Đổi mới, sáng tạo để làm chủ công nghệ

TH - Mạnh Vỹ| 09/05/2019 17:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là sự kiện khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc công nghệ.

Theo kinh nghiệm phát triển của các cường quốc trên thế giới, phát triển doanh nghiệp công nghệ sẽ góp phần làm chủ công nghệ và tạo cú hích đưa đất nước phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng. Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ có thể theo kịp các nước phát triển nếu nắm bắt được các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. “Thời gian không chờ đợi, cơ hội không tự đến cho nên phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thời đại kỹ thuật số. Việc bứt phá từ tư duy đến hành động, những phương thức kinh doanh cũ cần nhường chỗ cho kinh doanh dựa trên công nghệ và sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Làm chủ công nghệ, Vingroup giải quyết bài toán của mình

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty Vinfast cho biết: “Hơn 10 năm trước đây, trong số 10 công ty lớn nhất thế giới chỉ có 1 công ty duy nhất chuyên về công nghệ là Microsoft, nhưng hiện tại có tới 9/10 công ty top đầu thế giới là công ty công nghệ. Điều đó cho thấy, công nghệ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất và thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá cho bất kì nền kinh tế nào”.

Đổi mới, sáng tạo để làm chủ công nghệ - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Xác định được vấn đề đó, ngay từ năm 2017, Vingroup đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ - công nghiệp, thông qua việc khởi công nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast và chỉ chưa đầy một năm sau đó là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart vào năm 2018. Tháng 8/2018, Vingroup đã chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành một Tập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.

Chỉ sau 8 tháng công bố chuyển đổi, Vingroup đã có một số bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ trong hầu hết các mảng hoạt động của Tập đoàn. Cụ thể, Vingroup đã tiếp cận vào lĩnh vực công nghệ bằng 4 hướng:

Một là, lập bộ phận nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao và áp dụng luôn vào sản phẩm của mình. Vingroup đã thành lập khối Công nghệ với nòng cốt là công ty VinTech, Vinfast và Vinsmart cùng nhiều công ty con và viện nghiên cứu như Vin Brain, Vin Software, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo,... Vingroup cũng đã đồng thời đầu tư vào các start-up có tiềm năng để thúc đẩy phát triển.

Hai là, hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới để học hỏi và tiếp cận công nghệ lõi và rút ngắn thời gian.

Ba là, góp sức đào tạo nhân lực tinh hoa và thu hút nhân tài công nghệ về làm việc.

Đổi mới, sáng tạo để làm chủ công nghệ - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị đại biểu tới thăm gian trưng bày công nghệ của Vinsmart

Bốn là, mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển: Đặt cơ sở tại các nước có nền công nghệ phát triển giúp Vingroup dễ dàng tiếp cận và tận dụng lợi thế công nghệ của các quốc gia đi trước. Vingroup đã và đang triển khai việc này với kế hoạch thành lập Mạng lưới nghiên cứu VinTech toàn cầu tại các nước mạnh về sáng tạo công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức...

Với cách tiếp cận từ nhiều hướng như trên nên chỉ trong một thời gian ngắn Vinfast đã làm chủ được các công nghệ phức tạp và đưa 3 mẫu ô tô cũng như 2 mẫu xe máy điện ra thị trường. Từ giờ đến cuối năm 2020, Vinfast sẽ tiếp tục đưa ra thị trường hơn 10 mẫu xe ô tô và xe máy (cả điện và xăng) nữa, tất cả đều là do đội ngũ kỹ sư của Vinfast tự dẫn dắt thiết kế. Vinsmart cũng chỉ sau chưa đầy nửa năm vừa thiết kế sản phẩm, vừa xây dựng nhà máy mà đến cuối 2018 đã đưa ra thị trường 4 mẫu điện thoại độc đáo, dự kiến năm 2019 sẽ đưa ra thị trường thêm 12 mẫu điện thoại. Thậm chí Vinsmart đã chủ động thiết kế được hệ điều hành riêng. Hiện tại Vinsmart đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất điện thoại với công suất 100 triệu máy/năm và sẽ lắp đặt máy móc giai đoạn đầu cho 30 triệu máy/năm. Ngoài điện thoại thì Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, tivi, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.

Nắm bắt cơ hội, chủ động sáng tạo để phát triển

Đổi mới, sáng tạo để làm chủ công nghệ - Ảnh 3.

Ông Trần Việt Hùng, Chủ tịch Công ty Got It

Ông Trần Việt Hùng, Chủ tịch Công ty Got It, lại mang tới góc nhìn mới về việc xây dựng doanh nghiệp công nghệ hướng tới thị trường toàn cầu. Got It hiện là công ty đầu tiên trên thế giới xây dựng nền tảng chia sẻ tri thức theo yêu cầu, giúp các chuyên gia kinh doanh kiến thức của mình theo mô hình kinh tế chia sẻ. Đây cũng là công ty công nghệ đầu tiên của người Việt Nam tại thung lũng silicon, phục vụ các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và các nước nói tiếng Anh. Mạng lưới của Got It phủ tại 79 quốc gia.

Theo ông Hùng, lợi thế của các công ty công nghệ Việt Nam nằm ở nguồn nhân lực trẻ, có tiềm năng để trở thành các kỹ sư giỏi, chi phí tại Việt Nam rât thấp so với khu vực. Việt Nam cũng có nhiều người tài đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, ông Hùng cho biết Việt Nam còn thiếu đội ngũ lãnh đạo công nghệ kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm thị trường toàn cầu; thiếu đội ngũ kỹ sư phần mềm với khối kiến thức nền vững chắc; quá nhiều kỹ sư làm gia công phần mềm thay vì sản phẩm…

Có thể thấy, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam là thị trường Đông Nam Á rất lớn và năng động, trong khi đó có nhiều quỹ đầu tư cũng đang nhắm tới thị trường công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên,nếu không nắm được cơ hội, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế thị trường nội địa của mình vào tay các đối thủ là những công ty công nghệ xuyên biên giới như Grab.

Về giải pháp, ông Hùng đề xuất trong ngắn hạn cần có các chính sách để xây dựng công ty theo mô hình hợp tác, một phần ở Việt Nam và một phần ở nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó cần thu hút các công ty công nghệ của người Việt ở nước ngoài về và xây dựng được các vườn ươm công nghệ.

Theo số liệu khảo sát từ Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018, do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá (VietNam Report) thực hiện, chỉ có 13,6% doanh nghiệp cho biết đã đầu tư để đưa ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, 18,2% đang nghiên cứu và 18,2% dự định sẽ đầu tư trong 2-3 năm tới. Còn lại có 40,9% chưa có dự định đầu tư và 9,1% không có ý định đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới, sáng tạo để làm chủ công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO