Hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh, toàn diện và công bằng hơn

Lan Phương| 13/10/2021 09:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Với chủ đề "Cùng nhau xây dựng thế giới số", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) một số quan điểm và ưu tiên hợp tác.

Tối 12/10, ngay sau lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021), sự kiện quy mô toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Bộ TT&TT đồng tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Liên minh Viễn thông quốc tế.

Công nghệ, dịch vụ số đã chứng minh những lợi thế để phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh: "Công nghệ, dịch vụ số đã chứng minh những lợi thế về tính linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi cho các ý tưởng, sáng kiến để vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững".

Thủ tướng chia sẻ 5 ưu tiên hợp tác về phát triển chuyển đổi số - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công nghệ, dịch vụ số đã chứng minh những lợi thế về tính linh hoạt, tạo môi trường thuận lợi cho các ý tưởng, sáng kiến để vượt qua khó khăn

Với chủ đề "Cùng nhau xây dựng thế giới số" của ITU Digital World 2021, Thủ tướng chia sẻ với Hội nghị một số quan điểm và ưu tiên hợp tác trong thế giới số. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công cuộc CĐS để xây dựng một thế giới số không phải của riêng một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào; và cũng không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình CĐS của nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, góp sức toàn cầu. Hợp tác quốc tế về CĐS, nhất là trong ITU phải hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh hơn, toàn diện hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và tất cả các quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng CĐS là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ các nước cần phải định hướng, dẫn dắt quá trình này để CĐS có hiệu quả, phát huy cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội. Sự dẫn dắt định hướng của nhà nước cần đi đôi với sự năng động, hiệu quả của thị trường. Vì vậy, hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.

Theo Thủ tướng, CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Quá trình này chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Bởi vậy, vai trò dẫn dắt của Chính phủ cũng như các sáng kiến, kế hoạch hợp tác trọng tâm của ITU phải hướng tới mục tiêu này để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thế giới số phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo chủ quyền số và an toàn, an ninh mạng. ITU cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là một tổ chức chuyên ngành của Liên Hợp Quốc trong việc định hình khuôn khổ quốc tế về chủ quyền số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Việt Nam xác định một trong những quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS.

"Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Từng bước vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang nỗ lực không ngừng tự đổi mới, đẩy mạnh CĐS trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm của ITU; luôn đồng hành, hợp tác cùng các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) để xây dựng thế giới số. Việt Nam mong muốn hợp tác cùng các nước thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao".

Thủ tướng chia sẻ 5 ưu tiên hợp tác về phát triển chuyển đổi số - Ảnh 2.

Hội nghị Bộ trưởng ITU

CĐS là ưu tiên của ViệtNam nhằm phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng này cùng với ITU, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng hoan nghênh các Bộ trưởng và đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ quan điểm về các chính sách thúc đẩy CĐS. "CĐS sẽ mang lại các phương thức kinh doanh mới, các nước đang phát triển có ít công cụ thay thế hơn, và do đó có thể thay đổi nhanh hơn. Ví dụ như mobile money ở các nước châu Phi".

Nói về CĐS, Bộ trưởng cho biết nhiều người thường nghĩ về công nghệ, nhưng trên thực tế, các khuôn khổ thể chế và quy định cần thiết hơn. 

Trong mọi tổ chức, sự thành công của CĐS hầu hết phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cao nhất. Các nhà lãnh đạo sẽ cần phải chấp nhận những thay đổi cơ bản trong hoạt động và điều hành của tổ chức. Các nhà lãnh đạo được yêu cầu đưa ra các quyết định khó khăn, trong việc tái cấu trúc và thậm chí trong việc phân bổ lại các nguồn lực, bao gồm cả nguồn nhân lực.

Tại Việt Nam, tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Năm nay, các khuôn khổ thể chế và chiến lược khác cho CĐS và kinh tế kỹ thuật số sẽ được ban hành.

Theo Bộ trưởng, cơ sở hạ tầng số đóng vai trò then chốt trong quá trình CĐS. Ở Việt Nam, Bộ TT&TT đang làm việc với các nhà khai thác viễn thông để đáp ứng truy cập cho các thôn còn lại chưa được kết nối, để đến cuối năm nay, 100% người dân Việt Nam có thể truy cập Internet. Các thử nghiệm 5G đã được tiến hành từ năm ngoái. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị cấp giấy phép thương mại và tần số, vì vậy, các dịch vụ 5G sẽ có mặt trên toàn quốc vào năm 2022. Để thúc đẩy khả năng tiếp cận giá cả phải chăng, các nhà mạng Việt Nam đã đưa ra gói cước đặc biệt, trị giá gần 500 triệu USD, để hỗ trợ người dân truy cập mạng trong thời gian bùng phát dịch COVID-19.

Vào năm 2023, Việt Nam sẽ tắt mạng 2G để 100% người dùng có thể kết nối Internet. Điều này có thể thực hiện được là nhờ sự hợp tác của các nhà sản xuất trong nước, để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ (khoảng 30 USD/ điện thoại thông minh). Tháng trước, theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã khởi động chương trình "Sóng và máy tính cho em" để kêu gọi hỗ trợ 1 triệu máy tính cho trẻ em học tập trực tuyến.

Trong chiến lược CĐS của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các dịch vụ công và các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài chính.

Cần đầu tư mạng lưới phủ sóng đến mọi người dân

Với tư cách là người đứng đầu tổ chức chuyên ngành ICT của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao cho biết tương lai ở phía trước và ICT đóng vai trò quan trọng trong đại dịch COVID-19. Thước đo cho giá trị thành công của các nước là khả năng truy cập Internet giá rẻ. Có được hạ tầng với chính sách hợp lý là một trong những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Đó là lý do hạ tầng ICT là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.

Theo Tổng thư ký ITU, cần thu hút đầu tư cho những khu vực đang phát triển và cần đầu tư nguồn lực tốt nhất. "Chúng ta cần làm việc chăm chỉ để phá vỡ những rào cản. Chúng ta cần thay đổi tư duy và cần một chiến lược hợp lý. Hạ tầng chưa phát triển là một vấn đề vì thế chúng ta cần đầu tư vào mạng lưới mới như 5G, bao phủ đến mọi người dân".

Tổng thư ký ITU cũng nhấn mạnh: "Ngành ICT cần hỗ trợ tài chính và đổi mới sáng tạo trong cách tiếp cận từ chính phủ và thúc đẩy đầu tư hợp tác trong hệ sinh thái số. Điều này bao gồm thể chế, chính sách, giải pháp tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, thân thiện kết nối nông thôn với thành thị. Tôi trân trọng những nỗ lực của Việt Nam trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng ICT".

Đáp ứng truy cập Internet để thúc đẩy CĐS

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ICT của Costa Rica, bà Paola Vega Castillo, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Viễn thông cho biết kinh nghiệm đầu tiên của Costa Rica là trợ cấp để người dân được tiếp cận Internet và các thiết bị. Tuy nhiên, tác động sẽ bị hạn chế nếu chúng không được hỗ trợ bằng cách sáng kiến số hóa.

Tuy nhiên, bà Paola Vega Castillo cho biết nước này nhận thức rõ trợ cấp cơ sở hạ tầng cơ bản là không đủ. Costa Rica đang phát triển một kế hoạch quốc gia mới nhằm phát triển viễn thông trong 5 năm tới và trong quá trình này các chính quyền địa phương được cung cấp ngân sách, tạo điều kiện để mời gọi các DN tư nhân tham gia đầu tư chuyển đổi số hóa và hưởng lợi từ đó. Sự hợp tác công - tư sẽ mang tới sự phát triển.

Ông Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng CNTT-TT Lào cho rằng việc cung cấp kết nối Internet giá rẻ là một cách hiệu quả để thúc đẩy CĐS và hỗ trợ người dân xóa bỏ khoảng cách số, kết nối trực tuyến với nhau để cùng vượt qua đại dịch. Chính phủ Lào đã có chương trình trợ cấp đến cả những người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng để sẵn sàng cho CĐS.

