Sự kiện do Hiệp hội Internet Việt Nam chủ trì được tổ chức lần đầu vào năm 2012 để kỷ niệm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet: ngày 19/11/1997.
Cuộc dịch chuyển diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Kể từ đó đến nay, chúng ta đã đi được một hành trình dài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.
Theo Thứ trưởng, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây. Cuộc dịch chuyển này sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn hơn bao giờ hết trên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thứ trưởng đưa ra các nhận định: Nếu như trước đây chúng ta nói về hạ tầng viễn thông, thì nay chúng ta nói về hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và điện toán đám mây. Nếu như trước đây chúng ta triển khai các ứng dụng, rồi chúng ta triển khai các hệ thống thông tin, thì nay chúng ta chỉ cần đơn giản sử dụng dịch vụ được cung cấp bởi các nền tảng số. Nếu như trước đây chúng ta chú trọng vào mua sắm thiết bị phần cứng, rồi chúng ta chú trọng đến các phần mềm, thì nay chúng ta chú trọng vào làm chủ dữ liệu và phân tích dữ liệu. Nếu như trước đây chúng ta nói về giao tiếp giữa người với người, thì nay chúng ta quan tâm đến cả giao tiếp giữa máy với máy. Nếu như trước đây chúng ta nói về không gian địa chỉ IPv4 thì nay là sự dịch chuyển sang không gian địa chỉ IPv6, hỗ trợ số lượng không giới hạn các thiết bị thông minh có thể kết nối mạng. Nếu như trước đây quy luật cạnh tranh là cá lớn nuốt cá bé, thì nay là cá nhanh nuốt cá chậm.
"Muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc CĐS nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
5 điểm cùng hành động
Nhân ngày Internet việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh với cộng đồng Internet Việt Nam một số nội dung lớn mang tính định hướng để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau hành động như sau:
Thứ nhất, tiếp tục mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet theo tinh thần Internet cho tất cả mọi người, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Thực hiện mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia: Mỗi người dân có một điện thoại thông minh; Mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.
Thứ hai, phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang không gian địa chỉ IPv6. Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển, thành Hub Internet của khu vực.
Thứ ba, phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và đi ra thế giới. Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số "Make in Viet Nam". Việt Nam cần nhiều hơn nữa các nền tảng số "Make in Viet Nam" có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới.
Thứ tư, đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số quốc gia, làm chủ không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Bản chất của Internet là mở, dựa trên công nghệ mở, giao thức mở. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ và ứng dụng công nghệ của thế giới, từ đó làm chủ hạ tầng Internet và không gian mạng Việt Nam.
Tại Diễn đàn công nghệ mở 2020, Bộ TT&TT và cộng đồng công nghệ đã cùng nhau cam kết và lựa chọn chiến lược mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Viet Nam.
Thứ năm, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bao gồm: an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và an ninh thông tin. Phổ cập dịch vụ số đi đôi với việc phổ cập dịch vụ an toàn, an ninh mạng cho xã hội.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng nhấn mạnh Ngày Internet Việt Nam năm 2020 là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển hơn 20 năm của Internet Việt Nam. "Quan trọng hơn, đó là cùng nhau thể hiện một khát vọng lớn lao để đưa những dấu chân số của Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trên không gian mạng toàn cầu".
Khẳng định vai trò của Internet trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA cho biết Ngày Internet Việt Nam là ngày được cộng đồng xã hội quan tâm và Internet trở thành thành thiết yếu đối với cuộc sống. Internet cũng mang lại triển vọng lớn hơn khi Việt Nam là 1 trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao. Đây là triển vọng để tiếp tục phát triển Internet, hệ sinh thái chuyển đổi số và thực hiện khát vọng CĐS Việt Nam.
Thế giới và quốc tế đánh giá về VN như thế nào qua 3 trụ cột CĐS Việt Nam
Để biết được vị thế Việt Nam ở đâu trên không gian mạng, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa chia sẻ những đánh giá của quốc tế về 3 trụ cột của Đề án CĐS quốc gia. Đề án đã xác định 3 trụ cột chính là chính phủ số, xã hội số và kinh tế số và 8 ngành ưu tiên CĐS.
Chia sẻ tại sự kiện về những đánh giá quốc tế về các chỉ số theo 3 trụ cột, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết Việt Nam năm 2019 xếp thứ 86 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), tăng 2 bậc năm 2018. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6 về Chỉ số CPĐT.
Trong các chỉ số thành phần theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạ tầng viễn thông, Việt Nam xếp hạng thứ 69 tăng 31 bậc, chỉ số dịch vụ trực tuyến xếp hạng 81, Chỉ số nguồn nhân lực xếp hạng 117. Trong Đông Nam Á, chỉ số dịch vụ trực tuyến, Việt Nam đứng thứ 5, về nguồn nhân lực đứng thứ 7, hạ tầng viễn thông đứng thứ 5.
Về kinh tế số Việt Nam, theo lĩnh vực hẹp ICT năm 2020, Việt Nam có tổng số 45.000 DN, tổng doanh thu ước tính đạt 126 tỷ USD, tăng trưởng 2,2%. Tỷ trọng thương mại hàng hóa CNTT-TT của Việt Nam năm 2019 chiếm hơn 30% tổng xuất khẩu của quốc gia và chiếm 3% tỷ trọng xuất khẩu CNTT-TT, theo UNCTAD.
Về kinh tế số dựa trên Internet, theo báo cáo e-Conomy của Google, số người dùng Internet của Việt Nam tăng vọt trong thời gian qua trên toàn cầu và trong Đông Nam Á. Trên toàn cầu, Việt Nam tăng 41%, cao nhất trong Đông Nam Á. Tuy nhiên, số người dùng mới chủ yếu ở thành thị, trong khi đó nông thôn người dùng mới là 24%.
Theo đó, ông Đường lưu ý DN viễn thông, Internet cần có thể thúc đẩy trong thời gian tới.
Cũng về kinh tế số dựa trên Internet, ông Đường thông tin Việt Nam cũng đạt tăng trưởng kinh tế Internet 16%, cao nhất trong Đông Nam Á, đạt hơn 14 tỷ USD trong năm 2020, tiếp theo là Indonesia.
Về xã hội số, theo đánh giá của GSMA Intelligent, có 5 chỉ số chính của xã hội số gồm Hạ tầng kết nối, định danh số, công dân số, phong cách số, thương mại số. Chỉ số hạ tầng kết nối, từ 2016 – 2019, Việt Nam tăng 18 điểm về hạ tầng kết nối, gấp 2 lần mức tăng trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng vẫn thấp hơn nước đứng đầu đến 30 điểm.
Về chỉ số định danh số, từ 2016 – 2019, Việt Nam tăng 21 điểm về định danh số, gấp 2,3 lần mức tăng trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với những chỉ số phát triển ICT, ông Đường cho biết CĐS Việt Nam rất cần sự cộng tác và chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương.