Làm việc kết hợp: mô hình được áp dụng nhiều nhất kể cả khi đại dịch qua đi

HL| 09/11/2021 11:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong những tác động của dịch COVID-19 là thúc đẩy phương thức làm việc của các tổ chức, đơn vị từ trực tiếp truyền thống chuyển lên online. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều chúng ta có thể chuyển đổi mô hình như thế mà sẽ có một giai đoạn chuyển giao, tích hợp cả trực tiếp và trực tuyến.

Ông Lưu Tiến Đạt, chuyên gia tư vấn giải pháp Moderm Workplace và Security, Microsoft Australia, Microsoft Việt Nam đã có những chia sẻ về xu hướng làm việc trong giai đoạn "bình thường mới".

Làm việc kết hợp là mô hình thích hợp, được áp dụng kể cả sau khi đại dịch qua đi - Ảnh 1.

Ông Lưu Tiến Đạt: DN chuyển đổi số sẽ có lợi thế

PV: Theo ông, trong giai đoạn "bình thường mới" này, mô hình làm việc như thế nào là thích hợp nhất?

ÔngLưu Tiến Đạt:Theo dữ liệu từ Work Trend Index 2021 do Microsoft khảo sát hơn 30.000 người ở 31 quốc gia và phân tích thông tin từ các công cụ làm việc và Linkedin cho thấy có hơn 70% người làm việc mong muốn làm việc từ xa có thể được tiếp tục, 65% mong muốn có nhiều thời gian gặp trực tiếp với nhóm của họ hơn; và 66% lãnh đạo doanh nghiệp (DN) xem xét thiết kế lại văn phòng làm việc để phục vụ cho môi trường làm việc kết hợp (hybrid work environment). Từ dữ liệu này cho thấy, mô hình làm việc kết hợp đang và sẽ là mô hình thích hợp và được áp dụng nhiều nhất, kể cả sau khi đại dịch qua đi.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự thích ứng của các DN Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình làm việc khi dịch bùng phát?

ÔngLưu Tiến Đạt: Đại dịch xảy ra bắt buộc các DN phải nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi và hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa, và DN Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Tuy rất ít DN có thể hoàn toàn thích ứng ngay với sự thay đổi này, sẽ có sự khác biệt trong trong tốc độ và độ sẵn sàng giữa các DN.

Với các DN đã có kế hoạch rõ ràng hoặc đang trong giai đoạn chuyển đổi số (CĐS), họ sẽ có lợi thế trong việc thích ứng thông qua tầm nhìn, chiến lược, con người, và công nghệ. Trong khi đó, các DN chưa có kế hoạch cụ thể sẽ khó khăn hơn trong sự thay đổi bắt buộc này, nhất là về khía cạnh cơ sở hạ tầng công nghệ.

PV: Một số khó khăn của các tổ chức, DN khi ứng dụng mô hình làm việc tích hợp như vậy?

ÔngLưu Tiến Đạt: Đầu tiên cần phải nói đến yếu tố con người, việc thay đổi cách thức làm việc đột ngột là một thách thức trong thời gian đầu, khi họ cũng phải thay đổi và thích ứng ngay với mô hình này. Việc thay đổi này có thể dễ dàng với một số người, một số ngành nghề, nhưng sẽ khó khăn hơn cho các ngành nghề khác, nơi mà bạn cần phải có mặt tại công ty, nơi sản xuất.

Làm việc từ xa cũng tạo nên khoảng cách xa hơn giữa các cấp quản lý và nhân viên, cũng như giữa các nhân viên với nhau. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc cũng như hiệu quả công việc.

Với các DN mà cơ sở hạ tầng CNTT vẫn còn phụ thuộc lớn vào các hệ thống tại chỗ, các DN này sẽ thiếu đi khả năng linh động trong việc mở rộng và đáp ứng nhu cầu thay đổi đột ngột này của người dùng. Áp lực không chỉ đến từ việc làm sao có thể cung cấp công cụ để người dùng có thể làm việc từ xa hiệu quả mà vẫn phải đảm bảo về mặt an toàn bảo mật (secure hybrid work). Người dùng có thể tự do lựa chọn công cụ trao đổi thông tin mà họ cảm thấy thuận tiện, nhưng từ góc nhìn của DN họ cần giải pháp đảm bảo cả thuận tiện và an toàn, nhất là khi các cuộc tấn công mạng vào người dùng cuối đang ngày càng tăng và nguy hiểm hơn, trung bình 50 triệu tấn công nhằm lấy công thông tin mật khẩu xảy ra mỗi ngày, 579 mỗi giây.

PV: Từ góc nhìn người lao động, thách thức và sự thuận lợi này là gì?

ÔngLưu Tiến Đạt: Thuận lợi của việc làm việc từ xa hoặc làm việc kết hợp (hybrid) có thể kể đến như cách làm việc và thời gian linh động, tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc vận chuyển. Người lao động có thể chủ động sắp xếp và hài hòa giữa công việc và cuộc sống.Tuy nhiên, những thuận lợi này cũng mang lại thách thức không nhỏ. Làm việc linh động nhưng cũng đòi hỏi người lao động cần phải tự giác và có tính kỷ luật cao hơn với bản thân và công việc để đảm bảo hiệu suất làm việc. Hài hòa giữa công việc và cuộc sống khi làm việc tại nhà có thể là một thách thức lớn, đặc biệt với các lao động đã có gia đình hoặc con nhỏ.

Một thách thức nữa không thể không kể đến chính là thiếu đi sự tương tác với đồng nghiệp, kể cả là khi chỉ thông qua mạng, nhưng người lao động cần duy trì các tương tác này để cảm thấy không bị cô lập và rơi vào các khủng hoảng liên quan đến tinh thần khi phải làm việc tại nhà quá lâu.

PV: Dịch COVID-19 khiến cuộc sống không thể trở lại như cũ. Vậy ông dự đoán trạng thái "bình thường mới" với mô hình làm việc kết hợp như vậy sẽ kéo dài trong bao lâu? Và sau đó, dự đoán, mô hình làm việc nào sẽ thay thế mô hình kết hợp như trên?

ÔngLưu Tiến Đạt: Như có đề cập ở trên, theo các nghiên cứu và dữ diệu từ Microsoft, và theo nhận định của cá nhân tôi, mô hình làm việc kết hợp - lai (hybrid working) sẽ tiếp tục tồn tại sau khi đại dịch kết thúc. Đây là mô hình tối ưu đảm bảo sự tương tác trực tiếp cần có theo cách truyền thống và vẫn mang đến sự linh động cần thiết cho người lao động (lựa chọn làm việc từ xa, bất cứ đâu)./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm việc kết hợp: mô hình được áp dụng nhiều nhất kể cả khi đại dịch qua đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO