Nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Giang Nam| 21/09/2022 14:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn FDI đã và vẫn đang đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Và trên thực tế qua nhiều năm, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.

Việt Nam giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư tin cậy

Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn FDI đã và vẫn đang đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án lớn.

Bên cạnh đó, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài còn góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Nhận diện được ý nghĩa và vai trò của nguồn vốn FDI đối với Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn. Bản thân các doanh nghiệp cũng không ngừng hoàn thiện về mặt nhân lực, dây chuyền sản xuất để thu hút các nhà đầu tư. Đáp lại những nỗ lực ấy, qua nhiều năm, tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%.

Bước sang năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh COVID-19. Trong tháng đầu tiên của năm 2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, vốn FDI thực hiện trong tháng cũng đạt 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được đánh giá là tín hiệu tích cực cho dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022.

Vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,19 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 599,9 triệu USD, chiếm 18,7%; các ngành còn lại đạt 422,7 triệu USD, chiếm 13,1%.

Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 626,6 triệu USD, chiếm 19,5%; Trung Quốc 379,5 triệu USD, chiếm 11,8%; Đài Loan 219,9 triệu USD, chiếm 6,8%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 191,7 triệu USD, chiếm 6%.

Bên cạnh đó, Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm nay ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã "rót" gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy rằng Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy. Các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng

Bốn vấn đề mang tính chiến lược để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI

Các chuyên gia cho rằng, để tranh thủ thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đầu tiên phải chú trọng đến những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, cụ thể là: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định. Đây là những điều kiện tiên quyết để các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU luôn đặt làm điều kiện quyết định.

Thứ hai, cần chủ động xây dựng lĩnh vực ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn FDI phù hợp với nhu cầu phát triển của các địa phương. Đối với các địa phương đã phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý, nhanh chóng bắt tay chuyển đổi số. Điều này giúp các doanh nghiệp FDI có các công ty phù trợ để đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

Thứ tư, Chính phủ và các địa phương cần rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO