Chuyển đổi số

Đồng Tháp phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, hướng tới xã hội số 4.0

Tâm An 01/03/2024 06:00

Mang theo sự trẻ trung và nhiệt huyết của mình, thanh niên đã dần trở thành những người dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ số để tạo ra giá trị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Triển khai Thí điểm thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) xác định đoàn viên, thanh niên giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số, bước đầu đã mang lại hiệu quả, nổi bật tại tỉnh Đồng Tháp.

1.jpg
Thành viên Tổ CNSCĐ tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng e-Đồng Tháp.

Tổ CNSCĐ là một trong những giải pháp, sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được triển khai trên toàn quốc. Mục đích của việc thành lập Tổ CNSCĐ là tạo ra lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, khóm, ấp. Mỗi địa phương sẽ lựa chọn 1 khóm, ấp để thí điểm thành lập Tổ CNSCĐ theo sự hướng dẫn của Bộ TT&TT và đặc điểm riêng của địa phương.

Sau một thời gian triển khai thí điểm, các địa phương đã tích cực, nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ CNSCĐ, dần hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác CĐS trên toàn quốc.

Trong năm 2023, Bộ TT&TT đã tiếp tục thúc đẩy hoạt động Mạng lưới Tổ CNSCĐ trên toàn quốc để hỗ trợ mạnh mẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quy mô quốc gia về CĐS tại địa phương, hướng đến tăng cường năng lực, thiết lập công cụ số, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Tổ CNSCĐ.

Trong tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trước đây và CĐS hiện nay, đây là lần đầu tiên chủ trương từ Trung ương được lan tỏa nhanh chóng trong một thời gian rất ngắn. Thông qua Tổ CNSCĐ, các chủ trương, chính sách và chỉ đạo về công tác CĐS quốc gia từ Trung ương tới địa phương mà trực tiếp là người dân được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và kịp thời. Đây là một kết quả đặc biệt đột phá. Tổ CNSCĐ mang tính toàn dân, là đặc trưng Việt Nam, là điểm khác biệt của Việt Nam, là tiền đề cho những kết quả đột phá về CĐS trong tương lai.

Đồng Tháp phát huy vai trò của thanh niên trong CĐS, hướng tới xã hội số 4.0

Mang theo sự trẻ trung và nhiệt huyết của mình, thanh niên đã dần trở thành những người dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ số để tạo ra giá trị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, thanh niên cũng được coi là lực lượng tài năng và sáng tạo, với khả năng tìm tòi, nghiên cứu và bắt kịp các công nghệ mới. Điều này giúp họ đóng vai trò chủ chốt trong việc cải thiện và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề khó khăn trong thời đại CĐS.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều mô hình thiết thực góp phần vào tiến trình CĐS, trong đó Tỉnh đoàn Đồng Tháp là một trong những Tỉnh đoàn tiêu biểu có nhiều đóng góp. Từ tháng 5/2022, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT ký kết chương trình phối hợp với nhiều nội dung cụ thể, trong đó nhiệm vụ của các cấp bộ Đoàn là xây dựng các Tổ thanh niên tình nguyện CĐS cùng với Tổ CNSCĐ (Tổ CNSCĐ được thành lập theo Quyết định số 692 ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Đề án thí điểm thành lập Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp) để giúp người dân sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số, góp phần thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh.

2.jpg
Các đoàn viên hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Baodongthap.vn).

Tổ CNSCĐ, với sự tham gia của các cán bộ, đoàn viên và thanh niên, đã được hình thành với mục tiêu chính là tạo lực lượng huy động sức mạnh toàn dân, gần gũi và sát cánh cùng dân, đồng thời đóng vai trò quan trọng như một cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ tỉnh đến cấp huyện, xã, phường, thị trấn và các địa phương khác. Việc triển khai này đổi mới và sáng tạo bằng cách xây dựng các Tổ Thanh niên tình nguyện CĐS. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập được 1 Tổ tham vấn CĐS cấp tỉnh, 12 Tổ thanh niên CĐS cấp huyện và 143 Tổ thanh niên tình nguyện CĐS cấp xã, phường, thị trấn với gần 950 thành viên tham gia.

Lực lượng tham gia Tổ là 100% đoàn viên, thanh niên tại địa phương có hiểu biết về ứng dụng CNTT, khoa học - công nghệ, có kiến thức cơ bản về CĐS. Tổ trưởng Tổ mỗi cấp là Bí thư hoặc Phó Bí thư tổ chức Đoàn cùng cấp, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự hiểu biết về CNTT và CĐS trong cộng đồng.

Tổ Thanh niên tình nguyện CĐS đã triển khai nhiều hoạt động thực tiễn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, ứng dụng trực tiếp tại bộ phận một cửa, cũng như tại các buổi tập trung của chi bộ, hội quán, hợp tác xã và các sự kiện tương tự.

Với sự hỗ trợ của các Tổ thanh niên CĐS cộng đồng giúp người dân trong huyện nắm vững kiến thức về công nghệ số, đồng thời hỗ trợ họ tiếp cận với các dịch vụ công nghệ thông minh, thực hiện các giao dịch, dịch vụ hành chính công và mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) một cách tiện lợi và an toàn.

Kể từ khi thành lập đến nay, các Tổ thanh niên CĐS cộng đồng các cấp đã triển khai hơn 500 lượt hoạt động cao điểm hướng dẫn người dân về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); cài đặt các ứng dụng nền tảng CĐS; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên đưa những sản phẩm khởi nghiệp lên các sàn TMĐT; hỗ trợ ứng dụng CNTT cho Hội quán... Nhiều cơ sở Đoàn cấp xã triển khai các mô hình hướng dẫn người dân đăng ký DVCTT; tư vấn hướng dẫn một số thủ tục hành chính (TTHC)... góp phần giúp người dân thực hiện DVCTT, giải quyết TTHC thuận lợi hơn.

Trong khi đó, các Tổ CNSCĐ triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng số và sử dụng các dịch vụ số do tỉnh cung cấp như DVCTT, phản ánh kiến nghị qua ứng dụng e-Đồng Tháp và một số dịch vụ liên quan đến y tế, giáo dục... Đồng thời, Tổ CNSCĐ hỗ trợ người dân, hộ

sản xuất trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn TMĐT như Postmart.vn; Hướng dẫn mở cửa hàng số, mở tài khoản thanh toán trực tuyến,... sử dụng các nền tảng số để quảng bá sản phẩm, tạo thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh...

Trong mối quan hệ của Tổ thanh niên tình nguyện CĐS với Tổ CNSCĐ tuy có sự khác nhau về thành phần lực lượng, nhưng có điểm chung về nhiệm vụ, định hướng các hoạt động trong CĐS đạt nhiều kết quả thiết thực.

Theo BTV Tỉnh đoàn, nhiều mô hình CĐS trong cộng đồng cũng đã tạo dấu ấn trong thời gian qua như: “Đội tình nguyện hỗ trợ DVCTT” triển khai vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã, cuối tuần tại các điểm công cộng và nhà dân; mô hình “Thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt” tại các cơ sở kinh doanh của thanh niên... nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Qua đó, giúp cho các cấp bộ Đoàn có định hướng triển khai các hoạt động phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của địa phương”.

Năm 2023, thực hiện theo Thông báo kết luận số 89/TB-VPUBND ngày 13/3/2023 tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Đồng Tháp lần thứ 5, các địa phương cũng đã thành lập thêm các Tổ CNSCĐ khóm ấp trên địa bàn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thành lập hơn 500 Tổ cấp khóm ấp và 19 Tổ cấp xã, phường.

Để theo dõi tình hình hoạt động của các Tổ CNSCĐ, các địa phương cũng đã tạo nhóm Zalo trong đó gồm thành viên các Tổ CNSCĐ, công chức UBND xã, UBND huyện và Sở TT&TT phụ trách Tổ, nhằm đưa các thông tin hoạt động của nhóm, báo cáo nhanh hoạt động, hướng dẫn, hỗ trợ các khó khăn vướng mắc.

Sau một thời gian tích cực triển khai, kết quả ban đầu đạt được theo các chỉ tiêu giao các Tổ CNSCĐ bao gồm: 6.800 số lượt người dân cài đặt ứng dụng e-Đồng Tháp, đạt 141,6%; 4.292 lượt người dân cài đặt ví điện tử, đạt 143,1%; 739 cửa hàng, dịch vụ sử dụng thanh toán điện tử, đạt 154%; và 189 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, đạt 52,5%.

Bên cạnh việc thực hiện các chỉ tiêu được giao, các Tổ còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo nhu cầu thực tế phát sinh như 21.438 lượt được hướng dẫn tạo tài khoản và hướng dẫn thực hiện DVCTT; 4.659 hồ sơ được hướng dẫn thanh toán trực tuyến và có phát sinh hồ sơ thanh toán trực tuyến; 46.189 lượt được hỗ trợ cài đặt VNeID; Triển khai các ứng dụng khác như Y tế Đồng Tháp, VSSID, SIM chính chủ là 10.303 lượt.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cho biết sẽ tiếp tục duy trì tốt trong việc gắn kết, phối hợp cùng Sở TT&TT, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương triển khai hoạt động của Tổ thanh niên tình nguyện CĐS và Tổ CNSCĐ; Quan tâm nhân rộng các Tổ CNSCĐ, sẵn sàng chuyển các Tổ thanh niên tình nguyện CĐS cộng đồng làm nhiệm vụ triển khai CĐS theo định hướng chung của tỉnh, do đây là lực lượng đông đảo có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai CĐS; Triển khai hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp và người dân tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế trên môi trường số như TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt...

Bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn triển khai mô hình Tổ CNSCĐ của tỉnh Đồng Tháp đạt được nhiều hiệu quả và kết quả tích cực bước đầu, có thể thấy tầm quan trọng của việc xác định, đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ của nhân tố đi đầu, giữ vai trò nòng cốt, cũng như vai trò của các đoàn viên, thanh niên vì đây là lực lượng trẻ, tiên phong, nắm bắt xu thế công nghệ nhanh chóng và có những phương pháp lan tỏa sáng tạo.

3.jpg
Các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia CĐS đến tận nhà người dân hỗ trợ cài đặt các ứng dụng nền tảng số. (Ảnh: dongthap.gov.vn).

Từ mô hình thành công của tỉnh Đồng Tháp, để các địa phương thực hiện hiện tốt, có hiệu quả CĐS, một số bài học kinh nghiệm được rút ra cụ thể như sau:

Thứ nhất, mô hình Tổ CNSCĐ thành công hay không, đạt hiệu quả như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố đứng đầu, mang lại hiệu quả tích cực trong triển khai hoạt động Tổ. Các Tổ CNSCĐ có thành tích tốt ban đầu là có các Tổ trưởng năng động và chiếm phần lớn là các bạn đoàn viên, thanh niên; Tổ trưởng xây dựng kế hoạch triển khai, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp số trên địa bàn và các đơn vị liên quan khác để tổ chức hoạt động cho Tổ mang lại thành tích tốt.

Thứ hai, thiết lập một tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu và phương pháp sử dụng công nghệ để các đoàn viên, thanh niên đưa ra các giải pháp tối ưu trong công tác tuyên truyền cũng như thực hành để người dân nhìn thấy giá trị thực tiễn của CĐS. Đồng thời, phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với các đội hình tình nguyện CĐS do đoàn viên, thanh niên vận hành, các doanh nghiệp số, các đơn vị liên quan như: Công an, Y tế để tổ chức hoạt động cho Tổ CNSCĐ.

Thứ ba, nhân tố nòng cốt phải luôn cập nhật các kiến thức, thông tin mới nhất về công nghệ số để hiểu rõ hơn về tiềm năng và ứng dụng của nó. Tìm kiếm và tham gia vào các cộng đồng, diễn đàn, hoặc nhóm trực tuyến để học hỏi và chia sẻ kiến thức về công nghệ số.

Trong tình hình triển khai thực tế, Tỉnh Đoàn đã tự nhận thấy rằng sự hỗ trợ và tương tác thường xuyên với các thành viên là cách quan trọng để đảm bảo hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ, đồng thời khẳng định vai trò của công tác truyền thông trong việc thúc đẩy tinh thần và động lực cho các bạn thanh niên trong việc triển khai CĐS. Việc sử dụng truyền thông để chia sẻ thông tin về hoạt động của Tổ Thanh niên CĐS đã tạo ra tác động tích cực đến tâm lý của các bạn, giúp họ cảm nhận giá trị của công việc mình đang thực hiện và tạo động lực mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Đặc biệt, đoàn viên, thanh niên phải nỗ lực nhiều hơn, ngoài việc phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng cần phải mở rộng tầm hiểu biết về tình hình thế giới để có tư duy, hành động phù hợp hơn, góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả CĐS tại đơn vị, địa phương.

Tài liệu tham khảo:
1. https://dx.gov.vn
2. https://www.baodongthap.vn/chu...
van-dong-doan-vien-thanh-nien-va-nguoi-dan-thuc-hien-
chuyen-doi-so-trong-cong-dong-113851.aspx

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, hướng tới xã hội số 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO