Giải pháp giao vận thông minh cho sự bùng nổ thương mại điện tử ở Đông Nam Á

TH| 09/10/2020 15:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Đông Nam Á hồi đầu năm 2020, thương mại điện tử (TMĐT) bỗng dưng trở thành một ngành dịch vụ thiết yếu. Không thể ghé thăm các cửa hàng do giãn cách xã hội, người tiêu dùng toàn khu vực đã lựa chọn TMĐT để mua sắm trực tuyến các mặt hàng thiết yếu hàng ngày.

Theo Viện Nghiên cứu ASEAN CIMB (CARI), doanh thu số toàn cầu đã tăng trưởng 20% trong quý 1 năm 2020, so với mức tăng 12% trong quý 1 năm 2019. Báo cáo phân tích dữ liệu từ 1 tỷ người mua sắm toàn cầu ở hơn 34 quốc gia cũng nhận thấy, lưu lượng truy cập số tăng 16% trong cùng thời gian nói trên.

Sự bùng nổ TMĐT trong bối cảnh đại dịch cũng diễn ra ở khu vực Đông Nam Á. CARI cho rằng, sự tăng trưởng của TMĐT trong khu vực được thúc đẩy dựa trên sự mở rộng trước đó của các thị trường trực tuyến, nơi các doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tiếp bán hàng hóa của mình cho người tiêu dùng.

Giải pháp giao vận thông minh cho sự bùng nổ thương mại điện tử ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

"Những công ty hàng đầu trong ngành này như Lazada, Shopee và Tokopedia đã dẫn đầu sự tăng trưởng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thông qua việc cung cấp các nền tảng có thể mở rộng, dễ tiếp cận, nơi các nhà bán lẻ nhỏ hơn có thể giao dịch trực tuyến và tiếp cận người tiêu dùng mới trong và ngoài khu vực Đông Nam Á", CARI nhận định trong báo cáo có tiêu đề "TMĐT trong trạng thái bình thường mới".

Thực tế đó cũng đặt ra thách thức cho các công ty giao vận phải đảm bảo những mặt hàng thiết yếu này tới kịp tay người tiêu dùng. Nhưng khi các hoạt động hậu cần bị gián đoạn bởi COVID-19 trên toàn thế giới, yêu cầu này trở thành một thách thức to lớn cho toàn ngành.

Những thách thức chưa từng có

Lĩnh vực TMĐT đã trải qua sự phát triển vượt bậc trong bối cảnh các nước áp dụng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sự gia tăng về nhu cầu đối với hàng hóa y tế và mua sắm trực tuyến đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi rằng, liệu các công ty giao hàng có thể bắt kịp với sự bùng nổ TMĐT hiện nay hay không.

Một báo cáo chung gần đây của Tập đoàn TMĐT iPrice Group và nền tảng định vị bưu kiện Parcel Monitor đã ghi nhận ảnh hưởng của COVID-19 đến hoạt động giao vận tại các nước. Theo đó, tác động tồi tệ nhất xảy ra ở Malaysia, nơi thời gian giao hàng đến đích tăng nhanh từ 2,1 ngày (trước giãn cách xã hội) lên 4,6 ngày (trong thời gian giãn cách xã hội). Các phương tiện truyền thông Malaysia đưa tin, nhiều khách hàng đã lên tiếng phàn nàn về việc giao hàng chậm hoặc gói hàng bị hỏng trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bày tỏ sự thất vọng trước sự chậm chạp của các dịch vụ giao hàng.

Tương tự, tại Indonesia, thời gian giao hàng đến đích tăng từ 2,3 ngày (trước giãn cách xã hội) lên 3 ngày (trong thời gian giãn cách xã hội).

Mặc dù tình hình được ghi nhận khả quan hơn ở các quốc gia thành viên ASEAN là Thái Lan và Singapore, nhưng thời gian giao hàng trung bình ở đây vẫn tăng 0,2 ngày trong những thời gian các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện.

Giải pháp giao vận thông minh cho sự bùng nổ thương mại điện tử ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới thời gian giao hàng tại khu vực Đông Nam Á

Ông Lai Chang, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Ninja Van, một công ty chuyển phát nhanh cho các đối tác TMĐT nổi tiếng như Lazada, Shopee và Zalora, chia sẻ một số nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động giao vận chung trên toàn khu vực. Thứ nhất là nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng dẫn đến sự tăng vọt về lượng bưu kiện cần chuyển phát. iPrice Group ghi nhận trong tháng 4 và 5, lượng truy cập vào các trang TMĐT tăng đến 60%. Thứ hai, bưu kiện cần chuyển phát lại trở nên cồng kềnh hơn trước. Nguyên nhân là nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng chuyển dịch từ các sản phẩm thời trang hay thiết bị cầm tay gọn nhẹ sang các mặt hàng thực phẩm đóng hộp số lượng lớn, thiết bị nhà bếp, thiết bị văn phòng. Thứ ba, cùng lúc đó thì lượng nhân viên chuyển phát làm việc lại giảm đi để đảm bảo các quy tắc giãn cách xã hội.

