Kinh nghiệm của Bộ Tài chính, Đà Nẵng trong thúc đẩy CĐS đạt hiệu quả cao

Hoàng Linh| 20/10/2021 15:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số (CĐS) cấp bộ, cấp tỉnh (DTI) năm 2020, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu bảng xếp hạng DTI 2020 ở khối cấp bộ, trong khi Đà Nẵng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối tỉnh/thành. Kinh nghiệm thúc đẩy CĐS của Bộ Tài chính, Đà Nẵng chính là những bài học được đúc rút từ quá trình triển khai thực tế.

Kinh nghiệm xây dựng Chính phủ số cấp bộ

Theo chia sẻ của ông Hoàng Xuân Nam, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính,trong thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng CNTT thực hiện Chiến lược phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong ngành và đạt được một số kết quả.

Cụ thể, về việc thực hiện xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực CNTT, ông Hoàng Xuân Nam cho biết trong những năm vừa qua các Luật về thuế khi được sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện thuận lợi, dành nhiều ưu đãi cho các hoạt động đầu tư KH&CN, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

"Đây có thể coi là sự quyết tâm thực hiện cải cách toàn diện hệ thống chính sách tài chính nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là tăng cường ứng dụng CNTT nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn", ông Nam nhấn mạnh.

Đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả nhiều công nghệ mới, công nghệ "lõi" gồm: công nghệ di động (mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (analytics), công nghệ điện toán đám mây (cloud) trong thực hiện cải cách TTHC, nâng cao năng lực quản trị công, nhằm tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển.

Từ năm 2017, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai cung cấp hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) Bộ Tài chính, hỗ trợ người dân, DN giải đáp các thắc mắc liên quan tới những chính sách của ngành Tài chính một cách tự động, thông minh, qua đó đã rút ngắn được thời gian trả lời, giải đáp các vướng mắc của người dân, DN.

Ông Nam cũng cho biết CSDL quốc gia về tài chính và các CSDL chuyên ngành được nghiên cứu, xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn từng bước đáp ứng được yêu cầu thông tin dữ liệu, phục vụ quản lý, điều hành và hoạch định chính sách của ngành Tài chính; đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng, đảm bảo tính liên kết, tích hợp, chia sẻ thông tin, giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.

Toàn ngành Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống CNTT nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng cũng như giải quyết nhanh các yêu cầu tăng trưởng hạ tầng phần cứng trong thời gian ngắn.

Đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan, ngành Tài chính đã có quyết tâm và nỗ lực lớn để triển khai tốt các Nghị quyết của Chính phủ như triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử đều vượt chỉ tiêu đề ra. Đến tháng 9/2021, số DN sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đã đạt hơn 99%; 99,11% DN đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử...

Theo ông Nam, việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ứng dụng CNTT trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của Ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội. Kết quả ứng dụng CNTT đã mang lại sự cải thiện đáng kể trong công tác quản lý tài chính ngân sách theo hướng hiện đại, từng bước tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát tài chính, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ,... tăng độ chính xác, tính kịp thời và minh bạch trong báo cáo tài khoá, kế toán và thống kê NSNN.

Năm 2018, Bộ Tài chính được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2018 trong hạng mục "Tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc" dành cho khối cơ quan của Chính phủ.

Chia sẻ ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số của ngành Tài chính, ông Hoàng Xuân Nam cho biết toàn ngành Tài chính đã tập trung nguồn lực, chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt trong triển khai xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong toàn ngành Tài chính về việc triển khai xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số.

"Bộ Tài chính đã tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Bộ, đặc biệt là sự chủ động tham gia, đồng hành của các đơn vị nghiệp vụ trong việc rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT", Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, nhấn mạnh.

Ngoài ra, việctriển khai CPĐT hướng tới Chính phủ số cần phải thực hiện kiên trì, thường xuyên với những mục tiêu và giải pháp rõ ràng. Xác định một cách cụ thể vấn đề ứng dụng CNTT trong giai đoạn hiện nay không phải là nhằm mục tiêu tin học hóa các quy trình nghiệp vụ, mà là những giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi nghiệp vụ lấy phân tích dữ liệu và nghiệp vụ thông minh (BI) giữ vị trí trung tâm, và nghiệp vụ bắt đầu vai trò dẫn dắt các thay đổi của tổ chức. Do đó, cần làm thế nào để có thể sử dụng dữ liệu tốt nhất để giải quyết các ưu tiên quan trọng và tạo ra cải tiến và chuyển đổi dịch vụ được phản ánh ở các đơn vị nghiệp vụ riêng lẻ.

Cũng theo ông Hoàng Xuân Namcần chú trọng xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách CĐS. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành thực hiện CĐS trong ngành Tài chính, các chính sách tài chính tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong triển khai Tài chính số.

Cuối cùng, việc triển khai CPĐT hướng tới Chính phủ số cần phải phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào các lĩnh vực hoạt động của ngành, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng công nghệ về dữ liệu lớn, AI, chuỗi khối, Internet vạn vật (AI)... Thường xuyên đào tạo, tập huấn về cuộc CMCN lần thứ 4 cũng như CĐS ngành Tài chính.

CĐS là "động lực" trong phát triển TP. Đà Nẵng

Chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy CĐS của Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc, Sở TT&TT TP. Đà Nẵng cho biết trong quá trình triển khai CĐS, Đà Nẵng đúc kết được 7 bài học.

