Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và An ninh mạng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ban hành hướng dẫn cho Chiến lược quốc gia về bảo mật 5G theo Chiến lược Không gian mạng Quốc gia Mỹ.
Chiến lược quốc gia về bảo mật 5G nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Không gian mạng Quốc gia với các nỗ lực sau: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai 5G trong nước; Đánh giá rủi ro và xác định các nguyên tắc bảo mật cốt lõi của cơ sở hạ tầng 5G; Giải quyết các rủi ro đối với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ trong quá trình phát triển, triển khai cơ sở hạ tầng 5G trên toàn thế giới và Thúc đẩy phát triển và triển khai 5G có trách nhiệm trên toàn cầu.
Theo đó, hướng dẫn của CISA xác định 5 sáng kiến chiến lược để thực thi Chiến lược quốc gia về bảo mật 5G là:
1. Hỗ trợ xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn 5G, trong đó nhấn mạnh tính bảo mật và khả năng phục hồi
2. Mở rộng nhận thức về rủi ro chuỗi cung ứng 5G và thúc đẩy các biện pháp bảo mật.
3. Hợp tác với các bên liên quan để củng cố và bảo mật cơ sở hạ tầng hiện có để hỗ trợ triển khai 5G trong tương lai.
4. Khuyến khích sự đổi mới trên thị trường 5G để thúc đẩy các nhà cung cấp 5G tin cậy.
5. Phân tích các trường hợp ứng dụng 5G tiềm năng và chia sẻ thông tin về các chiến lược quản lý rủi ro.
Giám đốc CISA Christopher Krebs cho biết: "Việc triển khai công nghệ 5G sẽ cho phép thúc đẩy đổi mới, thị trường mới và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Hàng chục tỷ thiết bị mới sẽ được kết nối Internet trong vài năm tới. Các lỗ hổng sẽ đi kèm với việc triển khai 5G rất rộng, bao gồm từ các mối đe dọa cục bộ đến gián điệp mạng và các cuộc tấn công tinh vi".
"Chúng ta phải nhận thức tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro liên quan đến việc triển khai 5G vì có một số cơ sở hạ tầng trọng yếu nhất định - y tế tự động, mạng lõi viễn thông, các cơ sở quân sự và chính phủ nhạy cảm và phương tiện giao thông công cộng - mà ở các lĩnh vực này 5G sẽ làm thay đổi bản chất của rủi ro đối với các chức năng quan trọng", Giám đốc CISA cho hay.
Trước đó, hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành Chiến lược quốc gia về bảo mật 5G và nhấn mạnh: Công nghệ thông tin di động thế hệ thứ năm, hay còn gọi là 5G, sẽ là động lực chính cho sự thịnh vượng và an ninh của quốc gia Mỹ trong thế kỷ 21.
Công nghệ mới này sẽ mang đến cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ các kết nối mạng nhanh đáng kể, cho phép hàng chục tỷ thiết bị mới khai thác sức mạnh của Internet, thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, học tập và giao tiếp.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng nêu rõ: Tiến bộ của công nghệ này cũng mang lại những rủi ro và lỗ hổng mới. Tội phạm mạng đang tìm cách khai thác công nghệ 5G.
Chiến lược quốc gia về bảo mật 5G của Mỹ nêu rõ tầm nhìn về việc đi đầu trong phát triển, triển khai và quản lý cơ sở hạ tầng truyền thông 5G an toàn và tin cậy trên toàn thế giới, hợp tác với các đối tác và đồng minh thân cận nhất, bao gồm:
- Hỗ trợ triển khai 5G trong nước;
- Đánh giá rủi ro và xác định các nguyên tắc bảo mật cốt lõi cho cơ sở hạ tầng 5G;
- Quản lý các rủi ro đối với kinh tế và an ninh quốc gia từ việc sử dụng cơ sở hạ tầng 5G;
- Thúc đẩy phát triển toàn cầu có trách nhiệm và triển khai cơ sở hạ tầng 5G.
Chiến lược nêu rõ: Mỹ cam kết bảo vệ an ninh quốc gia, thúc đẩy sự thịnh vượng cũng như bảo vệ các quyền tự do dân sự, đảm bảo tính bảo mật, tin cậy của cơ sở hạ tầng 5G là quan trọng.