Parcel Monitor cũng bày tỏ lo ngại rằng những vấn đề tốc độ giao hàng đang ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Họ ghi nhận có sự gia tăng về lượng khiếu nại của khách hàng, số bưu kiện bị thất lạc và số cuộc gọi đến dịch vụ khách hàng, cho thấy một trải nghiệm kém cho tất cả các bên tham gia vào quá trình giao hàng.

Những thách thức trên đặt ra cho các công ty giao hàng trên toàn khu vực yêu cầu cần thay đổi cách thức hoạt động của họ.

Triển khai các giải pháp thông minh, sáng tạo

Khảo sát của Parcel Monitor chỉ ra rằng một giải pháp tiềm năng cho những thách thức nói trên là việc sử dụng mạng lưới tủ khóa thông minh. Những tủ khóa này sẽ vừa giúp đảm bảo dịch vụ giao hàng nhanh chóng và linh hoạt hơn vừa giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên giao hàng và khách hàng.

Chính phủ Singapore mới đây đã công bố phát triển 1.000 trạm tủ khóa thông minh trên toàn quốc, dự kiến hoàn thành trước cuối năm 2021. Ngoài ra, Malaysia cũng đã thiết lập các trạm này tại 86 nhà ga giao thông công cộng trong nước. Tại Việt Nam, sàn TMĐT Lazada đã hợp tác cùng iLogic SmartBox đặt hơn 20 tủ khóa thông minh tại các trung tâm thương mại, các khu chung cư và trường đại học ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Arne Jeroschewski, Giám đốc Điều hành của Parcel Monitor cũng đề xuất tăng cường tính rõ ràng và minh bạch trên hành trình giao hàng, vì đây sẽ trở thành một giải pháp quan trọng để cải thiện trải nghiệm khách hàng cho cả người nhận và người bán. Ông cho biết: "Khách hàng muốn biết các bưu kiện đang ở đâu, chuyện gì đang xảy ra với chúng và khi nào bưu kiện sẽ tới trước cửa nhà của họ".

Hiện nay, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển Ninja Van đã triển khai giải pháp này bằng cách cung cấp các tính năng theo dõi trực tiếp và trò chuyện trực tiếp, cho phép người nhận bưu kiện giao tiếp tốt hơn với người giao hàng. "Đây là một xu hướng giao hàng sẽ tiếp tục phát triển ở ASEAN, khi dịch vụ hậu cần TMĐT trong khu vực tiếp tục nở rộ", ông Arne Jeroschewski cho biết thêm.

Trong khi đó, thiết bị theo dõi hiện đại của FedEx mang tên SenseAware cho phép các bên bán hàng trực tuyến cập nhật liên tục các thông tin về gói hàng, bao gồm cả nhiệt độ và độ ẩm, vốn quan trọng đối với các sản phẩm thiết yếu trong thời kỳ đại dịch như thuốc men và hàng tạp hóa tươi sống.

Cuối cùng, trước sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu nhân lực, mỗi công ty đang áp dụng các giải pháp công nghệ của riêng mình với cùng mục tiêu tăng nhanh năng suất.

Theo đại diện của Viettel Post, trong năm 2020, đơn vị này sẽ áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý kho, đồng thời xã hội hóa hoạt động cho thuê kho, mục tiêu là để tối ưu công suất của hệ thống kho bãi hiện nằm rải rác ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Trong khi đó, Ninja Van tập trung vào việc tự động hóa, cho phép nhân viên của họ ít phụ thuộc vào các quy trình đào tạo dài dòng và nhanh chóng làm quen với các quy trình vận hành của công ty.

Kết quả của các giải pháp tổng hợp này đã có thể được nhìn thấy ở hầu hết các quốc gia tính tới hiện tại. Dữ liệu mới nhất của Parcel Monitor cho thấy hầu hết tốc độ giao hàng trung bình ở các quốc gia Đông Nam Á đã trở về lại mức trước COVID-19.

Các bưu kiện TMĐT của Malaysia hiện mất trung bình 3,1 ngày để đến tay người mua, mặc dù đã cải thiện đáng kể tuy nhiên vẫn còn chậm so với tốc độ giao hàng hồi đầu năm. Hoạt động giao hàng của Singapore cũng đã trở lại mức cũ trước COVID-19, trong khi Indonesia dường như cũng đang theo xu hướng tương tự.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp giao vận thông minh cho sự bùng nổ thương mại điện tử ở Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO