Trong những năm qua, theo Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực TT&TT ký năm 2014, quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, giữa các cơ quan chính phủ và các công ty CNTT-TT đã được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên 3 nội dung
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và Thứ trưởng Bộ Phát triển số, Thông tin và Truyền thông Đại chúng của Liên bang Nga đã cùng xác định các hành động và dự án cụ thể hơn, đặc biệt tập trung ưu tiên 3 lĩnh vực Chính phủ số và kinh tế số, Hạ tầng số và ATTT.
Về Chính phủ số và kinh tế số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biếtcác chính sách, khung khổ pháp lý cho chính phủ số, nền kinh tế số là rất cần thiết và hai bộ tập trung trao đổi thông tin, các thực tiễn mới nhất về những vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong muốn các cơ quan nhà nước phụ trách chính phủ số của Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và trực tiếp hơn, để chia sẻ thông tin và thảo luận về các dự án chung có thể có.
Về hạ tầng số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biếtcả Việt Nam và Nga đều đang nỗ lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số. Ngoài việc hai nước chia sẻ các chính sách và quy định, hai nước cần thúc đẩy liên lạc nhiều hơn giữa các nhà cung cấp dịch vụ ICT của hai nước.
Về ATTT, Thứ trưởng khẳng địnhhợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh mạng đã rất hiệu quả trong những năm qua và mong muốn Việt Nam tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với các đối tác Nga trong lĩnh vực quan trọng này.
Về tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa hai Bộ, Thứ trưởng đề nghị xem xét khả năng thành lập Nhóm công tác chung với sự tham gia của hai Bộ và các công ty số của cả hai nước. "Điều này có thể thúc đẩy việc triển khai các hoạt động và dự án chung của chúng ta trong những năm tới", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cơ hội hợp tác ICT rộng mở
Tại Diễn đàn, bà Natalia Stapran, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương và các dự án đặc biệt, Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga cho biết hai nước có nhiều điều kiện tiên quyết để hợp tác thành công trong lĩnh vực ICT.
Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD. Hai bên hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ICT, chính phủ điện tử.
Thông tin cho phía Nga về tình hình phát triển công nghiệp ICT của Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết Chương trình phát triển công nghiệp ICT của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 có mục tiêu tổng thể xây dựng ngành CNTT-TT Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, dựa trên những thành tựu mới của cách mạng 4.0, làm động lực để thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, chuyển đổi số (CĐS) hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.
Theo số liệu năm 2019, Việt Nam là nước xuất khẩu thứ 2 trên thế giới về điện thoại di động với trị giá 35,5 tỷ USD (chiếm 13,3%); thứ 9 về vi mạch điện tử với 26,1 tỷ USD (chiếm 3,6%), thứ 9 về game video với doanh thu 364,2 triệu USD (chiếm 1,8%) và thứ 10 về thuê ngoài phần mềm. Việt Nam sẽ xây dựng khả năng công nghiệp viễn thông - CNTT trong nước với 10 địa phương có tổng doanh thu hơn 1 tỷ USD.
Đối với các dịch vụ phần mềm và CNTT, các DN trong nước sở hữu công nghệ, cung cấp 90% các sản phẩm, giải pháp phần mềm, các dịch vụ CNTT về xây dựng CPĐT, CĐS, thành phố thông minh, giao thông, nông nghiệp thông minh, các sản phẩm - dịch vụ ATTT.
Việt Nam - Nga trong tiến trình CĐS
Theo đại diện Bộ Phát triển số, Thông tin và Truyền thông Đại chúng của Liên bang Nga, nước Nga đạt được những thứ hạng cao về CĐS. Thủ đô Moscow đứng vị trí số 1 trong đánh giá của Liên Hợp Quốc về các dịch vụ số, được McKinsey xếp hạng là thành phố hiệu quả nhất thế giới về giao thông công cộng.
Nước Nga đứng số 1 trên thế giới về tích hợp các công nghệ AI vào sản xuất, đạt hơn 30% (theo xếp hạng của Microsoft). Nước Nga đã có hơn 50% hộ gia đình được tiếp cận Internet băng rộng, 100 triệu công dân Nga được kết nối tới cổng dịch vụ điện tử. Nước Nga cũng có số camera giám sát phân tích hình ảnh hàng đầu châu Âu. Nga cũng là nước có dịch vụ chia sẻ ô tô số 1 thế giới với hơn 50 triệu chiếc ô tô. Nước Nga hiện có hơn 120 nhà cung cấp công nghệ cao và hơn 140 quốc gia sử dụng các giải pháp của các nhà cung cấp này.
Trong quá trình CĐS của Nga, SRI "Voskhod", một đối tác đa chức năng của nhà nước trong lĩnh vực CNTT, là doanh nghiệp (DN) trực thuộc của Bộ Phát triển số, Thông tin và Truyền thông đại chúng của Liên bang Nga được thành lập năm 1972 đã phát triển các giải pháp CNTT sáng tạo cho chính phủ, triển khai và phát triển các định dạng mới để tương tác hiệu quả giữa nhà nước, công dân và DN.
SRI "Voskhod" đang giới thiệu một hệ thống quản lý tài liệu điện tử do chính đơn vị này thiết kế cho Bộ Phát triển số, Thông tin và Truyền thông đại chúng của Nga và các bộ khác. Đơn vị này cũng hình thành cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái để sử dụng các tài liệu nhận dạng có chứa chip điện tử với dữ liệu sinh trắc học.
Về CĐS của Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, cho biết Việt Nam đã phê duyệt chương trình CĐS đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Chương trình CĐS quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể cho đến năm 2025 và đến năm 2030.
Cụ thể, Việt Nam phấn đấu kinh tế số đạt mức 20% GDP; Việt Nam trong top 50 về Chỉ số phát triển ICT (IDI), trong top 50 Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI), trong top 35 Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), top 70 Chỉ số giới và Môi trường (EGI).
Việt Nam nhiều giải pháp "Make in Vietnam"
Tham dự Diễn đàn lần này, các DN số của Việt Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm "Make in Vietnam" được ứng dụng mạnh mẽ trong cuộc sống. Ông Steven Truong, CEO của VinBrain thuộc Vingroup giới thiệu DrAid™, phần mềm AI đầu tiên tại Việt Nam do VinBrain phát triển từ năm 2019 nhằm hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về phổi, tim và xương dựa trên X-quang và đang được triển khai tại nhiều bệnh viện.
Phần mềm DrAid™ hỗ trợ các bác sỹ trong chẩn đoán 19 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim - phổi - xương trên phim X-quang ngực thẳng trong vòng 5 giây với độ chính xác trên 88%. Đồng thời, phần mềm cũng tự động đưa ra báo cáo y tế có khoanh vùng và đo kích thước chính xác tại điểm bất thường. Đặc biệt, DrAid có khả năng phát hiện và cảnh báo COVID-19, kể cả trường hợp không có triệu chứng hoặc tổn thương phổi nhẹ.
Một sản phẩm ứng dụng AI nữa được giới thiệu là hệ thống cảnh báo thông minh AI (AI Smart Warning) được nhóm nghiên cứu của Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số (Bộ TT&TT), Công ty CP công nghệ số HMD Việt Nam và Công ty TNHH Công nghệ ASILLA Việt Nam thực hiện.
Cảnh báo thông minh AI có thể tự động nhận ra hành động của con người thông qua camera giám sát và gửi cho mọi người cảnh báo tức thì qua báo thức/đèn/còi hoặc gửi hình ảnh thực tế về hành động tại thời điểm xảy ra thông qua phần mềm nhắn tin phổ biến trên điện thoại thông minh hoặc cảnh báo thông qua ứng dụng riêng.
Trong khi đó, Viettel đã giới thiệu các giải pháp thông minh gồm: hệ thống thu phí tự động, hệ thống vé điện tử, đỗ xe thông minh, hệ thống điều khiển và giám sát vi phạm giao thông đã được triển khai ở 10 thành phố. Viettel cũng có các giải pháp giám sát đèn đường thông minh, giám sát đèn giao thông trên đường cao tốc hay nền tảng SOC.
Theo đại diện của Viettel, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với nguồn tài chính hạn chế để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. ITS là một trong những giải pháp khả thi và hợp lý nhất để cải thiện chất lượng giao thông.