Bộ, ngành quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính

Xuân Tuấn| 01/06/2019 15:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quyết liệt cắt giảm các thủ tục không cần thiết, công khai rõ ràng để người dân và doanh nghiệp biết.

Chiều 31/5/2019, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019. Cùng dự  buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2019.

Phiên họp tập trung bàn một số nội dung chính: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019; đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; một số nội dung xây dựng thể chế và một số vấn đề quan trọng khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề liên quan để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề bức xúc trên các ngành, lĩnh vực, từ thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư đến công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường...

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

Chính phủ thống nhất đánh giá, trừ ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước; CPI bình quân 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng khá, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tháng 5 tăng cao nhất 5 năm qua.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành tại buổi họp báo.

Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế; đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn tiếp tục khởi sắc và Việt Nam vẫn là một điểm đến, đầu tư đáng tin cậy. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng cả về số doanh nghiệp và vốn đăng ký.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm. Đời sống dân cư tiếp tục cải thiện. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự có nhiều cố gắng. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn những hạn chế, tồn tại và khó khăn, thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề chống, dập dịch tả lợn châu Phi; xuất khẩu đang có xu hướng tăng chậm lại; giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện.

Thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần phải quan tâm nhiều hơn nữa như: vẫn xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tội phạm ma túy, đánh bạc trên mạng diễn biến phức tạp, quy mô lớn, xảy ra nhiều vụ giết người man rợ…

Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức

Về giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới, “Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là kịch bản tăng trưởng năm 2019; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tuyệt đối không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách mới hiệu quả, khả thi, phù hợp tình hình; Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Chính phủ yêu cầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, dập dịch tả lợn châu Phi.

Tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo cần được theo dõi sát sao; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông cần được đẩy nhanh. Dự báo và ứng phó với những tác động của xung đột thương mại Mỹ-Trung cần được chủ động chú ý.

Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề rất quan trọng, yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quyết liệt cắt giảm các thủ tục không cần thiết, công khai rõ ràng để người dân và doanh nghiệp biết.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 30/5, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với 13 bộ về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, các đề án, nhiệm vụ nợ đọng. Hiện còn nợ đọng 6 văn bản quy định chi tiết, giảm 2 văn bản so với tháng trước. Còn 7 văn bản chưa trình ban hành để có hiệu lực từ 1/7/2019, giảm 8 văn bản so với trước khi Tổ công tác kiểm tra (có 5 Bộ nợ 15 văn bản chưa trình).

Trong 5 tháng đầu năm (tính đến 20/5), các Bộ còn nợ 42/123 đề án trong chương trình công tác, sau khi có văn bản đôn đốc của Tổ công tác, các Bộ đã trình được 13 đề án, hiện còn nợ 29 đề án.

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác đẩy mạnh kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ được giao của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
    Với dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.
  • HONOR mở bán X8b tại Thế Giới Di Động
    Thế Giới Di Động (TGDĐ) và HONOR Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh, mở bán đặc quyền HONOR X8b với mức giá 7,69 triệu đồng.
  • Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"
    Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức ra mắt mini app BR-VT Smart trên Zalo
    Từ dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giải đáp thắc mắc cho đến các tiện ích như hiến kế phát triển tỉnh, lịch tiếp công dân, thông tin quy hoạch, thông tin đất đai... đều được tích hợp trong mini app “BR-VT Smart” trên Zalo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Số vốn đầu tư cho startup Việt năm 2023 giảm 17%
    Theo báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động trên toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Bộ, ngành quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO