Làm sao để thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng?

Lê Phương/BNEWS/TTXVN (Thực Hiện)| 18/04/2021 15:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước đến cuối 2020, có khoảng 60-70% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, thậm chí là thực thi chiến lược chuyển đổi số của mình.

Làm sao để thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng? - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm chuyển đổi số toàn diện. Câu chuyện số hóa không chỉ diễn ra với các ứng dụng giúp tăng trải nghiệm khách hàng mà còn đi từ các khâu cốt lõi trong quản trị nội bộ của mỗi ngân hàng.

Xoay quanh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Phóng viên: Xin ông cho biết thói quen tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân đã thay đổi ra sao, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19?

TS. Cấn Văn Lực: Năm 2020, những dịch vụ gắn với di động, internet như mobile banking, internet banking, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tăng rất mạnh. Riêng mobile banking tăng trên 100% còn internet banking tăng khoảng 30%. Dịch COVID-19 khiến người dân cảm thấy ngại dùng tiền mặt nhiều hơn, bởi tiền mặt được cho là một trong những yếu tố có thể làm lây lan dịch bệnh.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã có các chương trình phần mềm, ứng dụng di động (app) và website riêng về ngân hàng số khá tiện lợi và có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng.

Ví dụ tại BIDV, riêng năm 2020, số lượng khách hàng dùng mobile banking tăng từ 3 triệu người lên 4,5 triệu, tức tăng 50% so với năm trước. Đây là mức kỷ lục trong 5 năm vừa qua khi BIDV triển khai dịch vụ chuyển đổi sổ.

Khách hàng cũng dùng internet để đối chiếu, so sánh các điều kiện, điều khoản về lãi suất, tỷ giá, tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng khác nhau, từ đó mới đi đến quyết định gửi tiền ở đâu. Rõ ràng sự phát triển của công nghệ đã và đang thay đổi hành vi, thói quen của khách hàng. Tất nhiên, vẫn còn một số người tiêu dùng e ngại về rủi ro, kỹ thuật hoặc ở nơi không có internet. Đó là một số rào cản mà trong việc phát triển chuyển đổi số trong ngành ngân hàng cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Phóng viên: Thói quen thay đổi như vậy tác động ra sao đến quá trình chuyển đổi số của các tổ chức tài chính ngân hàng, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Thương mại điện tử phát triển nhanh thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng phát triển nhanh hơn. Khi đó người dân cũng mong muốn đã mua hàng online thì cũng nên thanh toán online.

Gần đây nhất là dịch vụ Mobile Money đã được Chính phủ quyết định thí điểm 2 năm theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) hồi tháng 3 vừa qua. Đây cũng là một cú huých để tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái số, chuyển đổi số của hệ thống tài chính ngân hàng.

Không chỉ vậy, ngành công an cũng đã vào cuộc quyết liệt hơn, nỗ lực để sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cá nhân. Đây là việc rất quan trọng khi Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu cho xác thực khách hàng điện tử (eKYC) từ đầu tháng 12/2020. Có thể thấy, đã có sự đồng bộ giữa các cơ chế chính sách, dữ liệu, nhận thức, điều này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: Nhắc tới chuyển đổi số, bên cạnh những sản phẩm, dịch vụ dành cho khách hàng, vấn đề cốt lõi từ trong các khâu quản trị nội bộ của các ngân hàng có thay đổi ra sao, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước đến cuối 2020, có khoảng 60-70% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, thậm chí là thực thi chiến lược chuyển đổi số của mình. Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng đã tự động hóa một phần, một số những quy trình hoặc sản phẩm liên quan đến thanh toán, kế toán, tài trợ thương mại...

Trí tuệ nhân tạo cũng đã được ứng dụng để phân tích, đánh giá hành vi khách hàng; tích cực đầu tư công nghệ thông tin để nâng cấp hạ tầng số của tổ chức tín dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.

Đồng thời, các ngân hàng cũng liên tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số. Một loạt các ngân hàng đã công bố dịch vụ mới trong thời gian vừa qua. Đây cũng là cuộc đua của các ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Phóng viên: Trong cuộc đua chuyển đổi số này, lâu nay người ta vẫn nhắc tới sự cạnh tranh giữa các công ty công nghệ tài chính (Fintech) với ngân hàng. Thực tế này hiện nay ra sao, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, giữa các công ty công nghệ tài chính và ngân hàng có sự cạnh tranh nhưng vẫn có sự hợp tác. Thứ nhất về cạnh tranh, tất nhiên cạnh tranh cũng không quá quyết liệt vì phân khúc khách hàng của hai đối tượng này tương đối khác nhau. Với Fintech, khách hàng thường nhỏ lẻ và chưa có tài khoản ngân hàng hoặc ở những nơi tương đối xa xôi, hẻo lánh. Còn với ngân hàng, đối tượng chính là khách hàng truyền thống, cộng với một số khách hàng mới. Đối với nhóm khách hàng mới và nhỏ lẻ này các ên cũng đã và đang cạnh tranh.

Thứ hai về hợp tác, nhiều tổ chức tín dụng đã ký thỏa thuận hợp tác với các Fintech để tạo ra hệ sinh thái, tận dụng lợi thế của nhau.

Các công ty công nghệ tài chính và các ngân hàng có sự phối kết hợp để tạo lập một hệ sinh thái. Ví dụ như dạng open banking, tức là hệ sinh thái ngân hàng mà ở đó ngân hàng sẽ là trụ cột chính, còn xung quanh vệ tinh, các Fintech và các tổ chức cũng như ứng dụng dịch vụ khác như là y tế, giáo dục.

Phóng viên: Phương thức định danh điện tử cùng với trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng để hỗ trợ các giao dịch. Bên cạnh sự tiện lợi, người dùng vẫn lo ngại về tính an toàn, bảo mật. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

TS. Cấn Văn Lực: Phương thức xác thực điện tử (eKYC) vẫn còn tương đối mới tại Việt Nam. Lâu nay chúng ta quên giấy tờ nhưng giờ với eKYC, không cần khách hàng phải đến ngân hàng mà sẽ thông qua app để đối chiếu xác thực thông tin, dữ liệu khách hàng có thể bằng vân tay, mống mắt, khuôn mặt và có thể qua giọng nói.

eKYC đã và đang được các ngân hàng triển khai tích cực bắt đầu từ tháng 12/2020 khi Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép xác thực điện tử. Trục trặc kỹ thuật là vấn đề khiến người dùng lo ngại. Đặc biệt, một số ứng dụng lừa đảo đã và đang thịnh hành trong thời gian vừa qua cũng khiến tâm lý e ngại của người tiêu dùng tăng lên.

Chính vì thế, hệ thống ngân hàng đã chủ động, thông báo, cảnh báo với khách hàng về những ứng dụng không chính thống, cẩn trọng xác thực thông tin ứng dụng trước khi dùng. Trong quá trình tác nghiệp, đôi khi vẫn còn trục trặc kỹ thuật dù hệ thống ngân hàng có thể xử lý được ngay nhưng vẫn làm người tiêu dùng cảm thấy băn khoăn.

Phóng viên: Vậy còn với các cơ quan quản lý tại Việt Nam thì ông có kiến nghị nào để có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số này bắt kịp với xu hướng thế giới mà vẫn đảm bảo an toàn trong giao dịch tài chính?

TS. Cấn Văn Lực: Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số Việt Nam nói chung và mô hình kinh doanh mới; trong đó có lĩnh vực tài chính tiền tệ như ngân hàng số và Fintech.

Thứ hai, cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu bao gồm cả dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp, công ty để việc xác thực và giao dịch mua bán được tiến hành thuận lợi, chính xác và nhanh chóng.

Thứ ba, cần tiếp tục gia cố và nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Việt Nam đã có mạng 5G nhưng rõ ràng tại một số nơi vẫn có hiện tượng thiếu ổn định, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Thứ tư, phải nâng cao sự hiểu biết của người dân, của doanh nghiệp về dịch vụ này. Theo tôi cần sớm triển khai chương trình giáo dục tài chính như là một trụ cột trong thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện mà Thủ tướng đã ban hành.

Cuối cùng là sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp để tạo ra những hệ sinh thái tiện lợi, mang đến nhiều tiện ích cho các tổ chức tín dụng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan
  • Bốn nguy cơ an toàn bảo mật của ngành ngân hàng
    Ngành ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ với việc áp dụng công nghệ mới như AI, blockchain và phát triển dịch vụ tài chính số hóa, giúp cải thiện hiệu quả và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, ngành tài chính ngân hàng cũng đối mặt với thách thức lớn về bảo mật thông tin.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO