Việc đẩy mạnh CĐS đã tạo ra sự đột phá trong công tác điều hành quản lý phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của tỉnh Hậu Giang.
Để chuẩn bị cho việc triển khai CĐS của tỉnh, tháng 12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng CQĐT và CĐS, đây là một trong những Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới.
Tiếp đó, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng CQĐT và đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 -2025; đồng thời, thông qua chủ trương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình CĐS của tỉnh Hậu Giang diễn ra từ nhiều năm trở lại đây, đồng loạt và trên nhiều lĩnh vực. Có thể kể tới từ việc CĐS trong lĩnh vực quản lý điều hành mà nền tảng là CQĐT và đô thị thông minh cho tới từng lĩnh vực riêng như giáo dục, nông nghiệp…
Cụ thể, trong xây dựng CQĐT, CĐS được thể hiện rõ nét thông qua việc ứng dụng CNTT vào việc quản lý, điều hành của tỉnh với các hệ thống như: Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, Hệ thống cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến, Liên thông khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN), Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn quốc (PayGov), Danh mục điện tử dùng chung, Cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, CSDL quốc gia về văn bản Quy phạm pháp luật, CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Cùng với đó là hệ thống xác thực dùng chung (SSO) phục vụ việc đăng nhập một lần các hệ thống: thư điện tử, cổng DVC trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản, hệ thống trang thông tin điện tử và một số dịch vụ ĐTTM: app HauGiang, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội…
Đặc biệt, cuối năm 2020, tỉnh Hậu Giang cũng đã thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM của tỉnh. Đây được xem là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của tỉnh Hậu Giang trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng CQĐT, CĐS và ĐTTM nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN của các cơ quan nhà nước. Theo đó, Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh Hậu Giang là bộ não của chính quyền số với nhiệm vụ quản trị trung tâm dữ liệu tỉnh, giám sát điều hành an ninh trật tự, phản ánh hiện trường và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.
Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM của tỉnh Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động tháng 10/2020.
Hay như trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng CĐS cũng diễn ra trước đó nhiều năm. Cụ thể, từ cuối năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Sàn Giao dịch và truy xuất nguồn gốc "Nông sản Hậu Giang" với tên miền: https://nongsanhaugiang.com.vn, ứng dụng trên điện thoại là Agri360 (NS Hậu Giang).
Mục đích của "Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc" này phục vụ chính nông dân Hậu Giang, giúp nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay đã có trên 2.000 tổ chức và cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng; có trên 320 nông sản, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trên sàn, giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, tăng cơ hội tiếp cận với DN và góp phần giải quyết đầu ra nông sản của nông dân.
Cũng trong năm 2020, ngành Nông nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu công nghệ không gian và dưới nước - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai thí điểm công nghệ Autotimelapse trong truy xuất nguồn gốc một số loại nông sản ở Hậu Giang. Đến nay đã thực hiện thí điểm được 5 điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Autotimelapse trong nông nghiệp là bộ giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh, thông qua các đoạn video ngắn thể hiện tất cả giai đoạn phát triển của cây trồng và vật nuôi, không chỉ báo cáo hình ảnh quá trình nuôi trồng, mà còn hiển thị, phân tích các chỉ số tăng trưởng của cây trồng, vật nuôi, thông báo sự thay đổi của môi trường…
Có thể thấy, việc đẩy mạnh CĐS đã tạo ra sự đột phá trong công tác điều hành quản lý phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của tỉnh Hậu Giang. Qua đó, vừa tạo sự thuận tiện, nhanh chóng, vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho cả chính quyền và người dân, DN trên nhiều lĩnh vực.
Tiếp nối những kết quả đạt được trong lĩnh vực CĐS, năm 2021, tỉnh Hậu Giang tiếp tục khẩn trương triển khai xây dựng CQĐT, ĐTTM và CĐS, coi đây là một trong các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Tỉnh trong khu vực với tầm nhìn đến năm 2030, Hậu Giang trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực Tây Nam Bộ; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc sở TT&TT tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: CĐS đã trở thành xu thế chung trong sự phát triển, bất cứ địa phương nào muốn tạo sự đột phá thì phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó có CĐS. Với tỉnh Hậu Giang, muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững không thể đứng ngoài xu thế này. Do đó, trong những năm tới đây, CĐS chính là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh Hậu Giang với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị./.