Yên Bái: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh

Đỗ Thêu| 29/07/2021 10:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) tiến tới chính quyền số, kinh tế số là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Đối với tỉnh Yên Bái, việc định hướng, thiết lập và đẩy mạnh xây dựng CQĐT gắn với ĐTTM có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa địa phương phát triển bền vững.

Những kết quả khả quan

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái đã tích cực đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng CQĐT gắn với phát triển ĐTTM. Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh Yên Bái đã ban hành các chương trình, kế hoạch, Kiến trúc CQĐT tỉnh, Kiến trúc ĐTTM phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó đã thực hiện đầu tư các dự án CNTT xây dựng CQĐT, ĐTTM một cách bài bản, tổng thể đảm bảo quy mô và đạt được những kết quả tích cực.

Yên Bái: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh - Ảnh 1.

Việc đẩy mạnh xây dựng CQĐT, ứng dụng CNTT tổ chức các cuộc họp trực tuyến đã giúp cho hoạt động quản lý điều hành của tỉnh Yên Bái trở nên đơn giản, hiệu quả hơn

Minh chứng cụ thể là tỉnh đã sớm triển khai có hiệu quả phần mềm quản lý điều hành trong các cơ quan nhà nước (CQNN), xây dựng mô hình một cửa liên thông từ tỉnh tới xã, tiến hành xây dựng ĐTTM với nhiều tiện ích không chỉ phục vụ công tác quản lý, điều hành mà còn thiết thực phục vụ cuộc sống của nhân dân. 

Cuối năm 2020, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành quyết định phê duyệt khung Kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái phiên bản 2.0 thay thế phiên bản 1.0; phê duyệt kế hoạch duy trì phát triển hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã; đầu năm 2021, tiếp tục ban hành Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2025... Đó chính là nền tảng quan trọng để tiến tới xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đặc biệt sẽ góp phần quan trọng nâng cao chỉ số hài lòng của người dân với chính quyền.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng CNTT, mạng WAN, mạng chuyên dùng được đầu tư để phục vụ hoạt động của CQNN và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp (DN). Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã hoạt động liên thông, giải quyết 100% TTHC với tỷ lệ hài lòng của người dân, DN trên 99%. Từ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh không ngừng được cải thiện, xếp hạng của tỉnh về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh hàng năm đều tăng từ 6 - 8 bậc.

Đồng thời, các Hệ thống phần mềm dùng chung gồm: Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ hành chính công; Hệ thống thư điện tử được đầu tư, nâng cấp phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu thực tế của địa phương ngày càng đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Việc gửi nhận văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số được thực hiện, duy trì hiệu quả; phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, hệ thống thư điện tử công vụ được toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng, trở thành thói quen và ngày càng phát huy hiệu quả.

Đến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức của tỉnh đạt 100%; tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng thông rộng đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng Internet đạt 100%; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 111 điểm, trong đó có 33 điểm là các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, 78 xã, phường, thị trấn. 100% cơ quan quản lý nhà nước đều có cán bộ phụ trách CNTT của đơn vị; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách về CNTT cũng ngày được nâng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện cấp chứng thư số cho 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; cấp chứng thư số cá nhân cho tất cả lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp huyện với tổng số 362 chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị, 79 chữ ký số cho cá nhân. 100% các cơ quan, đơn vị được cấp chứng thư số đã thực hiện ký số trong việc gửi, nhận văn bản điện tử...

Nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép"

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển CQĐT tiến tới Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Đảng, Chính phủ, BCH Đảng bộ tỉnh đã đưa nội dung này vào Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, ông Nguyễn Quốc Chiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Yên Bái cho biết: Một trong 3 nhiệm vụ chính được xác định trong Chương trình hành động số 10-CTr/TU là tổ chức thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các hạng mục, dự án thành phần thuộc Đề án xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến 2025 gắn với xây dựng CQĐT. Qua đó có thể thấy, việc xây dựng CQĐT gắn với ĐTTM đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là đích mà tỉnh Yên Bái luôn hướng tới.

Yên Bái: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh - Ảnh 2.

Việc xây dựng CQĐT gắn với ĐTTM đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là đích mà tỉnh Yên Bái luôn hướng tới.

Được biết, trước đó, đề án "Xây dựng mô hình ĐTTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025" cũng đã được HĐND tỉnh Yên Bái thông qua tại Kỳ họp thứ 14, khóa XVIII với quan điểm lấy người dân làm gốc; sử dụng công nghệ một cách thông minh, mục tiêu hướng đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Theo đó, tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng mô hình ĐTTM không ngoài mục tiêu đưa thành tựu ứng dụng CNTT và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo bước đột phá về phương thức cũng như nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và DN, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.

Trong những năm tới đây, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng CNTT-TT hiện đại, đồng bộ; ứng dụng CNTT sâu rộng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT-TT; nâng cao an toàn thông tin trong toàn hệ thống chính trị; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, cải thiện mối liên kết giữa chính quyền - người dân - DN, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao sự hài lòng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỉnh Yên Bái đặt ra là tiếp tục xây dựng CQĐT, hướng tới phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với việc phát triển các hệ thống nền tảng CQĐT dùng chung của tỉnh gắn với xây dựng ĐTTM trên cơ sở tuân thủ Kiến trúc CQĐT tỉnh và Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM tỉnh Yên Bái đã được phê duyệt, cập nhật. Tỉnh sẽ  hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); Từng bước mở dữ liệu của các CQNN để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội.../.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO