Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước TT&TT trực tuyến tháng 11/2020 được tổ chức hôm nay 30/11/2020.
4 thông tư mới góp phần cải cách thủ tục hành chính
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký ban hành 8 thông tư, trong đó có 7 thông tư thuộc lĩnh vực viễn thông, 1 thông tư thuộc lĩnh vực báo chí – truyền thông, trong đó có một số văn bản nổi bật.
Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, có Thông tư số 32 ngày 4/11/2020 quy định danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng, theo hướng loại bỏ các dịch vụ viễn thông sử dụng các công nghệ lỗi thời, đồng thời cập nhật bổ sung các dịch vụ viễn thông mới 3G, 4G, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ mạng lưới.
Thông tư số 33 ngày 4/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08 năm 2013, quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông. So với thông tư 08, Thông tư mới đã cập nhật bổ sung hình thức nộp hồ sơ trực tuyến đối với việc công bố chất lượng dịch vụ viễn thông, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, góp phần đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Viễn thông.
Thông tư số 36 ngày 13/11/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40 năm 2016 quy định về đào tạo, cấp gia hạn, cấp lại, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện điện (VTĐ) hàng hải. So với Thông tư 40 trước đây, thông tư mới đã bổ sung quy định cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, đáp ứng triển khai dịch vụ công (DVC) mức độ 4, giải quyết vấn đề khó khăn trong việc đào tạo, cấp gia hạn, cấp lại chứng chỉ VTĐT viên hàng hải.
Thông tư số 37 ngày 13/11/2020 quy định sử dụng kênh tần số cho truyền hình số mặt đất băng tần 470 - 694 MHz. Thông tư này nhằm sắp xếp lại các kênh tần số, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng kênh tần số cho truyền hình, đảm bảo sử dụng tần số ổn định lâu dài và góp phần giải phóng băng tần 600 MHz trong tương lai.
Trong lĩnh vực Báo chí – Truyền thông, có Thông tư số 39 ngày 14/11/2020 quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-TT. Đây là thông tư đầu tiên ban hành quy định nội dung và yêu cầu quản lý của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT - viễn thông, bao gồm các thành phần cơ bản cũng như các yêu cầu kỹ thuật hay mô hình kết nối hay yêu cầu chia sẻ dữ liệu, ATTT, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức quản lý, nhằm thực hiện chuyển đổi số, hướng tới hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở.
Ngoài ra, trong năm 2020, Bộ TT&TT được giao xây dựng 7 Nghị định, trong đó 2 Nghị định đã được ban hành, 4 Nghị định Bộ TT&TT đã trình Chính phủ, 1 Nghị định Bộ đang xây dựng và sẽ hoàn thành trong tháng 12/2020.
Nhiều chỉ tiêu lĩnh vực đạt 100% vào cuối năm 2020
Cũng tại Hội nghị, Văn phòng Bộ TT&TT đã thông báo một số chỉ tiêu, tiêu chí phát triển lĩnh vực quan trọng mà Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đã giao.
Cụ thể, trong lĩnh vực bưu chính, hệ thống mã địa chỉ gắn với bản đồ số Vmap đã hoàn thành gắn mã cho hơn 23,4 triệu địa chỉ trên nền tảng bản đồ số Vmap. Về xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) DN bưu chính và định hướng chuyển đổi số cho các DN bưu chính, hiện nay, Vụ Bưu chính đã xây dựng xong bước 1 các CSDL các DN bưu chính.
Trong lĩnh vực Viễn thông, theo yêu cầu các địa phương lập quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới thì hiện nay có 38 tỉnh/thành phố đã lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Cục Viễn thông sẽ hướng dẫn các tỉnh/thành/địa phương đảm bảo 100% các địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch này. Về tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TT&TT đạt từ 17% - 20%, hiện nay đạt 15% và dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt 17%. Về tỷ lệ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao theo yêu cầu của Bộ trưởng là phải đạt trên 90% thì hiện nay, tỷ lệ này là 93,1%.
Về tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định/100 dân đạt tối thiểu 16,1% thì hiện nay tỷ lệ này đã đạt 17,1%. Về tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt tối thiểu 70%, thì hiện nay tỷ lệ này đạt 74,34%. Về tỷ lệ người sử dụng Internet/100 dân đạt tối thiểu 71,5%, hiện nay ước đạt 70,5%.
Về lĩnh vực intetnet, mục tiêu có 100 thành viên kết nối trạm trung chuyển kết nối Internet quốc gia VNNIC, hiện nay mới đạt 46 thành viên và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đạt từ 48 - 51 thành viên. Về tỷ lệ thị phần đăng ký sử dụng tên miền .vn đạt trên 50%, hiện nay tỷ lệ này là 50,64%.
Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT thì tỷ lệ các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh LGSP hiện nay đã đạt 97,64% và dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ các cơ quan nhà nước (CQNN) công khai mức độ hài lòng của người dân về sử dụng DVC trực tuyến hiện nay đạt 87,8%. Nhiệm vụ này đã vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết số 17 của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019 - 2020 là 50% và hiện Bộ phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 100%. Về tỷ lệ DVCTT mức độ 4 là 50%, hiện nay mới đạt 27,01% và dự kiến đến hết năm 2020 sẽ đạt tối thiểu là 30%.
Về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 50% thì hiện nay tỷ lệ này mới đạt 40,39%, dự kiến đến hết năm 2020 cũng sẽ đạt 50%. Về tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 50% thì hiện nay tỷ lệ đạt 22,98% và đến hết năm dự kiến đạt 23,5%.
Về việc đào tạo 100 chuyên gia chuyển đổi số cho các Bộ, ngành, địa phương thì hiện nay đã hoàn thành kế hoạch năm 2020 về chương trình đào tạo cho 100 chuyên gia. Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, số lượng các bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam đã triển khai bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp là 80/83, đạt tỷ lệ 96,4%, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành 100%.
Về số lượng bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT hiện nay đạt 80/83, đạt tỷ lệ 94,6%, dự kiến đến hết năm 2020 đạt 100%.
Về việc các DN viễn thông, DN cung cấp dịch vụ Internet đầu tư triển khai các biện pháp kỹ thuật bảo đảm khả năng xử lý các nguồn thông tin vi phạm pháp luật, các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh mạng quốc gia theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, hiện nay đã đạt tỷ lệ 100%.
Về chỉ tiêu đến hết năm 2020, Việt Nam lọt vào nhóm các nước từ 45 - 50 dẫn đầu về chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu GCI của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), hiện Việt Nam đang đứng thứ 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu.
Trong lĩnh vực ICT, tỷ lệ 1000 dân có 1 DN công nghệ số, hiện nay 1000 dân có 0,6 DN công nghệ số, tăng 0,12% so với năm 2019 đạt 0,48 DN.
Về việc sản xuất thiết bị 5G Việt Nam, các DN Viettel, Vinsmart đã hợp tác sản xuất được các thiết bị trạm gốc 5G, mạng lõi 5G và smartphone 5G của Việt Nam. Yêu cầu sản xuất smartphone 4G dưới 1 triệu đồng trong năm 2020, Viettel, Vinsmart đã triển khai giai đoạn 2 chương trình phổ cập smartphone với tổng số lượng máy lên tới 56.000 chiếc điện thoại với giá trung bình 600.000 đồng/chiếc.
Về thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp CNTT tập trung, hiện nay đã thành lập khu công nghiệp CNTT tập trung Đà Nẵng, nâng tổng số khu công nghiệp CNTT tập trung trên cả nước lên 5 và có 2 khu công nghiệp CNTT tập trung đã được bổ sung vào quy hoạch là khu công nghiệp CNTT Yên Bình và khu công nghiệp CNTT Cần Thơ.
Trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, liên quan đến việc thực hiện Quy hoạch báo chí, báo cáo cho biết hiện nay có 59/78 cơ quan, tổ chức, địa phương đã hoàn thành quy hoạch báo chí và dự kiến đến hết năm 2020 thì sẽ có 76/78 cơ quan, tổ chức, địa phương sẽ hoàn thành.
Về nội dung đấu tranh đối với các DN xuyên biên giới xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng, hiện nay Cục PTTH&TTĐT đang phối hợp với Cục ATTT thường xuyên thực hiện rà soát, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng. Đối với Facebook, tỷ lệ gỡ, chặn nội dung vi phạm đạt tới 95%. Đối với Google, tỷ lệ chặn, lọc nội dung xấu độc đạt 87%.
Về yêu cầu 100% các tỉnh, thành phố có thiết bị truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông, hiện nay cả nước có 42 tỉnh/thành có 228 đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông, tăng 156 đài, gấp hơn 2 lần so với 2019. Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 4 tỉnh, thành phố triển khai đầu tư thí điểm, nâng tổng số lên 46 tỉnh/thành có đài truyền thanh ứng dụng CNTT- Viễn thông.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong Bộ TT&TT
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cuối năm các đơn vị phải nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng cũng đã giao các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 12/2020 về xây dựng kế hoạch công tác năm 2021 và định hướng công tác 5 năm của các đơn vị.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo việc tổ chức Diễn đàn DN số Việt Nam; Chuẩn bị công bố Bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội; Công tác luân chuyển cán bộ trong các đơn vị của Bộ.
Theo Bộ trưởng, các đơn vị phải có kế hoạch đào tạo nhân viên xuất sắc. Cấp trưởng các đơn vị phải thực hiện đào tạo, sâu sát với nhân viên, giao việc cho nhân viên và thử thách cho nhân viên. Đối với cán bộ tập sự cấp phó, cấp trưởng phải giao nhiệm vụ để thử thách. Cấp phó tập sự phải có thành tích xuất sắc thì mới xem xét bổ nhiệm chính thức. Bộ có thể luân chuyển chéo cán bộ để phát hiện khả năng, năng lực cán bộ để đáp ứng chuyển đổi số.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ Đại hội Đảng là ưu tiên số 1. Hệ thống CNTT của Bộ phải được tăng cường bảo mật.
Về chuyển đổi số trong Bộ TT&TT, Bộ trưởng yêu cầu phải gương mẫu, làm mẫu cho các bộ ngành. Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ sẽ do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng làm thường trực. Trước 10/12, các đơn vị phải có kế hoạch hành động và đẩy nhanh chuyển đổi số, đến hết tháng 6/2021 phải hoàn thành chuyển đổi số của Bộ.