, hỗ trợ đào tạo nhận thức rõ về lộ trình, cũng như nhất quán về đường hướng áp dụng hệ thống công nghệ thông minh trong phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch ở Việt nam.

Trao đổi về hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Việt Nam - khẳng định: “Chuyển đối số là xu thế tất yếu và là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành du lịch Việt Nam.” Ông cho biết, trong thời gian qua Tổng cục Du lịch cũng đã tập trung triển khai các nhóm hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch thông minh; phát triển hệ thống thông tin - truyền thông số ngành Du lịch; đồng thời cũng đã hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng CNTT, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; và tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. 

Như vậy, về cơ bản Tổng cục Du lịch cũng đã hình thành cấu trúc tổng thể của hệ sinh thái hướng tới phát triển du lịch thông minh và tạo dựng những công cụ hỗ trợ các nhóm chủ thể dễ dàng tham gia, khai thác hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chung của ngành. Hệ sinh thái du lịch thông minh chỉ có thể phát triển và hoàn thiện khi tất cả các chủ thể sẵn sàng tham gia, chia sẻ, đóng góp, tích hợp tài nguyên vào hệ thống chung của ngành. 

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6 năm 2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Đạo đức đang trở thành thách thức lớn nhất của AI
    Đạo đức AI rất quan trọng vì công nghệ AI được thiết kế để tăng cường hoặc thay thế trí tuệ con người, điều này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách.
  • Xu thế công nghệ trong An ninh mạng năm 2025
    Giám đốc công nghệ VSEC - Ông Phan Hoàng Giáp nhận định “Trong bức tranh của năm 2025, các xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng bảo mật Cloud Native (Cloud Native Application Protection Platform - CNAPP) được dự báo sẽ chi phối ngành an ninh mạng”.
  • Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
    Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
  • Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội từ hàng tỷ USD đầu tư vào đám mây và AI?
    Các hãng công nghệ lớn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng để khai thác tối đa dòng vốn này, các quốc gia trong khu vực cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và thách thức về lượng khí thải carbon.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi nửa vời có làm vơi khủng hoảng của doanh nghiệp lữ hành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO