Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao

TH| 15/04/2021 15:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.

Chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp công nghệ cao

Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp (DN) công nghệ cao do Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 16/3/2021 sẽ có hiệu lực từ ngày 30/4/2021. Theo đó, DN công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau.

Thứ nhất, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của DN.

Thứ hai, tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm đạt mức nhất định tùy vào quy mô và doanh thu. Cụ thể, DN có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%; DN không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; DN còn lại phải đạt ít nhất 2%.

Thứ ba, tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của DN (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động. Cụ thể, DN có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; DN không thuộc trường trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%; Đối với DN còn lại phải đạt ít nhất 5%.

Tại Việt Nam, để thu hút nguồn lực đầu tư vào các khu công nghệ cao, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế đối với DN công nghệ cao. Cụ thể, ưu đãi thuế suất thu nhập DN (TNDN) là 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.

Doanh thu từ chuyển giao công nghệ cao trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng được miễn thuế. Thậm chí, thuế suất ưu đãi có thể được gia hạn thêm 15 năm tùy theo quyết định của Chính phủ. Miễn tiền thuê đất lên đến 15 năm hoặc thậm chí là toàn bộ thời gian của dự án.

Miễn thuế nhập khẩu được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu dùng để xây dựng tài sản cố định. Ngoài ra, các nguyên liệu và vật tư nhập khẩu chưa được sản xuất trong nước cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm.

Các DN công nghệ cao đủ điều kiện còn được nhà nước cấp vốn và cho vay tùy theo ngành.

Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao - Ảnh 1.

Đẩy mạnh thu hút vào các ngành công nghệ cao

Các quy định mới phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về thu hút FDI trong một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, việc thu hút FDI cần có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu để đưa Việt Nam từ một điểm đến có lao động giá rẻ thành một trung tâm công nghệ cao hấp dẫn.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình, chính phủ cũng xác định nền kinh tế số và sản xuất là một ưu tiên lớn. Một trong những mục tiêu là sản xuất công nghệ cao từ lĩnh vực sản xuất và chế biến sẽ đạt ít nhất 45% vào năm 2030.

Với những mục tiêu này có nghĩa là chính phủ đang thắt chặt các tiêu chí đối với các DN công nghệ cao khi chính phủ tiến hành thu hút đầu tư vào công nghệ cao. Việc áp dụng công nghiệp 4.0 và AI sẽ giúp tăng cường hơn nữa quá trình chuyển đổi này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO