Xây dựng CQĐT, ứng dụng CNTT là nhiệm vụ trọng tâm
Để xây dựng CQĐT, tỉnh Bắc Ninh xác định việc ứng dụng CNTT chính là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, thời gian qua tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN) nhằm hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng làm việc của cán bộ công chức, viên chức.
Theo đó, đến nay 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã sử dụng chung phần mềm quản lý văn bản điều hành trên cùng 1 nền tảng duy nhất; sử dụng văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số và xây dựng quy trình làm việc trên môi trường mạng giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc của cán bộ.
Cụ thể, trong năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-Tg ngày 17/7/2018; đến nay 95% văn bản trao đổi giữa các CQNN của tỉnh được hoàn toàn dưới dạng điện tử. Năm 2020, Bắc Ninh triển khai việc tạo lập hồ sơ công việc ký số văn bản điện tử đối với lãnh đạo thay cho việc ký văn bản giấy. Theo đó, 97% cơ quan cấp tỉnh; 100% UBND cấp huyện đã thực hiện.
Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng nỗ lực triển khai, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 liên thông; triển khai đồng bộ hệ thống Cổng Thông thông tin điện tử từ tỉnh đến huyện, xã để cung cấp thông tin tới người dân và DN; Xây dựng ứng dụng phản ánh kiến nghị, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử giúp người dân phản ánh những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong cuộc sống sớm nhất tới các cơ quan chính quyền…
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động thời gian qua đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ, người dân cũng như DN, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết khác. Ðơn cử trước đây, một văn bản, công văn từ thành phố chuyển xuống cơ sở và từ cơ sở chuyển lên tuyến trên phải mất vài ngày thì nay, thông qua hệ thống hộp thư điện tử chỉ cần vài giây là các đơn vị đã có thể tiếp nhận được thông tin, do vậy, có nhiều thời gian để xử lý công việc hơn. Chính điều này đã tạo sự hài lòng rất lớn cho người dân và DN.
Ông Ðào Văn Chuyển, Giám đốc Công ty Trọng Tín (huyện Tiên Du) cho biết: Trước đây việc giải quyết công việc liên quan đến nhiều sở, ngành mất rất nhiều thời gian. Chính điều này làm phát sinh thêm nhiều chi phí. Bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến một đầu mối là giải quyết xong mọi việc. Nhờ vậy, phía DN tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu, người dân phường Ðông Ngàn, cho biết: Tôi rất bất ngờ vì việc cấp "sổ đỏ" hiện nay được thực hiện rất nhanh gọn, tôi chỉ việc đến đây nộp hồ sơ, trung tâm sẽ chuyển đến các đầu mối giải quyết và thông báo kết quả qua tin nhắn, tôi không phải tốn thời gian đi lại nhiều lần. Với cách làm khoa học và hiện đại như hiện nay, tôi rất hài lòng.
Tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng CNTT, phát triển nhân lực CNTT
Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019- 2020, định hướng đến năm 2025; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Vietnam ICT Index đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 3 toàn quốc về xếp hạng mức độ ATTT cho Cổng thông tin điện tử; đứng thứ 9 toàn quốc về tiêu chí hiện đại hóa hành chính; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tiếp tục duy trì thứ hạng trong nhóm địa phương đạt điểm số cao nhất cả nước…
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Ninh cho biết trong những năm tới đây, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh việc hiện đại hóa hạ tầng CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT; Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT có sự gắn kết chặt chẽ với chương trình cải cách hành chính... để tiếp tục quá trình xây dựng CQĐT hiệu quả hơn nữa.
Và để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực, tăng cường hợp tác với các đối tác. Mới đây nhất, để đẩy mạnh việc xây dựng CQĐT, UBND tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Viettel đã ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng CQĐT, đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025.
Theo biên bản ghi nhớ, Viettel cam kết ưu tiên mọi nguồn lực tốt nhất hỗ trợ UBND tỉnh Bắc Ninh trong triển khai hạ tầng viễn thông - CNTT đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên triển khai các công nghệ mới nhất, mở rộng vùng phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ, các giải pháp nền tảng, các hệ thống thông tin dùng chung và các cơ sở dữ liệu của tỉnh; thực hiện chuyển đổi số trên cả ba lĩnh vực chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…
Có thể thấy, với lộ trình đúng đắn và giải pháp linh hoạt, hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng CQĐT, phục vụ hiệu quả nhất cho sự điều hành, chỉ đạo phát triển các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.