Điều gì đã xảy ra trong cuộc thi trồng dâu tây giữa chuyên gia AI và người nông dân?

TH| 19/02/2021 10:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một phần của "Cuộc thi Nông nghiệp thông minh" ở Trung Quốc, bốn đội thi công nghệ đã cạnh tranh với người nông dân trong 4 tháng để trồng dâu tây.

Dâu tây là một loài thực vật có hoa thuộc họ hoa hồng cho quả được nhiều người ưa chuộng. Đây là một loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, được coi là "nữ hoàng của các loài trái cây". Dâu tây chứa nhiều loại đường, protein, axít hữu cơ, pectic và giàu vitamin, chất khoáng cũng như nguyên tố vi lượng.

Điều gì đã xảy ra trong cuộc thi trồng dâu tây giữa chuyên gia AI và người nông dân  - Ảnh 1.

Trong cuộc thi được coi là phiên bản nông nghiệp của thử thách DeepMind - Google này, 4 đội nông dân trồng dâu tây - "Nhóm truyền thống", sẽ đấu với 4 đội gồm các chuyên gia khoa học và AI - "Nhóm Khoa học và Công nghệ", để xem liệu con người hay thuật toán sẽ giỏi hơn trong việc trồng loại trái cây giàu vitamin C này. Kết quả là máy móc đã chiến thắng ở một số khía cạnh nào đó.

Cụ thể, các nhà khoa học dữ liệu đã đạt năng suất trung bình (khối lượng dâu tây thu hoạch được) cao hơn 196% so với nông dân truyền thống. Ngoài ra, họ cũng vượt trội hơn nông dân về lợi tức đầu tư (ROI) trung bình 75,5%.

Cuộc thi Nông nghiệp thông minh lần đầu tiên do Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và nền tảng thương mại Pinduoduo (PDD) phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm phát triển các phương pháp trồng phù hợp nhất với các điều kiện khác nhau, sử dụng công nghệ AI tiên tiến hoặc các bí quyết của nhà nông. Dưới giám sát kỹ thuật của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), sự kiện này là cuộc thi nông nghiệp liên ngành đầu tiên được tổ chức bởi một công ty công nghệ và một trường đại học ở Trung Quốc.

Li Daoliang, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết: "30 năm nữa, lao động trong nông nghiệp sẽ ngày càng khan hiếm, điều này làm cho các trang trại không cần người canh tác và những đột phá trong công nghệ liên quan trở nên càng quan trọng hơn".

Thành công ngọt ngào

Nhóm các nhà khoa học dữ liệu đã giành được lợi thế cạnh tranh trong hơn 4 tháng trồng dâu tây từ xa bằng cách sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), AI và các thuật toán điều khiển máy học.

Họ đã xây dựng và tối ưu hóa các giải pháp AI, dựa trên dữ liệu tăng trưởng và điều kiện nhà kính thu thập được từ các thiết bị IoT, máy ảnh và cảm biến. Mục tiêu là đạt được quy trình sản xuất dâu tây không người trồng nhưng vẫn chất lượng và hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu với các chuyên gia: tự động hóa, nông học và kỹ thuật, từ các trường đại học và học viện ở tỉnh Vân Nam ứng dụng quang phổ cận hồng ngoại để trồng dâu tây của họ. Công nghệ này được sử dụng để định lượng các thông số của cây trồng như hàm lượng nước, hàm lượng đường và các chỉ số khác về độ chín, đo lường nhu cầu phân bón dựa trên hàm lượng nitơ hoặc để tìm kiếm vết thâm khó phát hiện.

Điều gì đã xảy ra trong cuộc thi trồng dâu tây giữa chuyên gia AI và người nông dân  - Ảnh 2.

Các cảm biến được triển khai trong nhà kính để theo dõi sự phát triển của dâu tây

Ban tổ chức cho biết, trong cuộc thi, các đội công nghệ có lợi thế là có thể kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm thông qua tự động hóa trong nhà kính. Mặt khác, sử dụng công nghệ như cảm biến thông minh cũng giúp kiểm soát việc sử dụng nước và chất dinh dưỡng hiệu quả và chính xác hơn. Trong khi, những người nông dân truyền thống phải hoàn thành các công việc tương tự bằng tay và kinh nghiệm.

Một trong những đội, Zhi Duo Mei, đã thành lập công ty để cung cấp công nghệ của mình cho các hợp tác xã trồng trọt sau khi tạo được nhiều sự quan tâm và dấu ấn trong cuộc thi.

"Cuộc thi đã giúp những người nông dân truyền thống và các nhà khoa học dữ liệu hiểu rõ hơn về công việc của nhau và cách họ có thể cộng tác nhằm mang lại lợi ích cho mọi người", Trưởng nhóm Zhi Duo Mei, Cheng Biao, cho biết.

Tiềm năng phát triển

Nhiều nghiên cứu khác đã cho thấy tiềm năng của các công nghệ 4.0 như AI trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất.

Theo phân tích từ Accenture và Frontier Economics, đến năm 2035, năng suất lao động ở các nước phát triển có thể tăng 40% do tác động của AI. Thụy Điển, Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ có mức tăng năng suất cao nhất.

Trong Báo cáo "Tương lai của Việc làm năm 2020", Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính rằng vào năm 2025, phần lớn các công ty sẽ bắt đầu giảm số công nhân và thay thế họ bằng robot, phần mềm tự động hoá. Theo đó, 85 triệu việc làm có thể bị thay thế do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người và máy móc, trong khi 97 triệu vị trí mới có thể xuất hiện để thích nghi hơn với phân công lao động mới giữa con người, máy móc và thuật toán.

Cũng theo một báo cáo của WEF với sự hợp tác của Deloitte, các công nghệ mới nổi bao gồm AI và máy bay không người lái sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới phục hồi sau COVID-19. Báo cáo Quản trị Công nghệ toàn cầu năm 2021 xem xét một số ứng dụng quan trọng nhất cho các công nghệ này và những thách thức về quản trị cần được giải quyết để phát huy hết tiềm năng của các công nghệ này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Điều gì đã xảy ra trong cuộc thi trồng dâu tây giữa chuyên gia AI và người nông dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO