Những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số
Thuật từ “CĐS” đã không còn xa lạ với chúng ta, những công dân toàn cầu thời công nghệ số. Tuy nhiên, nội hàm của “CĐS” vẫn còn xa xăm với nhiều người, khi mà công nghệ đang được ứng dụng kề bên cuộc sống hiện nay. Tôi nhận thấy ngành Xuất bản, trong đó có các NXB, các công ty phát hành phía Nam từ năm 2010 trở đi đã biết đón đầu, tìm tòi phương tiện chuyển tải cách đọc khác bên cạnh cách đọc sách giấy truyền thống.
Năm 2012, NXB Tổng hợp TP.HCM đã được cơ quan chủ quản duyệt đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho trang sách điện tử với tên miền sachweb.vn. Đến nay, trước bối cảnh “CĐS” theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xây dựng nền công nghiệp 4.0 và yêu cầu từ thực tiễn sau 10 năm hoạt động sách điện tử, NXB Tổng hợp TP.HCM đang tích cực xây dựng đề án nâng cấp website kinh doanh sách điện tử cho trang sachweb.vn.
Đề án lần này phải lưu ý nâng cấp cả phần cứng và phần mềm. Đối với phần cứng, NXB nâng cấp máy chủ với tính năng lưu trữ linh hoạt có thể đáp ứng lượng xuất bản phẩm trong nhiều năm và đáp ứng lượng truy cập tăng đột biến (đợt bùng dịch COVID-19 trong năm 2021 vừa rồi là một ví dụ cho lượng truy cập tăng nhanh mà mình chưa đáp ứng kịp).
Đối với các nội dung của phần mềm, chúng tôi quan tâm việc đưa ứng dụng công nghệ vào quy trình xuất bản: ứng dụng phần mềm biên tập, ứng dụng quy trình xuất bản trực tuyến. Nhu cầu phát triển là cấp thiết, nhưng chúng tôi tự thấy các phần mềm quản lý hiện nay của NXB còn sơ sài do không có kinh phí để đầu tư công nghệ tiên tiến… Chủ trương của lãnh đạo thành phố về phát triển công nghệ hiện đại chính là cơ hội thực hiện CĐS ngành xuất bản.
Hướng mở rộng nội dung trong CĐS tới đây của NXB là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý tác quyền sách điện tử; hệ thống cập nhật tác phẩm lên website tương ứng thời hạn tác quyền được ký. Khi thời hạn tác quyền hết, mặc nhiên hệ thống tự động xóa tác phẩm khỏi website. Mỗi tác giả sẽ có tài khoản riêng để theo dõi số lượng tác phẩm mình bán được và thời hạn tác quyền từng tác phẩm của mình.
Tiêu chí cốt lõi để CĐS trong xuất bản thành công là việc quyết tâm của NXB, sự quan tâm thật sự của cơ quan chủ quản trong đầu tư nền tảng công nghệ, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong xuất bản và phát hành ebook.
Mặt khác, việc chung tay phối hợp xây dựng thói quen đọc sách đến đại đa số người dùng thiết bị điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và ngành xuất bản. Một thế hệ trưởng thành của chúng ta đã đánh mất thói quen đọc sách; không là muộn, chúng ta phải tập thói quen này cho lớp trẻ tiếp theo, vì đầu tư CĐS mà người đọc không có khát khao nạp kiến thức từ việc đọc sách thì cũng không thành công.
Thúc đẩy sự tương tác giữa NXB, đơn vị làm sách, tác giả với bạn đọc
Chúng tôi luôn thử đặt mình là một người đọc ebook trong môi trường số hóa thì thấy rằng, cần đáp ứng được việc phục vụ việc đọc mọi lúc, mọi nơi; không giới hạn không gian, thời gian; khách vừa thao tác mua xong là nhận được sách ngay tích tắc. Sở thích tiếp cận sách điện tử của độc giả hiện nay rất đa dạng, có người thích định dạng epub, người thì thích pdf, người thì thích đọc online - người thích offline, người thì thích có âm thanh…
Để đáp ứng được yêu cầu đa dạng như thế, hệ thống sách điện tử của chúng tôi cần nâng cấp các tính năng tiện ích của xuất bản phẩm điện tử; phải sáng tạo cao và có nguồn kinh phí lớn.
Thứ đến, chăm sóc khách hàng môi trường số hóa phức tạp hơn môi trường bán trực tiếp. Đang đọc thì tệp (file) sách bị lỗi, thiết bị của khách hàng không có đủ font chữ để giải mã file sách, rồi file sách, thông tin khách hàng, tài khoản khách hàng, thông tin giao dịch,… tất cả đều trên hệ thống website. Nên khi có sự cố với các thông tin trên là ảnh hưởng trực tiếp đến bạn đọc. Khi đó, đòi hỏi phải có quy trình giải quyết nhanh, đơn giản, rõ ràng, kỹ năng giao tiếp với khách (qua tin nhắn, điện thoại) cũng là một thử thách lớn.
Tương tác giữa tác giả - NXB - bạn đọc ngày nay là liên tục, ngay và luôn. Tương tác đó tạo nên hiệu ứng trước, trong và sau khi một xuất bản phẩm hình thành thông qua thông tin về nội dung tác phẩm. Hiện tại, giải pháp thúc đẩy sự tương tác mà các đơn vị xuất bản đang áp dụng trên nền tảng công nghệ là:
+ Tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến, NXB tạo điều kiện cho tác giả giới thiệu trước tác phẩm của mình ra bạn đọc để lấy ý kiến trước khi xuất bản;
+ Tác giả và NXB phối hợp tổ chức những chương trình bạn đọc bình luận (comment) sách trên Fanpage của NXB. Từ đó, NXB và tác giả cùng tiếp nhận phản hồi đánh giá của bạn đọc về tác phẩm nhằm khắc phục những hạn chế của tác phẩm cũng như định hướng kế hoạch xuất bản.
Với CĐS, trong thời gian tới NXB Tổng hợp TP.HCM quan tâm 3 nội dung:
Một là phát triển website thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh ebook bán lẻ, bán sỉ. NXB sẽ cung cấp nền tảng công nghệ cho thư viện cộng đồng chia sẻ được nguồn tài liệu nghiên cứu miễn phí cho độc giả có nhu cầu; các thư viện trường đại học, cao đẳng cùng chia sẻ nguồn giáo trình; và các NXB bạn hoặc đơn vị làm sách không có chức năng xuất bản - kinh doanh ebook cùng kinh doanh ebook ngay trên website của NXB Tổng hợp...
Hai là phối hợp với thư viện trong và ngoài TP.HCM mở rộng xuất bản ebook đối với các tác phẩm hiện không còn bản in trên thị trường hoặc không thể xuất bản dạng in do chi phí in ấn quá cao.
Ba là triển khai thêm mảng audiobook, liên kết (chia sẻ từ nền tảng của các kênh audiobook đang hợp tác (Wewe chẳng hạn) lên trang sachweb.vn).
Bên cạnh đó, NXB cũng đánh giá cụ thể về sự tác động của truyền thông xã hội đối với công cuộc CĐS của ngành xuất bản, những người làm sách và tác giả trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Truyền thông xã hội tạo hiệu ứng dây chuyền cả mặt tích cực và tiêu cực. Nếu một quyển sách được nhiều bình luận khen hay, nhiều chia sẻ sẽ giúp quyển sách bán chạy. Nhưng nếu một quyển sách với bình luận là đạo văn (không có cơ sở) nhưng được nhiều người cùng tham gia bình luận thì từ cái chưa có cơ sở thành cái thật, gây ra tổn thất đến uy tín của tác giả, thiệt hại về uy tín và kinh tế của NXB là có thật.
Do vậy, ứng dụng công nghệ là cần thiết và cấp bách, nhưng truyền thông về tác động của truyền thông xã hội khi bước vào CĐS càng phải tỉnh táo, nhanh nhưng không được phép cẩu thả, dễ dãi.
Tôi rất tâm đắc chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp: “Làm nghề xuất bản là nghề chọn chữ chứ không phải sắp chữ. Chọn chữ sẽ cần một nhà trí thức, sắp chữ chỉ cần một công nhân kỹ thuật lành nghề”.
Vậy nên, làm nghề xuất bản trong môi trường CĐS, người làm sách - tác giả mong muốn tác động truyền thông xã hội như thế nào? Công nghệ số ắt hẳn tác động lớn đến thành - bại của thói quen đọc; nhưng mục tiêu đọc – văn hóa đọc mới chính là điều quan trọng mà chúng ta cần thấu đáo để kiến tạo đặc trưng văn hóa dân tộc, con người Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)