Còn Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kinh tế số Nigeria Ali Ibrahim Pantami cho biết: Internet đóng một vai trò thiết yếu trong thế giới hiện đại, làm tăng năng suất và biến đổi hoàn toàn cách thế giới tương tác với nhau, cách mọi người tiến hành các hoạt động kinh doanh. "Mọi thứ diễn ra như thủy triều. Vì vậy, chủ đề Hội nghị - Triển lãm năm nay rất có ý nghĩa. Ở Nigeria, mới chỉ khoảng 50% dân số được tiếp cận băng thông rộng", Bộ trưởng Ali Ibrahim Pantami nhấn mạnh.

Kể từ năm 2019, Nigeria đã nhận ra tầm quan trọng của thúc đẩy kỹ thuật số, tập hợp các chuyên gia cả ơtrong lĩnh vực công và tư, các viện nghiên cứu và nhiều tổ chức khác để cùng thảo luận và đề ra chiến lược quốc gia gọi là Kế hoạch đô thị hóa Nigeria 2020 - 2025, trong đó trọng tâm là tăng tiếp cận băng thông rộng. Kế hoạch được triển khai theo một hệ thống quản trị gồm 3 cấp chính phủ, chính quyền các bang và chính quyền cấp nhỏ hơn nhằm thực hiện chiến lược kinh tế số địa phương và quốc gia.

Ông Jean Philibert Nsengimana, Chủ tịch Liên minh Internet (World Wide Web Foundation) cho biết, các nước trên thế giới đã để lỡ khoảng 1.000 tỷ USD trong tổng GDP trong thập kỷ qua vì phụ nữ chưa được tiếp cận CĐS đầy đủ. Theo một nghiên cứu gần đây của Liên minh Internet, nam giới truy cập Internet nhiều hơn nữ giới 1%. Số tiền bị mất có thể được đầu tư để cải thiện giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở.

Ông Nsengimana đề xuất 3 giải pháp là các chính phủ cần đề ra các mục tiêu đầu tư đúng đắn cho những kết nối có ý nghĩa; phát triển và đầu tư vào một số chương trình quốc gia; các lĩnh vực, ngành kinh tế cần phải hợp tác để đảm bảo kết nối số trong giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Theo Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson, thế giới đang có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Một số cách chúng ta cần làm để giải quyết vấn đề thiết yếu về công nghệ mới, các công nghệ số hóa để mang tới lợi ích cho mọi người ở khắp nơi, hoặc thông qua tài trợ, hợp tác công - tư và cả một kế hoạch, chương trình hành động cũng như một khung chính sách linh hoạt để hỗ trợ và khuyến khích đầu tư ở những vùng nông thôn, nơi đang bị tụt lại phía sau.

Ông Johnson cho rằng khó khăn nằm ở khả năng mang lại kết nối với giá cả phải chăng cho những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vốn bị sao lãng khi xét về lợi nhuận đầu tư thu được so với các đô thị.

"Điểm cốt lõi là tất cả cùng bắt tay nhau hành động, bổ trợ cho nhau bằng các thế mạnh riêng. Chỉ khi đó, mới có thể giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề và đạt được mục tiêu tăng tốc CĐS và mang lại lợi ích cho mọi người ở khắp mọi nơi", Phó Tổng thư ký ITU nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Cuộc đua trung tâm dữ liệu AI tại Đông Nam Á
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một động lực chính thúc đẩy đổi mới công nghệ toàn cầu và Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cuộc đua phát triển AI. Hàng loạt các hãng công nghệ và đám mây lớn đã thông báo kế hoạch xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mới tại Đông Nam Á.
  • Hai nền tảng số MISA được công nhận là sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024
    Vượt qua hơn 1.000 hồ sơ và nhiều vòng thẩm định khắt khe, MISA có hai nền tảng số đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.
  • Mở rộng trông xe không dùng tiền mặt mang lại lợi ích "kép"
    Việc áp dụng hình thức thanh toán qua ứng dụng thu phí không dừng VETC và mã QR vào hoạt động thanh toán phí gửi xe không dùng tiền mặt không những góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh mà còn tăng cường công tác quản lý nhà nước, minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ trông giữ xe.
  • 10 xu hướng định hình tương lai của quản lý giao dịch số
    Quản lý giao dịch số đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng về xử lý tài liệu an toàn, hiệu quả. Đây là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình xử lý tài liệu số.
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến mục tiêu xây dựng một thế giới số xanh, toàn diện và công bằng hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO