Amazon hiện giờ nằm trong nhóm Bộ Tứ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ, cũng như thế giới cùng với Google, Apple và Facebook. Cụ thể hơn, Amazon là công ty Internet lớn nhất tính theo doanh thu trên thế giới và là một trong những công ty có giá trị nhất toàn cầu với vốn hóa doanh nghiệp vượt qua ngàn tỷ USD. Amazon là công ty công nghệ lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu.
Vậy làm thế nào để một "nhà sách trực tuyến" có trụ sở khởi nghiệp tuềnh toàng tại Bellevue, Washington lại có thể thành công đến như vậy. Không thể bỏ qua tầm nhìn của người sáng lập Jeff Bezos vào tương lai của Internet nhưng điều làm cho Amazon khác biệt chính là việc định ra chiến lược và kiên định thực thi chuyển đổi số hoạt động doanh nghiệp của công ty này.
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp nguồn nhân lực, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới. Còn theo quan điểm của nhiều chuyên gia, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Cần lưu ý là chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là công nghệ, chuyển đổi số phải bắt đầu và kết thúc bằng khách hàng.
Trong bài phát biểu mới đây của mình, Jeff Bezos nói rằng Amazon có 1,3 triệu nhân viên và phục vụ hàng trăm triệu khách hàng và doanh nghiệp. Có thể nói việc liên tục nỗ lực duy trì sự hài lòng của khối khách hàng này đã và đang làm cho Amazon luôn nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp thành công nhất thế giới.
Sau 6 năm bán sách, để chuẩn bị cho mảng kinh doanh CD, DVD, Amazon đã tiến hành thương vụ mua bán lớn nhất đầu tiên của mình khi chi ra 55 triệu USD mua lại IMDB, trang web chứa cơ sở dữ liệu phim lớn nhất trên Internet. Sau đó công ty này cũng bắt đầu cho phép các cá nhân/doanh nghiệp khác kinh doanh buôn bán các mặt hàng trên Amazon Marketplace, mở đầu cho việc phát triển nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới sau này.
Nhận thấy sự phát triển của thương mại điện tử phải gắn liền với sự hài lòng/ trải nghiệm của khách hàng trong thực tế, Amazon đã tích cực thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của công ty này. Một trong những sản phẩm quan trọng nhất của Amazon trong chiến lược chuyển đổi số là dịch vụ điện toán đám mây, sau này được biết đến với tên gọi Amazon Web Services, hay AWS ra mắt vào năm 2006. AWS là một sản phẩm thương mại cung cấp nền tảng xương sống cho các công ty điều hành các hoạt động kinh doanh Internet của họ từ đám mây. Sự ramắtcủa AWSđãgiúp Amazonđitrướcnhiềunămsovới các đối thủ cạnh tranh trên lĩnh vực điện toán đám mây, như Microsoft Azure (ra mắt lần đầu tiên vào năm 2010) hay Google Cloud (ra mắt vào năm 2008).
Vào tháng 4/2012, một báo cáo từ DeepField Networks kết luận rằng 1% lưu lượng truy cập Internet của người tiêu dùng thông qua các máy AWS do Amazon cung cấp, với 1/3 lượng người dùng Internet sử dụng máy chủ Amazon ít nhất một lần mỗi ngày. Các công ty đáng chú ý dựa vào máy chủ của Amazon cho đến thời điểm này bao gồm Netflix, Dropbox, Instagram, Pinterest và Zynga. Điều này cho thấy mức độ quan trọng của Amazon và không quá khi nói rằng Amazon chính là "xương sống" của mạng Internet trên toàn cầu với hơn 1 triệu khách hàng trong mảng điện toán đám mây.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, giờ đây chúng ta đã quá quen với khái niệm giao hàng. Từ năm 2005 Amazon đã tung ra sản phẩm Prime đảm bảo giao hàng trong 2 ngày. Thậm chí vào tháng 4 năm 2019, Amazon đã công bố kế hoạch thực hiện lời hứa về cải thiện dịch vụ giao hàng Prime: thay vì cung cấp dịch vụ giao hàng các sản phẩm trong hai ngày, Amazon sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng chỉ trong một ngày cho các thành viên đăng ký dịch vụ Prime của hãng. Khoản đầu tư tuy tốn kém nhưng đã mang lại lợi nhuận về lâu dài cho Amazon với sự gia tăng cả về lượng đăng ký Prime và doanh số bán hàng.
Có thể nói tại những nơi mà Amazon hiện diện, khách hàng chỉ cần có tài khoản Amazon, thẻ tín dụng cùng điện thoại thông minh là có thể tận hưởng các cách thức phục vụ sáng tạo mà công ty này luôn nỗ lực tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển. Có thể nói Amazon luôn trung thành với việc tập trung vào khách hàng, công ty này sẵn sàng chi tiền để kiếm tiền, đôi khi từ bỏ lợi nhuận hàng năm khi giảm giá, giao hàng miễn phí và dành nhiều năm để phát triển các thiết bị mới, sẵn sàng chi bộn tiền để thâu tóm các doanh nghiệp phù hợp với phương hướng chiến lược của Amazon như Ring, Twich hay Wholefood…
Amazon từng bước tạo lập và "trói chặt" khối khách hàng của họ vào một hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ của công ty. Có thể nói Amazon hiện giờ theo chân khách hàng từ nhà ra đường, từ phòng ngủ đến phòng khách, từ chợ điện tử đến chợ thật. Không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực sách điện tử truyền thống, Prime Video cũng là một trong các nền tảng cung cấp phim theo yêu cầu (Video-On-Demand) lớn nhất hiện nay, Amazon Music và Audible cũng khá nổi tiếng trong việc cung cấp nhạc trực tuyến. Cặp đôi trợ lý ảo Alexa và loa thông minh Echo không chỉ bật nhạc hay cung cấp thông tin thời tiết mà còn tham gia vào việc điều khiển ngôi nhà thông minh của bạn. Giờ đây bạn có thể ra lệnh cho Alexa bật đèn phòng khách, đặt điều hòa ở nhiệt độ bạn thích… trong khi bạn đang lái xe về từ chỗ làm. Với việc mua lại chuỗi siêu thị bán lẻ Wholefood, Amazon đã cung cấp thêm cho khách hàng các mặt hàng thực phẩm tươi sống trước đây ít được cung cấp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người bán và người mua, giảm thiểu giao tiếp giữa người và người, nhiều hệ thống siêu thị ở Mỹ đã có các khu vực tự thanh toán (self-checkout), nơi mà khách tự đưa hàng mình mua vào quẹt mã vạch rồi thanh toán tiền. Amazon tiến tới nâng cấp đưa hoạt động này lên một tầm cao mới với việc đưa vào cửa hàng không nhân viên Amazon Go cùng giỏ hàng thông minh Dash Cart.
Chỉ cần có tài khoản Amazon và thẻ tín dụng tích hợp trong điện thoại, khách mua hàng tại Amazon Go chỉ việc đi vào xách hàng trên kệ rồi đi ra. Với các siêu thị có giỏ hàng thông minh Dash Cart thì khách hàng sau khi mua hàng để vào giỏ này sẽ có làn riêng đi thẳng ra ngoài mà không cần thanh toán tại quầy thu ngân. Tất cả đều tự động!
Dịch vụ giao hàng luôn được Amazon chăm chút kỹ càng, không chỉ giao hàng nhanh mà còn phải an toàn, đảm bảo. Với Amazon Key, hàng sẽ được giao vào trong nhà của khách thay vì để ngoài cửa. Tất nhiên, Amazon chịu trách nhiệm về an ninh của khách hàng. Việc giao hàng bằng thiết bị bay không người lái drone tuy nhiên mới dừng ở việc thử nghiệm bởi vướng các rào cản kỹ thuật và pháp lý nhưng tin rằng sẽ sớm hiện thực trong tương lai gần.
Để tăng cường mảng hoạt động kinh doanh bền vững và nâng cao trách nhiệm xã hội, mới đây Amazon công bố ra mắt mẫu xe giao hàng chạy điện thuộc dự án hợp tác đầu tư với Rivian lên tới 700 triệu USD. Mục tiêu của hãng là đưa vào sử dụng 10.000 chiếc xe dạng này vào năm 2022, đến năm 2030 sẽ đưa vào sử dụng 100.000 chiếc, phấn đấu đưa mức phát thải carbon về 0 vào năm 2040.
Trong năm đại dịch COVID-19, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp cũng như giãn cách xã hội đã làm điêu đứng rất nhiều doanh nghiệp nhưng Amz lại tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành công ty thứ 3 trên thế giới có mức vốn hóa vượt 1000 tỷ USD. Sự thành công của Amz cho thấy việc chuyển đổi số là một trong những yếu tố sống còn liên quan mật thiết đến việc phát triển doanh nghiệp. Việc tiến hành ứng dụng chuyển đổi số hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp:
- Tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới hoặc phương thức phục vụ mới.
- Tiếp cận nhiều khách hàng hơn, xóa bỏ ranh giới vật lý trong kinh doanh.
- Loại bỏ nhiều khâu trung gian, tối ưu hóa quy trình của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và mang lại lợi ích, sự tiện lợi khách hàng.
- Giúp doanh nghiệp quản lý tốt hơn nhờ nguồn thông tin quản lý dồi dào và hệ thống hơn.
- Ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt, kịp thời.
- Nâng cao năng suất lao động nhờ đòn bẩy công nghệ.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 3 tháng 3/2021)