Đầu tiên, ông Trần Ngọc Thạch cho biết lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Thành uỷ, UBND quyết tâm và cam kết thúc đẩy CĐS. Sự quan tâm đó được thể hiện thông qua Nghị quyết 05 của Ban chấp hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành về CĐS đến 2025, định hướng 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của BTVTU về phát triển hạ tầng CNTT-TT tiếp cận cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0; Chương trình số 37-CT/TU ngày 31/01/2020 của BTVTU về "Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng CMCN 4.0 gắn với xây dựng CQĐT, TPTM"; Nghị quyết số 270/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố về việc Quy định chính sách hỗ trợ phát triển CNTT.

Các Nghị quyết, Chương trình đều nhận định quyết tâm chính trị, cam kết của lãnh đạo thành phố CĐS là "động lực" trong phát triển thành phố; nhận thức "Chính quyền" là tiên phong trong CĐS và đặc biệt "Chính quyền" bao gồm CQNN, các cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể tham gia vào thực hiện CĐS. Hiện nay các cơ quan Đảng sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành (VBĐH) chung với các cơ quan hành chính nhà nước. TP. Đà Nẵng cũng đã chọn ngày 28/8 hàng năm được chọn là ngày CĐS TP. Đà Nẵng và cam kết dành 1% ngân sách cho CĐS.

Kinh nghiệm của Bộ Tài chính, Đà Nẵng trong thúc đẩy CĐS đạt mức cao - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính công TP. Đà Nẵng (Ảnh: zing.vn)

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cũng cho biết Đà Nẵng đã ban 2 kiến trúc là kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) và kiến trúc TPTM. Theo đó, CQĐT theo mô hình tập trung (hạ tầng, cơ sở dữ liệu (CSDL), nền tảng, ứng dụng tập trung), các cơ quan hầu như chỉ sử dụng, không vận hành. TPTM triển khai vừa tập trung, vừa phân tán, trong đó các cơ quan sử dụng đầu tư và vận hành thiết bị đầu cuối thu thập dữ liệu (IoT) và sử dụng kết quả phân tích dữ liệu để điều hành và dựa trên trục hạ tầng - dữ liệu - ứng dụng thông minh và các tổ chức tham gia vào triển khai ứng dụng đều phải tuân thủ hai kiến trúc này. "Đà Nẵng xác định triển khai CĐS để tiến tới TPTM".

Kinh nghiệm thứ ba được ông Thạch chia sẻ là Đà Nẵng triển khai các ứng dụng theo nhu cầu của người dân, DN; với phương châm "hiện diện khi cần" và "hiệu chỉnh ngay khi góp ý".

Hiện nay tổng đài 1022 tiếp nhận các ý kiến của người dân về các thông tin CĐS và tư vấn và thành lập cổng CĐS tại địa chỉ https://dx.danang.gov.vn khảo sát trực tuyến nhu cầu CĐS của DN, người dân để người dân hiểu được CĐS là gì và có ý kiến, đề xuất. Các thông tin CĐS từ cẩm nang CĐS của Bộ TT&TT đã được Đà Nẵng trích xuất và gửi đến Zalo của 90% người dân. Đà Nẵng cũng thống nhất lấy bộ chỉ số DTI của Bộ TT&TT làm lõi, thước đo trong triển khai và đánh giá kết quả ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương theo từng năm.

Kinh nghiệm thứ tư là Đà Nẵng xác định hạ tầng CNTT-TT đi trước một bước, ưu tiên dự án chỉ tập trung triển khai ứng dụng, triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp trước (về phạm vi hoặc về chức năng) sau đó mở rộng, nhân rộng.

Thứ năm, Đà Nẵng kế thừa các kết quả của CQĐT; đặc biệt là khai thác các CSDL để phục vụ chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ số và chia sẻ, dùng chung (hiện nay Đà Nẵng có một kho dữ liệu gồm 24 CSDL chia sẻ trên LGSP cho các CQNN và cổng dữ liệu mở với 570 tập dữ liệu, chia kho dữ liệu dùng chung sẻ qua API, web, Zalo, SMS cung cấp 41 nhóm API, 20 triệu lượt truy cập sử dụng chung).

Thứ sáu, Đà Nẵng triển khai dạng nền tảng thay vì các ứng dụng đơn lẻ mang lại hiệu quả cao, triển khai nhanh, chi phí thấp. Ví dụ, tiêu biểu là nền tảng Cổng DVC cho phép tạo lập, hiệu chỉnh nhanh các DVC trực tuyến (tối đa 10 phút/01 DVC trực tuyến) khi TTHC được ban hành mới hoặc thay đổi; kho dữ liệu và nền tảng LGSP cho phép triển khai nhanh các ứng dụng (giấy đi đường QR Code triển khai trong 04 ngày, triển khai QR Code khai báo y tế (xanh, vàng) trong 06 ngày,..).

Cổng DVC thành phố đã có gần 100%DVC trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4; 84,5%DVCTT mức 4; thí điểm sử dụng dữ liệu số thay thế thành phần hồ sơ (sổ đỏ, sổ hộ khẩu, giấy phép đăng ký kinh doanh).

Thứ bảy, Đà Nẵng đã huy động sự tham gia của DN địa phương trong triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ, đồng thời qua đó phát triển sản phẩm Make in Da Nang/Make in Viet Nam. Ví dụ như trạm đo mưa, nền tảng VMS, nền tảng quan trắc môi trường, camera giao thông thông minh, các ứng dụng phòng chống dịch COVID-19.../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm của Bộ Tài chính, Đà Nẵng trong thúc đẩy CĐS đạt hiệu quả cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO